Thủ tướng Minh Chính tới thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam, đại diện doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam tại Vương quốc Campuchia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chiều 9/11, trong chương trình chuyến thăm chính thức Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam, đại diện doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam tại Vương quốc Campuchia.
Cùng đi với Thủ tướng có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên đoàn công tác tại Campuchia.
Theo các báo cáo và ý kiến phát biểu tại cuộc gặp mặt, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống, công việc và sinh hoạt, nhưng cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và tri thức.
Các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia luôn quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trên tất cả các lĩnh vực.
Nhiều dự án của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh tốt, đóng góp tích cực nhiều mặt cho kinh tế - xã hội Campuchia trong nhiều lĩnh vực; đồng thời tạo việc làm cho hàng vạn lao động, tạo thu nhập, cải thiện đời sống, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Campuchia, tham gia các hoạt động xã hội, góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Đại diện bà con Việt Nam tại Campuchia bày tỏ mong muốn, Đảng, Nhà nước có tiếng nói để phía Campuchia tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kiều bào Việt Nam tại Campuchia trong các vấn đề quốc tịch, định cư, giáo dục, đào tạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, đại diện bà con Việt Nam tại Campuchia bày tỏ mong muốn, Đảng, Nhà nước có tiếng nói để phía Campuchia tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kiều bào Việt Nam tại Campuchia trong các vấn đề quốc tịch, định cư, giáo dục, đào tạo, công ăn việc làm và có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các hội đoàn người Việt tại Campuchia, giúp các thế hệ người Việt tại Campuchia hội nhập sâu rộng, nâng cao trình độ để hòa nhập tốt với đời sống tại nước sở tại.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ rất xúc động khi được lắng nghe tiếng nói của bà con.
"Tuy bà con xa Tổ quốc nhưng Tổ quốc luôn trong trái tim bà con và bà con luôn ở trong trái tim của Đảng, Nhà nước. Bà con là bộ phân khăng khít, không thể tách rời của dân tộc, của đất nước, theo đúng tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài", Thủ tướng nói.
Thủ tướng chia sẻ với bà con về những khó khăn trong hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19; những vướng mắc liên quan tới địa vị pháp lý của người Việt tại Campuchia; những vất vả trong cuộc sống, nhất là của bà con có sinh kế trên sông nước.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn lắng nghe ý kiến, đề xuất, kiến nghị của bà con, đã, đang có các giải pháp và sẽ tiếp tục có các giải pháp để tạo thuận lợi hơn nữa cho bà con sinh sống, làm việc, học tập tại nước sở tại - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng bày tỏ, khi làm lãnh đạo địa phương, ông từng khảo sát cuộc sống của người dân trên vịnh Hạ Long để di dời, tái định cư cho người dân nên rất hiểu vấn đề này.
"Sinh kế, vệ sinh môi trường đều rất khó khăn và nhất là lúc bão gió thì ngàn cân treo sợi tóc", Thủ tướng nói.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn lắng nghe ý kiến, đề xuất, kiến nghị của bà con, đã, đang có các giải pháp và sẽ tiếp tục có các giải pháp để tạo thuận lợi hơn nữa cho bà con sinh sống, làm việc, học tập tại nước sở tại.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan phải phát huy hơn nữa trách nhiệm trong vấn đề này, trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và pháp luật nước sở tại, tình hình thực tế để tham mưu chính sách và tổ chức thực hiện thật hiệu quả.
Thủ tướng mong bà con tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thích ứng với hoàn cảnh, đồng thời luôn tuân thủ pháp luật sở tại, góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam – Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp đang đầu tư tại Campuchia tạo điều kiện cho bà con người Việt vào làm việc. Thủ tướng cho biết sẽ giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn, doanh nghiệp về vấn đề này.
Mặt khác, thế hệ trẻ người Việt tại Campuchia phải được học hành để có kiến thức, khẳng định được mình, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường lao động.
Thủ tướng giao các cơ quan tiếp tục trao đổi với phía Campuchia để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người gốc Việt sinh sống, làm ăn ổn định, hợp pháp; nghiên cứu, xác định tiêu chí cụ thể, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình giải quyết giấy tờ pháp lý cho người gốc Việt; rà soát, thống kê cụ thể để tiến hành di dời bà con sinh sống trên sông nước với lộ trình, điều kiện phù hợp…
"Chúng ta lắng nghe, chúng ta hiểu, chúng ta trăn trở, chúng ta suy nghĩ để tìm ra giải pháp. Bà con phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nhưng không để bà con cô đơn", Thủ tướng chia sẻ.
Về quan hệ hai nước, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam và Campuchia có quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài".
Thủ tướng cho biết khi tới chào Hoàng thái hậu Norodom Monineath Sihanouk, bà đã kể nhiều câu chuyện, kỷ niệm rất cảm động và đáng nhớ về quan hệ Việt Nam – Campuchia.
Thủ tướng mong muốn bà con người Việt đóng góp tích cực, cụ thể hơn nữa, cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng không ngừng vun đắp và củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam – Campuchia, đây là yêu cầu khách quan đối với cả hai nước.
Về tình hình đất nước, Thủ tướng cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quy mô nền kinh tế năm nay dự kiến đạt gần 400 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người hơn 3.700 USD năm 2021.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn (về thu – chi, xuất – nhập khẩu, lương thực – thực phẩm, năng lượng, cung cầu lao động). Việt Nam cũng bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, thúc đẩy đối ngoại và hội nhập phù hợp tình hình.
Việt Nam đang xây dựng, phát triển đất nước với 3 trụ cột: Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá, trong đó xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng một lần nữa đề nghị, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự đồng lòng góp sức của doanh nghiệp, bà con nỗ lực phấn đấu vươn lên, tiếp tục nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, chấp hành tốt luật pháp sở tại, nỗ lực hết mình đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của sở tại, hướng về quê hương đất nước và gìn giữ, vun đắp cho mối quan hệ gắn bó giữa hai nước Việt Nam – Campuchia.