Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện 517/CĐ-TTg về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới.
Trong công điện, Thủ tướng đánh giá tình hình nắng nóng gay gắt và tác động của El Nino đã làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt. Trong khi đó, tình trạng thiếu mưa ở các tỉnh phía bắc khiến nước về các hồ thủy điện rất thấp, gây ảnh hưởng rất lớn đến cung ứng điện.
Thủ tướng đã chỉ đạo bằng nhiều hình thức từ sớm, từ xa, yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện đồng thời các cơ quan đã nỗ lực một số giải pháp cấp bách nhưng vẫn xuất hiện những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm cung ứng đủ điện trong thời gian tới, đặc biệt là ở miền Bắc.
Trước tình hình đó, người đứng đầu Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố.
Trong đó, Thủ tướng trực tiếp giao Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong giai đoạn 1/1/2021-1/6/2023.
Đồng thời, Bộ Công Thương cần rà soát, đánh giá kỹ về tình hình cung ứng điện. khẩn trương hướng dẫn EVN xây dựng các kịch bản chủ động kịp thời ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện và tổ chức thực hiện theo quy định. Hoàn thành việc này trước 10/6.
|
Trước bối cảnh nắng nóng kéo dài, tình hình cung ứng điện quá tải buộc phải cắt điện khẩn cấp ở nhiều nơi khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Báo Bắc Giang |
Bộ Công Thương cũng cần khẩn trương hoàn thiện chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, trong đó tập trung giải pháp thiết thực, hiệu quả trong giai đoạn khó khăn về cung ứng điện. Nội dung này phải trình Thủ tướng ký ban hành trước 8/6.
Ngoài ra, cơ quan này được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng về đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới, báo cáo Thủ tướng trước 15/6.
Liên quan đến các loại hình điện tái tạo, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, hướng dẫn xử lý dứt điểm theo thẩm quyền đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã thực hiện đầu tư xây dựng nhưng không đáp ứng thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT. Đồng thời, khẩn trương hướng dẫn về công tác đàm phán giá điện trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" đối với các dự án điện gió, điện mặt trời và phải hoàn thành trong 6/2023.
|
Có trên 4.600 MW từ các dự án điện tái tạo gặp vướng mắc, chưa thể phát điện lên hệ thống Ảnh: Quỳnh Danh |
Bộ Công Thương cũng được giao rà soát quy định về điện lực để có hướng dẫn đầu tư lưới điện truyền tải theo quy hoạch được duyệt, trong đó đẩy mạnh đầu tư theo hình thức hợp tác công tư trong quá trình xây dựng. Đồng thời, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cũng được Thủ tướng yêu cầu khẩn trương điều chỉnh việc quản lý về bộ này trong tháng 6 năm nay.
Với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung huy động hiệu quả mọi nguồn lực, nỗ lực cao nhất trong chỉ đạo điều hành thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện.
Đơn vị này cũng cần chủ động xây dựng các kịch bản linh hoạt ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện và theo hướng dẫn của Bộ Công Thương; đồng thời khẩn trương chỉ đạo và trực tiếp tháo gỡ khắc phục sự cố các nhà máy điện, nhất là các nhà máy điện tại miền Bắc để đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất.
Thủ tướng đồng thời yêu cầu tập trung cao độ thực hiện hiệu quả việc tiết kiệm điện, đặc biệt trong tháng 6 năm nay.
Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam được Thủ tướng giao nhiệm vụ cung cấp đủ than, khí cho các nhà máy điện theo đề nghị của EVN; phối hợp chặt chẽ với EVN trong thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian tới; khẩn trương chỉ đạo khắc phục ngay sự cố các nhà máy điện thuộc thẩm quyền, sớm đưa vào vận hành trong tháng 6.
Theo Hồng Quang/Zing