Ngày 11/8 vừa qua, trên trang facebook cá nhân N.T.T có đăng tải một đoạn clip ghi lại cảnh một người đàn ông bán dừa xiêm dừng lại ở ven đường bổ dừa.
Theo quan sát của PV, trong clip có thể thấy người bán hàng này gọt bỏ lớp vỏ xanh và còn lại vỏ trắng. Để lớp vỏ này không bị thâm thì người đàn ông trong clip đã dùng một túi đựng nước được cho là hóa chất nhúng những quả dừa gọt vỏ vào.
|
Hình ảnh người đàn ông bán dừa xiêm dạo được đăng tải trên mạng gây xôn xao (Ảnh cắt từ clip). |
Tiếp đó, facebooker này viết lời mô tả trên trang cá nhân: "Mọi người uống nước nên mua quả chưa gọt vỏ xanh nhé. Hôm nay ngay tại cổng cơ quan mình 42 Tô Hiệu, Hà Đông, Hà Nội mình đã quay được cảnh này...
Mình nóng tiết đã chửi thẳng vào mặt hắn (mình bảo ông làm thế này người nhà ông, con ông mà uống vào thì sao)... Hắn còn bảo không sao cùi dừa còn dày lắm... rồi hắn túm chặt lấy túi hoá chất lại chuồn thẳng".
Ngay sau khi nhận được thông tin, chiều ngày 12/8 PV Báo Người Đưa Tin đến địa chỉ nói trên nhưng không thấy có hàng dừa xiêm nào quanh đó.
Tìm hiểu với những người dân quanh đây, đa phần họ đều cho rằng họ thường thấy người đàn ông này bán dạo.
Bà N. (bán hàng trà đá ngay gần 42 Tô Hiệu) cho biết: "Người đàn ông này bán hàng không cố định, chỉ bán hàng rong thi thoảng có thấy nhưng sau ngày hôm qua thì không thấy xuất hiện ở đây nữa".
|
Hình ảnh người đàn ông bán dừa xiêm dạo được đăng tải trên mạng gây xôn xao (Ảnh cắt từ clip). |
Nhiều người xem cũng tỏ ra lo lắng trước thông tin trên, thậm chí còn mách nhau không nên mua dừa xiêm đã bóc sẵn vỏ xanh là an toàn nhất.
Trao đổi thêm với PV Báo Người Đưa Tin về việc dùng hóa chất để tẩy trắng dừa có độc hay không, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết trước tiên phải xác định người đó dùng hóa chất gì đã rồi mới xác định được là độc hay không.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh nhiều người cứ nghĩ tẩy trắng thực phẩm là điều khác thường và cứ điều khác thường là độc. Thế nhưng chất tẩy trắng vẫn được dùng rất thông dụng với mục đích cho sản phẩm trông ngon hơn, bắt mắt hơn.
Cụ thể, các hộ kinh doanh dùng chất tẩy trắng miến, thái khoai tây làm bim bim thì thái xong rất đen nhưng dùng chất tẩy trắng một lúc là khác ngay.
Ông Thịnh khẳng định: "Thực ra đây là chất tẩy trắng rất thông dụng, không phải là điều gì ghê gớm lắm. Nhiều người cứ nghĩ đây như một trò ảo thuật nhưng không phải. Hai chất tẩy trắng thông dụng là Na2SO3 và NaHSO3 cả hai đều có công dụng như nhau và tẩy trắng nhờ SO3 đó".
Theo ông Thịnh nếu chất này hòa uống trực tiếp thì sẽ tử vong ngay, nhưng khi dùng để tẩy trắng thì không độc.
Ông giải thích: "Khi gọt quả dừa vỏ đầu tiên trắng sau đó tiếp xúc với oxy chất trong đó bị oxy hóa biến thành màu nâu. Đây cũng tương tự cơ chế của quá trình cắt quả chuối xanh lúc đầu cắt thì trắng để một lúc thì nâu đen lại...
Chính vì thế để làm mất đi khả năng oxy hóa nên dùng hai hóa chất nêu trên. Khi chất đó nhúng vào sẽ làm mất chất gây ra hiện tượng "Chống nhiễm đen thực phẩm". Sau đó rửa sạch đi thì chất đó không còn gì nữa, trắng không gây hại".
"Không phải cứ chất độc dùng thì sẽ thành độc vì còn có cách xử lý khác nhau", ông Duy Thịnh khẳng định.
Bên cạnh đó, nói về hành động của người bán hàng ông Thịnh cho rằng người bán hàng làm vậy là đúng, không có gì sai cả, an toàn và trông đẹp.
Nói thêm về quả dừa bán trên thị trường, ông Thịnh cho biết thêm trong miền Nam, quả dừa vỏ dày khó bán, mang đi lại nặng nên người bán thường gọt xơ dừa đi, phơi để làm củi. Làm vậy vừa đảm bảo không ô nhiễm môi trường, tận dụng được nguyên liệu để đốt.
Ông Thịnh khẳng định thêm chất tẩy trắng dừa như trong clip nêu trên không hề độc, bởi vỏ bên ngoài không ai ăn vỏ đó. Nếu giả sửa có bị ngấm vào trong thì vỏ dừa dày cũng không thể ngấm được.
Đây không phải lần đầu tiên trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin về thực phẩm không an toàn gây hoang mang dư luận. Trước đó, mạng xã hội cũng từng chia sẻ rất nhiều những thông tin khiến dư luận xôn xao. Thế nhưng khi xác minh mới khiến người xem ngã ngửa. Chính vì vậy, khi quyết định chia sẻ một thông tin nào đó, người dùng nên kiểm chứng để tránh gây ra những hệ lụy đáng tiếc.
Theo Người Đưa Tin