Sáng nay (21/10), tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 trước Quốc hội. Ảnh: QH. |
Chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch sau 3 năm không đạt
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đột leo thang ở nhiều khu vực. Giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, thiếu vững chắc, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng diễn biến phức tạp.
Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là về tình hình KTXH tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%). Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.
|
Toàn cảnh phiên khai mạc. Ảnh: QH. |
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm (có thặng dư cao); nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực.
Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Tập trung triển khai nhiều dự án, công trình quan trọng, trọng điểm; hoàn thành Dự án 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên sau hơn 6 tháng thi công thần tốc và tích cực triển khai nhiều dự án, công trình điện trọng điểm quốc gia; hoàn thành một số đoạn đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021 km. Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Thu hút FDI là điểm sáng, vốn thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất trong nhiều năm qua.
Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh; Quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt kết quả rõ nét hơn về cả nhận thức, hành động và kết quả. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy; tổ chức tốt các ngày lễ lớn. An sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, còn 1,93%; chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Xây dựng nhà ở xã hội đạt kết quả tích cực; trong thời gian ngắn, đã huy động trên 6.000 tỷ đồng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chính phủ đã cấp trên 432 tấn gạo, hỗ trợ khẩn cấp 430 tỷ đồng cho địa phương và đang rà soát tổng thể thiệt hại để tiếp tục hỗ trợ; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động và tiếp nhận trên 2 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Trong những lúc khó khăn, gian nan, thử thách nhất, tinh thần đại đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” càng tỏa sáng mạnh mẽ.
Thủ tướng cũng báo cáo trước Quốc hội và cử tri về những kết quả đạt được về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; Về xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại.Trong khó khăn, thử thách, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy; các lực lượng tuyến đầu cơ sở, nhất là quân đội, công an luôn là lực lượng xung kích, đi đầu, không quản ngại gian khổ, hy sinh để cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ người dân, đã để lại những hình ảnh ấn tượng, tình cảm sâu nặng trong lòng nhân dân.
Chú trọng 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm
Chỉ ra những hạn chế, bất cập, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm. Theo đó, các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở chức năng, quyền hạn tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực. Trong đó, tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là cơn bão số 3; đẩy mạnh phòng, chống sạt lở, sụt lún, khô hạn, xâm nhập mặn... nhất là đồng bằng Sông Cửu Long.
|
Các đại biểu tại phiên khai mạc. |
Chủ động, tích cực huy động tối đa các nguồn lực để triển khai ngay các chính sách hỗ trợ, trong đó bảo đảm không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở; các cháu học sinh phải được đến trường, người bệnh phải được cứu chữa; hỗ trợ con giống, cây giống, khôi phục và phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản; tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi chuỗi cung ứng và thúc đẩy phát triển KTXH, tạo công ăn việc làm, sinh kế ổn định cho Nhân dân.
Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu của năm 2024, từ đó tập trung với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu. Giữ đà, giữ nhịp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn; phấn đấu tốc độ tăng GDP cả năm đạt trên 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%; tăng trưởng tín dụng khoảng 15%; thu NSNN tăng trên 10%; tỷ lệ giải ngân đầu tư công tối thiểu 95% kế hoạch.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, sửa đổi các quy định pháp luật còn vướng mắc. Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia đi đôi với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Triển khai hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 Thủ tướng nhấn mạnh, quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó chú trọng 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu.
Đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”.
Phân tích kỹ lưỡng, đánh giá sát tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025, từ đó có các giải pháp đột phá trên tinh thần “chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải đạt, chỉ tiêu đạt rồi, thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả”, phấn đấu cao nhất hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá. Bám sát thực tiễn, kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh trên tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”, “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên tinh thần “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội giữ vai trò kiến tạo và giám sát, kiểm tra” và tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại là trọng yếu, thường xuyên. Xây dựng, phát triển đất nước trên tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”.
Với mục tiêu là tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%); tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8 - 1%...
"Chúng ta đang đứng trước thời điểm rất quan trọng để bứt phá thực hiện mục tiêu kế hoạch năm 2024, năm 2025 và cả giai đoạn 2021 - 2025. Phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng không khó khăn nào có thể cản được quyết tâm, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc chúng ta. Mỗi thách thức là cơ hội để chúng ta trưởng thành, khẳng định sức mạnh và bản lĩnh của con người Việt Nam. Hãy thắp lên ngọn lửa quyết tâm mãnh liệt hơn, cùng nhau tiến bước để xây dựng tương lai tươi sáng cho đất nước. Những nỗ lực không ngừng nghỉ hôm nay sẽ là nền tảng vững chắc cho sự thịnh vượng ngày mai, vì thế hệ tương lai như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến từng căn dặn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, Thủ tướng cho biết, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, đưa đất nước ta tự tin, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế và thịnh vượng".
Mai Loan