Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: "Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện nay có trên 19.000 quy hoạch lớn, nhỏ, chi phí xây dựng quy hoạch trên 8.000 tỷ đồng, trong đó không ít những quy hoạch còn có sự chồng chéo, bất cập và mâu thuẫn về chức năng, thẩm quyền và trách nhiệm quản lý.
Sự chồng chéo giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội với các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Với thực trạng trên, xin Chính phủ cho biết đến bao giờ các bất cập trên trong công tác quy hoạch sẽ chấm dứt, Luật Quy hoạch đến khi nào trình ra Quốc hội, liệu khi ra đời có giải quyết được các bất cập như trên hay không?”.
Trả lời chất vấn trên, Thủ tướng cho biết, trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, thực hiện quy hoạch đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, công tác quy hoạch cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế được Chính phủ nhận diện đầy đủ như: số lượng quy hoạch nhiều, chất lượng một số quy hoạch còn thấp, chồng chéo; tình trạng lập, điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, làm phát sinh tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực xã hội, nhất là một số quy hoạch về đất đai, xây dựng, hạ tầng, tài nguyên…
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: VGP. |
Thủ tướng cho hay, với thực trạng trên, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng dự án Luật Quy hoạch nhằm khắc phục triệt để các tồn tại này.
Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã họp 5 lần cho ý kiến về dự án Luật này. Chính phủ xác định, việc xây dựng Luật Quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng, thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, với định hướng xây dựng Luật quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước.
Từ chủ trương đó, Thủ tướng đã chỉ đạo việc xây dựng dự án Luật bảo đảm quy hoạch trở thành công cụ để quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả.
Luật Quy hoạch phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với các chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi cho đời sống nhân dân, doanh nghiệp, phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho hay, việc chuẩn bị cần có thêm thời gian để đảm bảo sự nhất quán, không xáo trộn. Trong quá trình chuẩn bị dự án Luật, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các quy hoạch ngành, địa phương để khắc phục các xáo trộn, chồng chéo, bất cập trong công tác quy hoạch thời gian qua.
Theo Zing News