Thủ tướng trao đổi với các thực tập sinh, lao động người Việt Nam đang làm việc và học tập tại Nhật Bản trước khi dự Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam-Nhật Bản - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chiều 16/12, tại Tokyo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam-Nhật Bản.
Diễn đàn do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức. Cùng dự Diễn đàn có các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, đại diện các tổ chức, các hiệp hội, doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam, đông đảo các thực tập sinh, lao động Việt Nam. Về phía chính quyền Nhật Bản, có Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh việc tổ chức Diễn đàn - là diễn đàn quốc gia đầu tiên về lao động được tổ chức ở nước ngoài - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các ý kiến tại Diễn đàn, năm 2023 ghi dấu số lượng lao động Việt Nam cao nhất từ trước đến nay về cả số lượng người đi hàng năm sang Nhật Bản (dự kiến khoảng 85.000) và cả số lượng đang làm việc tại Nhật Bản (khoảng 350.000 người, chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản).
Bắt đầu hợp tác lao động từ năm 1992, Việt Nam cũng là nước đứng đầu cả về mặt số lượng sang làm việc hàng năm cũng như tổng số đang làm việc tại Nhật Bản trong số 15 nước phái cử thực tập sinh/lao động sang nước này.
Những kết quả hợp tác lao động đã đạt được cho thấy mức độ yêu thích của người lao động Việt Nam đối với môi trường sống và làm việc, văn hoá Nhật Bản cũng như sự hài lòng và mong muốn tiếp nhận lao động Việt Nam của người sử dụng lao động Nhật Bản.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Koizumi Ryuji phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Người lao động Việt Nam đang có những đóng góp nhất định vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Nhật Bản cũng như hoà nhập vào xã hội Nhật Bản, nhiều người đã coi Nhật Bản là quê hương thứ hai của mình.
Nhiều lao động sau khi làm việc tại Nhật Bản, học tập và tích lũy được nhiều kiến thức, kỹ năng trong môi trường làm việc tốt, thông thạo ngoại ngữ và có tác phong làm việc chuyên nghiệp đã quay trở về Việt Nam khởi sự kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập cho người khác, hoặc làm quản lý cho các công ty của Nhật đang đầu tư và hoạt động tại Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, hợp tác lao động giữa hai nước phát triển sâu rộng trên 3 lĩnh vực gồm đưa lao động sang Nhật Bản, dạy nghề - giáo dục nghề nghiệp và an sinh xã hội. Tuy nhiên, tiềm năng hợp tác còn rất lớn.
Thủ tướng mong muốn thời gian tới, hợp tác trong lĩnh vực lao động giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển tốt hơn nữa - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoanh nghênh việc tổ chức Diễn đàn-là diễn đàn quốc gia đầu tiên về lao động được tổ chức ở nước ngoài. Sự kiện càng có ý nghĩa khi hai nước vừa thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Theo Thủ tướng, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam và Nhật Bản đã trải qua 50 năm phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao, sự gắn kết chặt chẽ.
"50 năm trước, không ai nghĩ quan hệ Việt Nam và Nhật Bản có thể được như ngày nay. Trong đó, sự gắn kết chặt chẽ, sự chân thành, tình cảm, tin cậy chính trị là tài sản quan trọng nhất. Đó là sự kết nối từ trái tim đến trái tim, trong đó có kết nối về lao động", Thủ tướng nêu rõ và hy vọng những thành quả trong 50 năm qua sẽ được nhân lên gấp nhiều lần trong 50 năm tới.
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ ODA lớn nhất, đứng thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại. Giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương ngày càng được mở rộng với gần 100 cặp địa phương đã thiết lập quan hệ hợp tác.
Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đạt gần 500.000 người (trong đó có khoảng 350.000 lao động), là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại Nhật Bản và đang góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Nhật Bản, trở thành những cây cầu kết nối quan hệ bền chặt giữa hai quốc gia, hai dân tộc.
Trong lĩnh vực hợp tác lao động, hai đất nước có nhiều điểm bổ sung cho nhau, khi Nhật Bản là nước có nền tảng kinh tế - xã hội phát triển cao, tỉ lệ người cao tuổi cao và tỉ lệ sinh thấp. Trong khi đó, Việt Nam là đất nước đang phát triển và có cơ cấu dân số vàng, có nguồn nhân lực trẻ dồi dào, khát khao học tập, tìm hiểu các công nghệ mới, cách làm mới.
Thủ tướng đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng và địa phương Nhật Bản tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục trong cấp thị thực, hướng tới miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam để thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và chúc mừng những kết quả tích cực đạt được của các bộ, ngành, cơ quan, nhất là ngành lao động; các địa phương, các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp hai nước cùng toàn thể người lao động Việt Nam tại Nhật Bản, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự phát triển của mỗi nước cũng như củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Thủ tướng mong muốn thời gian tới, hợp tác trong lĩnh vực lao động giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển tốt hơn nữa, không chỉ là việc gia tăng số người lao động hay chất lượng nguồn nhân lực sang Nhật Bản làm việc mà còn đạt những kết quả thực chất khác trên các phương diện phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giao lưu nhân dân…
Theo Thủ tướng, Việt Nam là nước đang phát triển, để thích ứng với tốc độ phát triển của công nghệ, của khoa học kỹ thuật đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, đây là yếu tố quyết định. Do đó, hoạt động hợp tác lao động với Nhật Bản phải có hướng đi thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế.
Theo đó, cần hướng tới tuyển dụng và phái cử những lao động có kỹ năng, có trình độ, có khát khao học hỏi, ý chí vươn lên và sự kiên trì để bắt kịp sự phát triển của thời đại ở một số lĩnh vực ngành nghề Nhật Bản có thế mạnh như bán dẫn, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ trong nông nghiệp, xây dựng hệ thống công trình ngầm xử lý nước thải, môi trường đô thị... từ đó, hình thành lực lượng lao động được đào tạo thông qua làm việc thực tế tại Nhật Bản để góp phần phát triển ngành nghề đó tại Việt Nam.
Do vậy, cùng với sự sửa đổi chính sách pháp luật của phía Nhật Bản hiện nay về lĩnh vực đào tạo, tiếp nhận lao động nước ngoài, Nhật Bản cần đi đầu trong việc đào tạo nhân lực quốc tế, trong đó có lao động Việt Nam, nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác về nhân lực hiệu quả, bền vững và thực sự "cùng thắng" giữa các bên.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng của Nhật Bản, phía Việt Nam là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Đại Sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sẽ phối hợp tốt với nhau để tạo điều kiện sống và làm việc tốt nhất, tạo môi trường thuận lợi, an toàn, thân thiện, hòa hợp văn hóa, để người lao động Việt Nam có thể an tâm học tập, làm việc, tuân thủ pháp luật sở tại, có cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống, được sống trong một môi trường hiện đại với bản sắc văn hoá Nhật Bản, giảm thiểu các trường hợp vi phạm pháp luật…
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với các bộ, ngành liên quan phía Việt Nam phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, làm việc tích cực với các cơ quan chức năng phía Nhật Bản như Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản để khơi thông các điểm nghẽn, giải quyết các bất cập như vấn đề miễn giảm thuế thu nhập, thuế cư trú của người lao động Việt Nam; thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác lao động giữa hai bên, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời, mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội...
Thủ tướng tặng quà cho người lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng mong muốn Chính phủ, các cơ quan chức năng và địa phương Nhật Bản tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục trong cấp thị thực, hướng tới miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam để thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước; sớm triển khai hình thức du lịch học tập, quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng 500.000 người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật Bản, phát huy mạnh mẽ vai trò cầu nối và làm sâu sắc hơn, đậm đà hơn, rộng lớn hơn quan hệ hợp tác giữa hai đất nước, hai dân tộc.
Sau Diễn đàn, Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp hai nước tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển hơn nữa, xứng tầm với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình và thịnh vượng ở châu Á và thế giới vừa được thiết lập.
Với các thực tập sinh, lao động Việt Nam, Thủ tướng cho rằng thời gian sinh sống và học tập, làm việc tại Nhật Bản sẽ là những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời.
"Cha ông ta đã dạy "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Tôi mong muốn và tin tưởng các bạn sẽ tận dụng tốt cơ hội sống và làm việc tại Nhật Bản, học tập được nhiều kiến thức và kỹ năng của một đất nước phát triển, học tập phong cách và thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp và đức tính tốt đẹp của con người Nhật Bản để sau này khi trở về Việt Nam sẽ góp phần tích cực hơn nữa vào sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, tuân thủ, chấp hành nghiêm luật pháp của Nhật Bản, không ngừng rèn luyện đạo đức, có cuộc sống vui tươi, lành mạnh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam yêu lao động, yêu hòa bình", Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng mong sau Diễn đàn, hợp tác lao động sẽ có bước tiến mới, góp phần xây dựng quan hệ hợp tác lao động an toàn, lành mạnh, bền vững, lâu dài, đóng góp cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, nhân dân hai nước.
Theo Hà Văn/Báo Chính phủ