Một gã thanh niên đeo khẩu trang che kín mặt bất ngờ xuất hiện tại nhà ông Dương Văn Bi và hỏi mua 5 lá trầu, sau đó là 5 lá mít, 5 lá hồng xiêm. Ông Bi răm rắp nghe lời tên này, trong khi hắn lục lọi đồ đạc trong nhà ông và lấy đi số tiền lớn. Điều lạ lùng là bà vợ ông chứng kiến hành động ăn cắp của kẻ gian nhưng lại không tri hô, không phản ứng.
Những vụ lừa đảo xôn xao vùng quê
Thông qua báo, đài, người dân ở xã Hồng Đức (huyện Ninh Giang, Hải Dương) đã nghe nhiều về các thủ đoạn thôi miên chiếm đoạt tài sản trong thời gian gần đây xảy ra ở nhiều nơi trong cả nước.
Ví như, kẻ gian dùng điện thoại, dùng tiền hay thậm chí là xõa tóc... để làm đối tượng bị mê mờ, nghe theo lời của chúng mà đưa hết tài sản. Những chuyện ấy chưa bao giờ được xác nhận chính thức, tuy nhiên cũng đủ khiến người dân lo lắng.
Song, nói thì nói vậy, người dân Hồng Đức đều nghĩ rằng đó những chuyện xảy ra ở đâu xa xôi, ở các thành phố lớn, chứ không ai ngờ chuyện lừa đảo tinh vi lại xảy ra sát vách bằng phương thức hết sức lạ lùng, tức là thông qua mấy lá trầu không.
Nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới nhất tại Hồng Đức là vợ chồng ông Dương Văn Bi, một trong những hộ nghèo nhất nhì thôn Mai Động. Vợ chồng ông Dương Văn Bi không sống cùng các con, họ tự chăm sóc cho nhau trong ngôi nhà rách nát toang hoang ở giữa làng.
|
Ông Bi kể về quá trình bị kẻ gian lừa đảo. |
Ông Bi còn tỉnh táo, dù chân tay chậm chạp, run rẩy. Bà vợ ông bị điếc, nhưng minh mẫn, thấy khách vào nhà vẫn ra chào hỏi. Vợ chồng ông Bi là bố mẹ liệt sỹ, vì thế mỗi tháng ông đều có mấy triệu tiền lương.
Thông thường, nhận lương xong, ông đều nhờ mấy cô con gái gửi tiền vào ngân hàng. Nhưng do sắp có việc phải dùng đến nhiều tiền, ông đã tích cóp mất tháng lương gần đây và cất kỹ trong tủ.
Khoảng 8h sáng 17/4, một thanh niên lạ mặt đi xe máy vào thôn Mai Động. Lúc này nhiều người trong làng đi làm đồng và không ai để ý. Đối tượng tự mở cổng nhà ông Bi, dắt xe máy vào sân. Tên này đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang nên ông Bi không nhìn rõ mặt.
Ông cụ nhớ lại: “Nó nói có việc phải mua lá trầu, nên hỏi tôi bán cho 5 lá. Nhà tôi đúng là có giàn trầu không thật, nó nghiên cứu trước rồi nên nó biết. Tôi ra vườn hái cho nó 5 lá trầu, trong khi nó lảng vảng ở sân. Tôi đưa 5 lá trầu cho nó, thì nó đưa tôi tờ 20 nghìn.
Chả hiểu sao tôi lại hỏi nó: “Mua gì nữa không?”, nó bảo bán cho 5 lá mít. Cây mít ở cuối vườn, tôi lại lật đật đi lấy cho nó. Một lát, tôi quay lại, vẫn thấy nó ở trước sân, nó lại đòi mua 5 lá hồng xiêm. Bấy giờ lòng tôi hơi gợn nghi ngờ, nhưng tôi vẫn tin tưởng là bà vợ tôi đang trong nhà, ắt nó không dám làm gì. Ấy vậy mà tôi nhầm to”.
|
Vườn trầu nhà ông Bi khá khuất, kẻ gian lợi dụng điểm này để lừa gạt ông Bi |
Trong khi ông Bi ra vườn hái các loại lá, kẻ gian lục lọi tủ tivi và lấy đi một túi đồ. Sau đó hắn nhảy lên xe máy tẩu thoát. Lúc ông Bi quay lại, ông đã không thấy bóng dáng đối tượng nữa. “Tôi hỏi vợ là anh thanh niên đâu rồi, bà ấy bảo đi rồi, lại còn mở tủ nữa đấy. Tôi như bị sét đánh, vội kiểm tra thì tài sản đã mất rồi.
Tôi bị mất một chiếc túi chứa đồ đạc, trong túi đó có 5 túi nhỏ hơn đựng giấy tờ, tài liệu và 11,5 triệu đồng cùng một bằng tốt nghiệp cao đẳng của cháu. Đặc biệt số tiền 350 nghìn đồng trong túi áo của tôi cũng mất”, ông Bi tường thuật.
Vụ việc mất tài sản tại gia đình ông Dương Văn Bi nhang chóng được báo cho chính quyền xã. Người dân Hồng Đức được phen xôn xao, bàn tán và lạnh sống lưng về phương thức của những kẻ lừa đảo. Lý do là bởi ông Dương Văn Bi không phải là nạn nhân đầu tiên của thủ đoạn này.
Năm 2016, tại thôn Đồng Lạc (cùng xã Hồng Đức) cũng xảy ra sự việc tương tự. Đối tượng biết ông Phạm Văn Thuật bị bệnh mới đi điều trị về và được họ hàng, người thân cho tiền bồi dưỡng. Khi vào nhà đối tượng hỏi mua 5 lá trầu không với giá 5000 đồng, khi đối tượng trả 10.000 đồng thì ông Thuật vào nhà trong tìm tiền trả lại. Lợi dụng nạn nhân không để ý, đối tượng đã nhanh tay lấy trộm chiếc ví để trên đầu giường trong đó có trên 4 triệu đồng rồi tẩu thoát.
Có hay không việc dùng lá trầu để thôi miên?
Xung quanh sự việc ông Dương Văn Bi bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn, xuất hiện nhiều lời đồn thổi cho rằng kẻ gian đã sử dụng “bùa ngải” để thôi miên hai vợ chồng ông. Một người dân đặt vấn đề: “Trước đây, ông cụ Bi làm cán bộ xã mấy chục năm, tinh thần cảnh giác của ông cao lắm. Làm sao có chuyện ông Bi dễ dàng nghe lời thanh niên lạ mặt, đeo khẩu trang để ra vườn hái mấy lá cây nhăng nhít như vậy?
Hơn nữa, bà vợ ông lại không hề phản ứng tí tẹo nào dù chứng kiến tên thanh niên mở tủ, lấy đồ đạc. Đáng lý, bà ấy phải ngăn hắn lại, hoặc chí ít cũng phải ú ớ cảnh báo ông chồng chứ! Đằng này, bà hoàn toàn không phản ứng, như thể bị kẻ gian hớp hồn hoặc thôi miên”.
Được hỏi về vấn đề này, bản thân ông Bi cũng rất mê mờ, ông không thể khẳng định có bị thôi miên hay không. Nói đúng hơn, ông chẳng nhớ gì cụ thể cả. Đến mức, mấy hôm sau khi xảy ra sự việc, Công an xã Đông Xuyên gần đó tóm được kẻ lạ có dấu hiệu lừa đảo, mời ông Bi sang nhận mặt.
Nhưng ông cụ không nhớ nổi hình dáng tên ấy, thậm chí xe máy của hắn loại gì, ông cũng chịu. Điều này càng làm một vài người dân thêm khẳng định rằng kẻ gian đã sử dụng lá trầu như một thứ “bùa ngải” để thôi miên vợ chồng ông Bi trước khi cướp tài sản.
Tuy nhiên, tin đồn nói trên khó có căn cứ bởi một nạn nhân khác là ông Phạm Văn Thuật đã phủ nhận. Khoảng tháng 4/2016, ông Thuật cũng là nạn nhân bị mất tiền sau khi thanh niên lạ mặt hỏi mua lá trầu. Ông bảo: “Thằng ấy lợi dụng tôi đi ra phía sau nhà lấy lá trầu để thực hiện hành vi trộm cắp. Mình không chú ý thì mình bị lừa thôi, chứ không phải là ảo thuật gì cả”.
Cùng ý kiến như ông Thuật, ông Nguyễn Quang Đoài (Trưởng công an xã Hồng Đức) nhấn mạnh: “Tôi khẳng định, không có chuyện dùng lá trầu không để thôi miên các nạn nhân sau đó cướp tài sản. Đây chỉ là lợi dụng những người già cao tuổi để khi họ sơ hở là trộm cắp tài sản.
Thực tế đối tượng đã biết rất rõ nhà nạn nhân có tiền, trong khi bản thân vợ chồng ông Bi già yếu, bệnh tật nên đợi mọi người đi vắng, đối tượng mới hành động. Đối tượng nói mua nhiều loại lá cây chỉ là hình thức để lừa nạn nhân ra vườn nhằm kéo dài thời gian.
Trong khi các loại cây đó khuất tầm nhìn vào nhà và ở xa. Chính lúc này là điều kiện để đối tượng lục soát đồ đạc và lấy đi những tài sản có giá trị. Do nạn nhân không nắm rõ phương tiện, hình dáng của đối tượng nên chúng tôi không lập biên bản và sau đó báo cáo sự việc với công an huyện”.
Theo Hoài Sơn /Tuổi trẻ đời sống