Thủ tướng yêu cầu quyết liệt xử lý vụ gian lận thi THPT quốc gia

Google News

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an điều tra, xử lý vụ gian lận thi THPT quốc gia triệt để, đúng người, đúng tội nhằm lấy lại lòng tin của người dân.

Chiều 1/8, mở đầu cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết các vụ gian lận thi cử đang được cơ quan chức năng tích cực vào cuộc. "Thủ tướng đang rất quyết liệt yêu cầu xử lý", Bộ trưởng Dũng nói.
Rà soát phương án tổ chức thi THPT quốc gia
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an điều tra, xử lý triệt để, đúng người, đúng tội, nhằm lấy lại lòng tin của người dân sau vụ gian lận thi cử. Thứ hai, Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT rà soát lại phương án tổ chức với kỳ thi THPT quốc gia cũng như vấn đề giao các trường đại học tự tổ chức kỳ thi đại học.
“Chính phủ không bàn thảo luận về việc thi theo hình thức nào, tuy nhiên có học là có thi. Thi cần đảm bảo thực chất, khách quan”, ông nói.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ quan điểm về vụ việc. Thủ tướng cho rằng, sự cố này đã gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin xã hội. Do đó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý rốt ráo.
“Không phải Chính phủ vì bệnh thành tích mà bỏ qua việc này. Chúng tôi sẽ xem xét việc thi trung học phổ thông và thi đại học một cách nghiêm túc để kết luận những vấn đề đặt ra tại phiên họp này rõ ràng, để yên dân”, Thủ tướng khẳng định.
Đánh giá vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La là những sai phạm rất nghiêm trọng, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã xin nhận trách nhiệm tại phiên họp Chính phủ sáng 1/8.
Nhiều tín hiệu kinh tế tích cực 7 tháng qua
Người phát ngôn Chính phủ thông báo một số tín hiệu vui của nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội vẫn duy trì xu thế tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra.
Thu tuong yeu cau quyet liet xu ly vu gian lan thi THPT quoc gia-Hinh-2
 Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: Hiếu Công
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân, sau 2 tháng liên tiếp tăng cao thì đến tháng 7 đã giảm 0,09% so với tháng trước. Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/7 khoảng 7,69%, đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định so với cuối tháng 6.
Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng có diễn biến tăng do sức ép từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đồng nhân dân tệ giảm giá, đồng USD tăng giá. Thị trường chứng khoán phục hồi trở lại, chỉ số VN-Index đạt 934,08 điểm vào ngày 24/7, quy mô vốn hóa tăng 8,3% so cuối năm 2017.
Vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng ở mức khá, trong đó tổng vốn đăng ký ước đạt gần 23 tỷ USD, tăng 4,6%; giải ngân vốn FDI ước đạt trên 9,8 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ.
Tính chung 7 tháng, cả nước có gần 75.800 doanh nghiệp được thành lập, với số vốn đăng ký đạt 771.000 tỷ đồng, tăng 3,9% về số doanh nghiệp và 6,4% về số vốn so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là gần 40.000 doanh nghiệp, tăng 45,6%.
Cán cân thương mại duy trì trạng thái xuất siêu, ước đạt 3,1 tỷ USD, bằng 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bộ trưởng cũng vui mừng thông báo một chỉ số được cải thiện của Việt Nam. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu Việt Nam tăng 2 bậc, vươn lên vị trí thứ 4 trong ASEAN. Chỉ số hiệu quả logistics 2018 tăng 25 bậc so với 2016. Hiện nay Việt Nam đứng thứ 39 trong 160 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bão lũ gây nhiều tác động tiêu cực
Bên cạnh những yếu tố tích cực, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh nền kinh tế vẫn phải đối mặt với các khó khăn, thách thức. Nổi bật nhất là sức ép về lạm phát vẫn tiếp tục hiện hữu do các nguyên nhân bên ngoài như giá dầu thô tiếp tục tăng cao (bình quân 7 tháng khoảng 74 USD/1 thùng, tăng 37% so với cùng kỳ).
Từ đó kéo theo giá cả hàng hóa cơ bản thế giới tăng cao; thị trường ngoại hối và tỷ giá ngoại tệ dự kiến sẽ có diễn biến khó lường do những phản ứng điều chỉnh của phía Trung Quốc trong căng thẳng thương mại với Mỹ.
Bên cạnh đó, tình hình bão lũ phức tạp gây nhiều tác động tiêu cực. Thiên tai trong 7 tháng đầu năm đã làm 78 người chết và mất tích, 64 người bị thương, thiệt hại khoảng 1.700 tỷ đồng.
Tại phiên họp sáng nay, Thủ tướng yêu cầu rà soát hàng nghìn hồ thủy lợi khắp cả nước, nơi đang chứa 15,3 tỷ m3 nước.
“Thủ tướng yêu cầu cần rà soát, cảnh báo, xử lý những hồ, cần xem xét chất lượng để có cảnh báo sớm. Chủ động khắp phục tiêu cực trong biến đổi khí hậu đến xã hội. Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt việc này”, ông nói.
Theo Nhật Lâm - Hiếu Công/Zing