Chiều 13/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua và trao đổi, thảo luận phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Đánh giá việc thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cuối tháng 2/2023; xem xét giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.
Cùng tham dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Hòa Bình.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc đánh giá, tỉnh Hòa Bình có vị trí chiến lược quan trọng, cửa ngõ của vùng Tây Bắc, có lợi thế là cầu nối giữa vùng Tây Bắc, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và Thủ đô Hà Nội (kết nối qua đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 6, 12B, 21, 15A, 70B... và các tuyến cao tốc Hòa Bình - Hà Nội, Hòa Bình-Sơn La đang được triển khai).
Hòa Bình tiềm năng lớn về phát triển kinh tế nông lâm nghiệp (điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đa dạng; đất đai màu mỡ, diện tích lớn phù hợp cho phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp); là địa điểm du lịch giàu tiềm năng (với các địa điểm Kim Bôi, Thung Nai, Thác Bờ, Mai Châu, hồ thủy điện Hòa Bình...); còn nhiều dư địa phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo.
Hòa Bình là vùng đất cổ, có nền văn hóa phát triển, cái nôi của văn hóa Mường (với 07 dân tộc, trong đó người Mường chiếm khoảng 63% dân số cả tỉnh); nhiều di tích văn hóa, lịch sử; nền ẩm thực đa dạng, phong phú (có tới 786 di sản văn hóa phi vật thể; hơn 18.000 hiện vật có giá trị...).
Con người Hòa Bình có bản sắc riêng, văn minh, thân thiện, mến khách, chú trọng xây dựng con người hướng tới các giá trị chân-thiện-mỹ; văn hóa ẩm thực độc đáo, nhiều sản vật nổi tiếng...
Các báo cáo, ý kiến cũng nêu rõ những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội mà Hòa Bình đạt được thời gian qua. Năm 2023, tỉnh đạt và vượt kế hoạch 15/19 chỉ tiêu; đẩy mạnh chuỗi liên kết, chuyển dịch cơ cấu cây trồng; tăng cường cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; xuất khẩu đạt gần 1,7 tỷ USD; khách du lịch đạt 3,2 triệu lượt khách.
An sinh và phúc lợi xã hội được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm 3,09% (từ 12,29% xuống 9,2%); số xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 62% tổng số xã.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo (tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 60%), y tế (tỉ lệ tham gia BHYT đạt 92%), khoa học công nghệ, việc làm đạt kết quả tốt (tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,6%; năng suất lao động đạt 120,59 triệu đồng/lao động).
Công tác quy hoạch được chú trọng, hoàn thành Quy hoạch tỉnh; đẩy mạnh các dự án hạ tầng. Cải cách hành chính được tích cực triển khai (hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần đạt 97%). An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được bảo đảm. Thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo.
Quý I/2024, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục xu hướng tích cực. Các động lực đều đạt mức tăng trưởng cao, nông nghiệp tăng 4,56%, công nghiệp tăng 6,88%, dịch vụ tăng 5,06%, xuất khẩu tăng 32,05%, khách du lịch đạt 1,6 triệu lượt khách.
Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực, giải ngân quý I đạt 14%, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, số doanh nghiệp thành lập mới tăng. Văn hóa, xã hội được chú trọng phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng GRDP không đạt kế hoạch; sản xuất kinh doanh gặp khó khăn; năng lực cạnh tranh chưa cao. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa cao, trong đó có các Chương trình mục tiêu quốc gia, một số dự án đầu tư chậm tiến độ. Quản lý đất đai, tài nguyên còn nhiều bất cập; hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn gây thiệt hại. Chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế. Cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số còn nhiều hạn chế.
|
Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh". |
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc; ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những kết quả mà tỉnh Hòa Bình đã đạt được trong thời gian qua.
Theo Thủ tướng, Hòa Bình có lợi thế lớn trong kết nối 3 vùng Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và với Thủ đô Hà Nội; có điều kiện phát triển toàn diện về công nghiệp và nông nghiệp; có nền văn hóa đặc sắc, truyền thống lịch sử hào hùng.
Thủ tướng đánh giá hơn 1 năm sau chuyến công tác và làm việc tại Hòa Bình cuối tháng 2/2023, tỉnh có 5 điểm hơn: Nhận thức về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh chuyển biến tích cực hơn; thể hiện tinh thần tự lực, tự cường nhiều hơn; kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị cao hơn; đầu tư phát triển tập trung hơn; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên và các cấp chính quyền tốt hơn.
Hòa Bình và các bộ, ngành cũng đã cơ bản hoàn thành 6 nhiệm vụ và đang tích cực triển khai 6 nhiệm vụ theo kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc cuối tháng 2/2023.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết còn nhiều băn khoăn, trăn trở như tỉnh phát triển chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế; tiềm năng, lợi thế lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp.
Định hướng phát triển thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, tỉnh cần xây dựng kế hoạch, thực hiện hiệu quả Quy hoạch đã được phê duyệt, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; hiện thực hóa quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển; hình thành không gian phát triển mới, tạo giá trị mới.
Cụ thể, Thủ tướng đề nghị tỉnh phát triển theo mô hình tập trung đa cực, 02 hành lang kinh tế và 03 vùng. Trong đó, đô thị Hòa Bình, Lương Sơn đóng vai trò trung tâm; khu vực động lực phát triển phía đông là cầu nối với Hà Nội, vùng trung du và miền núi phía bắc…
Các hành lang kinh tế gồm hành lang kinh tế Đông-Tây (định hướng phát triển dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, sân gôn, ngôi nhà thứ hai và công nghiệp…) và hành lang kinh tế phía Đông (định hướng phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, ngôi nhà thứ hai và nông nghiệp sạch).
03 vùng công nghiệp gồm: (1) Vùng ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao; (2) Vùng không gian tăng trưởng công nghiệp mới; (3) Vùng phát triển công nghiệp mang tính địa phương.
Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh".
"Một trọng tâm" là phát huy tính tự lực, tự cường để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống; đột phá vào các động lực tăng trưởng mới.
"Hai tăng cường" gồm: (1) Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội, an ninh, an toàn, an dân, bảo vệ môi trường); (2) Tăng cường kết nối vùng, trong nước và quốc tế thông qua sản xuất kinh doanh, hệ thống giao thông, chuỗi cung ứng, sản xuất…
"Ba đẩy mạnh" gồm: (1) Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, toàn diện, bao trùm; (2) Đẩy mạnh phát triển công nghiệp-dịch vụ phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất-cung ứng; (3) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển nhanh, bền vững.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu, thứ nhất, luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, đặc biệt là phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, kết hợp với ngoại lực của cả vùng, của trong nước và quốc tế.
Thứ hai, phát triển các ngành động lực để thúc đẩy tăng trưởng, tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, văn hóa bản sắc…; kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp sạch, hữu cơ, chất lượng cao.
Thứ ba, tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết kinh tế, khai thác tốt vai trò kết nối vùng giữa Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Bắc Trung Bộ.
Thứ tư, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược (giao thông, điện, viễn thông, đô thị, y tế, giáo dục, xã hội...), đẩy mạnh hợp tác công-tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, khơi thông các nguồn lực; quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ năm, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, vừa hình thành các doanh nghiệp lớn, vừa nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng, ứng dụng khoa học, công nghệ cao.
Thứ sáu, đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực cho các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh. Dành nguồn lực cho phát triển con người, nâng cao chất lượng sống, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp chênh lệch phát triển trong tỉnh. Hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.
Thứ bảy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục nâng cao hơn nữa các chỉ số về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính. Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số.
Thứ tám, chú trọng bảo vệ môi trường, phát triển rừng và đa dạng sinh học; phát triển bền vững hài hòa theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thứ chín, chú trọng xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Làm tốt công tác sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính.
Nhấn mạnh thêm một số nội dung, Thủ tướng cho rằng Hòa Bình phải hết sức chú trọng phát triển yếu tố con người, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và xây dựng hạ tầng chiến lược.
Với các sản phẩm OCOP, nông nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, cần chú trọng xây dựng thương hiệu; quy hoạch vùng nguyên liệu; kết nối với doanh nghiệp để cung ứng nguyên liệu đầu vào, kết nối thị trường; kết nối với các nhà khoa học để làm chỉ dẫn địa lý, mẫu mã, bao bì, bảo quản sau thu hoạch; kết nối với ngân hàng để bảo đảm nguồn vốn.
Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã phản hồi các đề xuất, kiến nghị của Hòa Bình liên quan tới triển khai dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình-Mộc Châu); tuyến đường giao thông kết nối liên vùng từ đường Hồ Chí Minh tại huyện Ngọc Lặc, Thanh Hoá đến Quốc lộ 6 và một số nội dung khác.
Thiên Tuấn