Thực hiện nghiêm nhưng không vận dụng sai
Chiều 3/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, trong đó có việc thực hiện Chỉ thị 16 về cách ly toàn xã hội.
Thủ tướng cho biết, hiện nay, nhiều nước triển khai các biện pháp rất mạnh mẽ, quyết liệt như Thủ tướng Thái Lan ra lệnh giới nghiêm; một số nước ra lệnh phong tỏa; Nga đưa ra chế tài, phạt rất nặng...
Nhấn mạnh không làm suy giảm tinh thần của Chỉ thị 16, Thủ tướng nêu rõ, không để tác động của tình hình kinh tế làm thay đổi tinh thần của Chỉ thị 16 mà cần thực hiện nghiêm hơn. Mục tiêu đưa ra là không để vỡ trận, lây lan dịch trong cộng đồng ở mức độ cao, nhiều ca, có thể dẫn tới phá vỡ hệ thống cơ sở điều trị. Việc cách ly cần tiếp tục thực hiện nghiêm.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: VGP |
Thủ tướng nói rằng, có một số địa phương vận dụng Chỉ thị 16 còn máy móc, có điểm sai, “chúng ta thực hiện nghiêm nhưng không vận dụng sai, hiểu không đúng nghĩa cụm từ cách ly xã hội”. Tinh thần là thực hiện quyết liệt, không được chần chừ.
Theo Thủ tướng, có kinh nghiệm được rút ra từ nhiều nước trong nhiều thời kỳ thì nơi nào chống dịch kiên quyết thì sau đó kinh tế phát triển, còn nếu để dịch tràn lan, gây hại rất lớn thì sau đó kinh tế khó phục hồi.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là giai đoạn cần huy động tổng lực phòng chống dịch. Chúng ta cần phối hợp nhịp nhàng hơn, nhuần nhuyễn hơn để tạo nên sức mạnh. Yêu cầu làm nhanh nhưng chính xác, chung tay góp sức của nhiều người.
Biểu dương Hà Nội bố trí khách sạn để cách ly các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Thủ tướng nêu rõ, cần quan tâm đặc biệt đến đội ngũ trực tiếp chống dịch, nhất là các y bác sĩ, cả về vật chất và tinh thần.
Quảng Ninh chỉ đạo không được đào hào, đổ đất ngăn đường
Ngày 3/4, tại cuộc họp giao ban Ban Cán sự Đảng và Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng cho biết, Quảng Ninh hiện đang kiểm soát tốt tình hình dịch. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn mới, công tác phòng, chống nguồn lây lan khác đến với tỉnh cần được nâng cao.
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân; quản lý chặt chẽ tình hình an nịnh trật tự trên địa bàn, kiểm tra, xử lý thông tin báo chí đưa về việc đổ đất, đá chắn đường.
Nói về việc kiểm soát phương tiện vận tải vào tỉnh, ông Nguyễn Văn Thắng yêu cầu không có lệnh cấm đối với xe chở hàng hóa, tuy nhiên tuân thủ kiểm soát tối đa chỉ 2 người trên xe. Các địa phương phối hợp chặt chẽ để bố trí, vận hành các trạm, chốt cho phù hợp, không chồng chéo.
Đối với các xe cá nhân, xe gia đình cần nâng cao tinh thần tự giác, lực lượng thực thi công vụ tiếp tục thuyết phục người điều khiển phương tiện chỉ đi trong trường hợp thực sự cần thiết, chứ không cấm.
“Nếu người dân vẫn tiếp tục có nhu cầu vào Quảng Ninh thì cần triển khai kiểm soát, khai báo y tế và các biện pháp kiểm soát theo đúng quy định, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch”, ông Thắng nói.
|
Quang cảnh cuộc họp giao ban Ban Cán sự Đảng và Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh. |
Ngày 3/4, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản số 2129/UBND-DL2 về việc triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát, đảm bảo giao thông trong phòng chống dịch COVID-19.
Trong đó, về việc kiểm soát người, phương tiện đồng thời đảm bảo giao thông phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống, UBND tỉnh Quảng Ninh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo các Chốt kiểm soát liên ngành, các bộ phận chức năng thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Điện khẩn số 05 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong đó đặc biệt lưu ý việc duy trì, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp đặc biệt như: Xe cứu thương; Xe thực thi công vụ được cơ quan có thẩm quyền cho phép; Xe đưa đón cán bộ, công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp; Xe của các cơ quan ngoại giao; Xe chở người đi tỉnh khác khám bệnh phải có giấy chuyển viện của các bệnh viện có thẩm quyền; Xe đón người đi chữa bệnh về phải xuất trình giấy ra viện; Xe ở tỉnh khác đến đón người đã hoàn thành cách ly tại Quảng Ninh; Xe chở người có hộ khẩu tại Quảng Ninh đã hoàn thành cách ly tại địa phương khác có giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền thì được phép đưa người về Quảng Ninh;
Tất cả xe tải, xe chuyên dụng (đặc biệt ưu tiên xe chở lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm, vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh) và phải duy trì số lượng người trên phương tiện theo quy định; Đối với xe cá nhân, xe gia đình: thuyết phục người điều khiển phương tiện chỉ đi trong trường hợp thực sự cần thiết; Các trường hợp khác do Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định theo thực tiễn trên cơ sở phải đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.
UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở cách ly thông tin đến các trường hợp đang thực hiện cách ly trên địa bàn tỉnh chủ động bố trí phương tiện đón người về nơi cư trú hoặc công tác sau khi hoàn thành cách ly;
Đồng thời, thông tin đến UBND các huyện, thị xã, thành phố qua bộ phận thường trực tại cơ sở cách ly (số xe, loại xe, đường đi, điện thoại lái xe, ngày giờ đến Quảng Ninh) trước ít nhất 24 giờ. UBND các huyện, thị xã, thành phố thông báo thông tin đến các chốt kiểm soát liên ngành phòng chống dịch của tỉnh để cho phương tiện vào khu vực cách ly đón người hoàn thành cách ly.
Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố không được áp dụng các biện pháp như đào hào, đổ đất ngăn đường để hạn chế giao thông, trường hợp cần thiết phải lắp đặt rào chắn, có biển báo hướng dẫn hoặc tổ chức các tổ chốt kiểm soát làm nhiệm vụ theo quy định.
Bí thư Hải Phòng yêu cầu linh động, không “ngăn sông cấm chợ”
Tại hội nghị trực tuyến về một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh COVID-19 ngày 2/4, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành cho biết, trong hơn 1 tuần thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Hải Phòng đạt được nhiều kết quả rất đáng vui mừng, cụ thể là vẫn giữ sạch được địa bàn.
Đánh giá cao việc cả hệ thống chính trị của thành phố cùng vào cuộc tích cực, chủ động, đồng bộ; các biện pháp, giải pháp đề ra và tổ chức thực hiện đều rất hiệu quả, kịp thời nhưng Bí thư Hải Phòng nói rằng, vẫn chưa thể yên tâm vì dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp, ranh giới giữa an toàn và có mầm mống dịch bệnh rất mỏng manh.
Ông Lê Văn Thành yêu cầu toàn thành phố phải dốc toàn lực với ý chí và quyết tâm cao hơn nữa trong những ngày tới để chặn dịch, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.
|
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cùng lực lượng chức năng kiểm tra công tác tuần tra vũ trang.
|
Theo đó, cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của 4 tầng kiểm soát đã được lập ra. Đối với các chốt kiểm soát tại các cửa ô, cần chú trọng đổi mới phương thức hoạt động, trong đó lực lượng Công an, Quân đội là chủ lực, bảo đảm kiểm soát tốt, ngăn chặn không cho người từ vùng có dịch vào thành phố cũng như hạn chế tới mức thấp nhất người ra khỏi thành phố nếu không có lý do chính đáng.
Cùng với đó, tạo điều kiện bảo đảm lưu thông hàng hóa, phục vụ sản xuất và đời sống.
“Tinh thần chung là làm nghiêm, chặt chẽ, ngăn chặn mọi nguy cơ có thể gây lây nhiễm dịch bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, ông Thành nói.
Ghi nhận sáng 3/4, tại các chốt kiểm soát ra vào thành phố Hải Phòng, nhiều phương tiện xe cá nhân ra vào thành phố phải quay đầu xe rất nhiều do không có lý do chính đáng.
Hiện nay, Hải Phòng cũng đang thực hiện việc hạn chế người dân ra ngoài đường sau 22 giờ theo chỉ đạo tại Văn bản số 2341/UBND-VX của UBND thành phố.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, thế giới ghi nhận vượt con số 1 triệu người mắc tại 206 quốc gia, vùng lãnh thổ; Mỹ là quốc gia đầu tiên có số mắc trên 200.000 người, 2 quốc gia có trên 100.000 trường hợp mắc (Italy, Tây Ban Nha); ghi nhận 53.200 trường hợp tử vong, trong đó 10 quốc gia có trên 1.000 trường hợp tử vong.
Tính đến 11h ngày 3/4, tại Việt Nam ghi nhận 233 trường hợp mắc, trong đó 42 trường hợp liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai (27 trường hợp là nhân viên Công ty Trường Sinh); 16 trường hợp liên quan tới quán Bar Buddha (TPHCM). Trong tổng số ca mắc, số ca phát hiện sau nhập cảnh là 114 (48,9%), số nhập cảnh được phát hiện tại cộng đồng 34 (14,6%), số ca lây nhiễm từ ca bệnh xâm nhập 28 (12%), số ca phát hiện tại cộng đồng 57 (24,5%).
Có 85 trường hợp đã khỏi bệnh, còn lại 148 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh; 2 bệnh nhân nặng đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 46 trường hợp xét nghiệm âm tính lần 1, có 21 ca âm tính lần 2.
Kết quả rà soát các trường hợp có liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai, đến 18h ngày 2/4, đã rà soát 44.474 người, trong đó có 4.593 bệnh nhân nội trú, 1.299 bệnh nhân ngoại trú (các tỉnh báo về), 30.617 bệnh nhân khám ngoại trú, 7.167 người thân/người chăm sóc bệnh nhân, 145 người làm cho Công ty Trường Sinh và 653 người khác có liên quan. Các trường hợp này đã được các địa phương giám sát, thực hiện cách ly tại nhà hoặc tập trung cho một số đối tượng.
>>> Mời độc giả xem video Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Cách ly toàn xã hội không phải là phong tỏa đất nước'
Tâm Đức