Chiều nay, 2/6, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng điểm lại những nội dung chính của phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng qua. Bộ trưởng đồng thời nhắc lại đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình hình kinh tế - xã hội có nhiều điểm tiến triển tích cực, đáng mừng.
Nên giữ tên gọi trạm thu phí BOT?
Trước đó, theo VTV, tại phiên họp Chính phủ sáng cùng ngày, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể một lần nữa xin nhận trách nhiệm về những yếu kém của ngành giao thông, đặc biệt là lĩnh vực đường sắt; đồng thời gửi lời xin lỗi tới gia đình các nạn nhân trong những vụ tai nạn đường sắt vừa qua.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Thể trước Chính phủ, sau 4 vụ tai nạn vừa qua, Tổng công ty Đường sắt đang xử lý những người có liên quan. Đây cũng là dịp chấn chỉnh toàn bộ hoạt động của ngành này. Về tên gọi của các trạm thu phí giao thông BOT, Bộ xin được nghiên cứu tiếp để đưa ra tên gọi phù hợp.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho phép Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu thêm, nhưng không được gọi là trạm thu giá. Ảnh: VGP. |
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, phí giao thông BOT cũng tương tự như học phí và viện phí, trong đó, viện phí dù đã được điều chỉnh để tiếp cận giá trị trường nhưng vẫn có tên gọi như vậy, nên không việc gì phải đổi tên để tạo tâm lý không tốt trong người dân. Quan điểm của Bộ Công an cũng là nên giữ tên gọi là trạm thu phí BOT.
Kết luận vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho phép Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu thêm, nhưng không được gọi là trạm thu giá.
Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan trong điều hành
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Như sản xuất nông nghiệp có kết quả tăng so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,7%. Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao, đạt 11,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 5 tháng đầu năm 2018 tiếp tục đạt khá, tăng 10,1% so với cùng kỳ, loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 7,5%).
Theo bộ trưởng, các tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế và các ngân hàng thương mại được cải thiện xếp hạng tín nhiệm. Đặc biệt, chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI của tháng 5 tăng lên 53,9 điểm, cao nhất trong ASEAN.
Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, ước đạt 93,1 tỷ USD (tăng 15,8% so với cùng kỳ). Cả nước xuất siêu khoảng 3,4 tỷ USD, chiếm gần 3,6% kim ngạch xuất khẩu.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tăng khá, đạt 6,75 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,75 tỷ USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ...
Tuy nhiên, dù một số ngành vẫn còn gặp khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,55% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây (chủ yếu do tăng giá giao thông 1,72%, dịch vụ ăn uống tăng 0,88%). CPI bình quân 5 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng 3,01%.
Với những kết quả đạt được song song với những hạn chế, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành không được chủ quan trong điều hành, vì tình hình thế giới biến đổi rất nhanh. Ông lưu ý CPI tháng 5 có mức tăng khá cao (chủ yếu do tăng giá xăng dầu, thịt lợn hơi).
Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Tài chính, Công Thương không tăng giá điện trong năm nay, chỉ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục nếu điều kiện cho phép, vào thời điểm phù hợp. Cùng với đó, điều tiết lượng cung tiền và chính sách tài khóa phù hợp, không để gây sức ép tăng giá lớn.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý tình hình giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp (5 tháng mới đạt gần 29% kế hoạch), trong đó, không chỉ các bộ, ngành mà các đầu tàu kinh tế như Hà Nội mới đạt khoảng 30% kế hoạch, TP.HCM mới đạt 15% kế hoạch.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bởi kênh FDI cùng với kênh trong nước góp phần quan trọng vào tăng trưởng. Còn lựa chọn dự án FDI thế nào, mục tiêu, ưu tiên ra sao thì theo Thủ tướng, sắp tới đây sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó đề cập vấn đề này.
Tổng bí thư rất quan tâm đến các vụ bán đất công giá rẻ
Nhiều vấn đề làm nóng dư luận hiện nay như vụ bán đất công giá rẻ, xử lý các dự án yếu kém của ngành công thương, quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng... cùng được lãnh đạo các bộ, ngành trả lời chi tiết tại buổi họp báo.
Trả lời câu hỏi liên quan đến tình trạng đất công bán rẻ, sử dụng sai mục đích, bỏ hoang gây lãng phí tại các địa phương, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Tổng bí thư rất quan tâm đến các vụ bán đất công giá rẻ này.
Ông Dũng nói vừa qua tình trạng đất công bán với giá rẻ, chỉ định thầu mà không đấu thầu, ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương rất quan tâm, trực tiếp là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chính phủ, Thủ tướng, các Phó thủ tướng và nhiều cơ quan chuyên môn đã yêu cầu kiểm tra, thanh tra, xác minh rõ dư luận nêu về vấn đề này với tinh thần là yêu cầu phải minh bạch, yêu cầu phải công khai, thu lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước.
Trong báo cáo đặc biệt của cơ quan thanh tra, có những thất thoát lớn, liên quan đến đất công, tài sản công, bán chuyển nhượng giá rẻ, không đấu giá, đấu giá không công khai, minh bạch. Liên quan đến lợi ích nhóm, thất thu ngân sách Nhà nước lớn, tinh thần chỉ đạo là cương quyết rà soát các dự án như vậy, làm công khai, từ đây phải yêu cầu đấu giá minh bạch.
Về các dự án yếu kém của ngành công thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lý giải lý do đưa dự án nhà máy thép Việt Trung ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém. Ông Hải thông tin vừa qua đã có báo cáo dự án thép Việt Trung, là một trong 12 dự án tồn đọng của ngành.
Với dự án này, nhờ được điều hành một cách nỗ lực, kết quả tương đối phấn khởi. Năm 2017, dự án này có lãi 411 tỷ, 5 tháng đầu năm lãi gần 500 tỷ đồng. Khi dự án bắt đầu có lãi thì doanh nghiệp mong muốn ra khỏi các dự án thua lỗ. Như thế, các bạn hàng, ngân hàng nhìn nhận là một doanh nghiệp bình thường, có thể tiếp cận vốn, bạn hàng. Do vậy, Bộ Công Thương có đề xuất với trưởng ban đề đưa ra khỏi 12 dự án tồn động.
Liên quan đến phản ánh gần đây về việc các công ty tài chính cho vay tiêu dùng với lãi suất cao, đòi nợ khiến khách hàng bức xúc, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết đã yêu cầu công ty tài chính dừng, chấn chỉnh phong cách làm việc của nhân viên
Theo bà Hồng, hiện nay các văn bản pháp lý hướng dẫn tổ chức tín dụng, công ty tài chính ban hành rất đầy đủ. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận thông tin một số công ty tài chính áp dụng biện pháp thu hồi nợ với những cách như liên tục gọi điện thoại, đe dọa khách khiến người vay bức xúc.
Ngân hàng Nhà nước đã trực tiếp làm việc với các công ty tài chính và yêu cầu dừng ngay, rà soát, chấn chỉnh phong cách làm việc của nhân viên, tăng cường kiểm tra kiểm soát hoạt động tín dụng.
Ngày 15/5, NHNN đã ban hành quy định chấn chỉnh cho vay tiêu dùng, yêu cầu tổ chức tín dụng nghiêm tục thực hiện.
Các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kiểm soát, yêu cầu tổ chức tín dụng rà soát, nâng cao chất lượng cán bộ, tập huấn, các kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng làm việc của nhân viên. Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng tích cực nắm bắt, tập trung giải quyết các khiếu nại của người dân.
Theo Hiếu Công - Nhật Lâm/Zing