Ngày 10/1, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Đâu phải cán bộ nào cũng cầm tiền, cầm quà
Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức phát biểu tại hội nghị cho biết, trong kết quả chung của đất nước có đóng góp quan trọng của ngành Nội chính Đảng và các Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã luôn quyết tâm cao, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Theo bà Trương Thị Mai, hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đi vào nề nếp, tạo sự chuyển biến rất rõ nét trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
Năm 2023, các cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố mới 763 vụ án, tăng gần 2 lần so với năm 2022, tăng gấp 3 lần so với năm 2021. Nhiều vụ án lớn kéo dài nhiều năm đã được khẩn trương xem xét, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".
Theo Thường trực Ban Bí thư, việc này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.
|
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai |
Bà Trương Thị Mai đánh giá cao Ban Nội chính Trung ương đã luôn chủ động trong công tác tham mưu các chủ trương, chính sách lớn mang tính chiến lược.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã đề xuất Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương 18 đề án lớn.
Các đề xuất không chỉ dừng lại ở công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mà còn tham mưu cơ chế kiểm soát quyền lực; cơ chế chỉ đạo, phối hợp, phát hiện, xử lý tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng; cơ chế phân hóa xử lý hình sự một số vụ án lớn, vụ việc lớn được dư luận xã hội quan tâm.
Bà Trương Thị Mai nhấn mạnh, kết quả lớn mà chưa nhiệm kỳ nào làm được của ngành Nội chính Đảng, đó là tham mưu ban hành 3 quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Tới đây sẽ ban hành tiếp 2 quy định, đó là kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng trong xây dựng, ban hành chính sách pháp luật; kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công.
“5 quy định này hợp lại thành một hệ thống kiểm soát quyền lực, góp phần hoàn thiện việc thực hiện nguyên tắc về tổ chức bộ máy nhà nước, đó là quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa 3 quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp và kiểm soát quyền lực", bà Trương Thị Mai nói và nhấn mạnh, quan trọng nhất là làm sao các quy định của Đảng phải đi vào cuộc sống.
Nhắc lại đề nghị của địa phương tổ chức lớp tập huấn về liêm chính, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh đây là vấn đề mà cán bộ, đảng viên phải tự rèn luyện.
Thường trực Ban Bí thư lấy ví dụ lãnh đạo một Sở Y tế vi phạm quy định đấu thầu, nhưng dứt khoát không nhận tiền, không nhận quà. “Đâu phải cán bộ nào cũng cầm tiền, cầm quà”, bà Trương Thị Mai nói.
Bà Mai cũng dẫn chứng có trường hợp ở địa phương mặc dù Ủy ban Kiểm tra không đề xuất mức kỷ luật nhưng tự đề xuất mức kỷ luật cho mình vì thấy được trách nhiệm người đứng đầu. “Liêm chính cần được tuyên truyền, vận động và cán bộ phải tự soi, tự sửa, đặc biệt là trong các cơ quan kiểm soát quyền lực càng phải nâng cao đạo đức này”, bà Mai nhấn mạnh.
Cán bộ chưa biết sợ, hay lòng tham không đáy
Bên cạnh đó, Thường trực Ban Bí thư cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Điển hình là việc thực hiện nhiệm vụ nội chính, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở một số nơi, chưa thật quyết liệt. "Có nơi còn e ngại, sợ đụng chạm, sợ ảnh hưởng đến thành tích. Một số địa bàn còn để xảy ra vụ việc lớn, hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, dư luận bức xúc…", bà Mai nói.
Nhắc lại phát biểu tại hội nghị ngành kiểm tra Đảng mới đây, bà Trương Thị Mai cho biết, trong 83 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có 59 cán bộ vi phạm ở các nhiệm kỳ trước đây, 24 cán bộ vi phạm trong nhiệm kỳ này.
Bà Mai nhấn mạnh, Nhiệm kỳ XII, XIII đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng, chỉ số minh bạch của Việt Nam đã thăng hạng rất đáng kể.
"Nhưng tại sao vẫn còn cán bộ vi phạm? Cán bộ chưa biết sợ, hay lòng tham không đáy nên vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, có những vụ việc liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên quan cả Trung ương và cán bộ địa phương? Vụ việc nào cơ bản cũng đều có sự móc nối giữa cán bộ Nhà nước với thành phần thoái hóa, biến chất ở bên ngoài xã hội, làm thiệt hại, thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, nhân dân", bà Trương Thị Mai nói.
Theo bà Mai, nếu như trước đây, tất cả các vụ khiếu kiện phức tạp cơ bản liên quan đến đất đai, nhưng bây giờ không dừng lại ở đó mà đã lan rộng ra lĩnh vực đấu thầu, sử dụng tài sản công, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng, đăng kiểm, y tế, giáo dục...
Thường trực Ban Bí thư đề nghị ngành Nội chính Đảng, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tiếp tục nghiên cứu, phân tích đầy đủ nguyên nhân vi phạm của cán bộ trong nhiệm kỳ này, để có biện pháp khắc phục tốt hơn.
Nhấn mạnh "phòng bệnh hơn chữa bệnh", Thường trực Ban Bí thư lưu ý cần rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật trong các lĩnh vực có vi phạm phổ biến thời gian qua, làm sao tạo khuôn khổ pháp lý minh bạch, rõ ràng để cán bộ không phải e sợ. Từng cơ quan, tổ chức, địa phương chú trọng việc tự rèn luyện, tự soi, tự sửa, gương mẫu nói đi đôi với làm, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, "cán bộ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu".
260 vụ án tham nhũng, tiêu cực ở các tỉnh vào diện theo dõi, chỉ đạo
Tại Hội nghị, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng cho biết, năm 2023, các ban chỉ đạo cấp tỉnh đã tiến hành 212 cuộc kiểm tra, giám sát; chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kiểm tra các chuyên đề, vụ việc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và các cơ quan chức năng ở Trung ương.
Cụ thể, việc thanh tra thực hiện một số gói thầu, dự án liên quan đến Tập đoàn FLC, Công ty AIC; kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC, Cục Lãnh sự, Cục Đăng kiểm…
Cũng trong năm 2023, các ban chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa 260 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo (tính từ khi thành lập đã đưa 679 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo). Đi kèm với việc này, các cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố mới 763 vụ án, 2.079 bị can về tham nhũng (tăng gần 2 lần so với năm 2022), điển hình ở các địa phương như TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Sơn La, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa…
Ông Dũng nhận định, nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực tồn đọng, kéo dài đã được chỉ đạo xử lý. Nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, liên quan đến cả cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và tỉnh ủy, thành ủy quản lý, trong đó có cả nguyên bí thư tỉnh ủy, nguyên chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo chủ chốt cấp huyện.
Trong đó, Thanh Hóa đã khởi tố cả nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh và nhiều giám đốc sở, bí thư huyện ủy. Lào Cai khởi tố nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Nam khởi tố, điều tra 1 nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh, 1 nguyên giám đốc và 1 phó giám đốc sở…
Năm 2023, ngành Nội chính Đảng đã tham mưu ban hành 75 văn bản chỉ đạo về chủ trương, đường lối xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo; tham mưu chỉ đạo ban hành chủ trương phân hóa xử lý các đối tượng vi phạm trong các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty Việt Á, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, lĩnh vực đăng kiểm…
Năm 2024, ngành nội chính sẽ tham mưu, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời, sẽ tham mưu, chỉ đạo khẩn trương kết luận, xử lý dứt điểm các sai phạm của các tổ chức đảng và đảng viên liên quan đến công ty Việt Á, công ty AIC, tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB, lĩnh vực đăng kiểm và các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Bên cạnh việc gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương sẽ tiếp tục rà soát, đưa các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo.
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng
Hải Ninh