Thủ tướng: Không để người dân bị đói, rét trong mưa lũ

Google News

(Kiến Thức) - Chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tuyệt đối không để người dân bị đói, rét trong mưa lũ”.

Theo báo cáo từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung, tính từ giữa tháng 10/2016 đến nay, mưa lũ đã làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương; 316.719 nhà bị ngập, hư hại; 42.804ha lúa, 4.703ha mạ và 39.261ha hoa màu bị ngập hư hại... Trong đó, đa phần các hộ dân trong vùng mưa lũ đã mất hoàn toàn cây trồng và diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Tổng thiệt hại ước tính trên 8.573 tỷ đồng. Nâng tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay làm 235 người chết và mất tích, ước tính về kinh phí trên 37.650 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).
 Thủ tưởng chỉ trì Hội nghị trực tuyến Ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung. Ảnh: Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT
Thống kê riêng đợt mưa lũ từ ngày 12/12 đến ngày 16/12/2016 đã làm 15 người chết, mất tích (Thừa Thiên Huế: 3 người chết, Bình Định: 6 người chết, 5 người mất tích, Khánh Hòa: 1 người chết); 127 nhà bị sập đổ, tốc mái, hư hỏng; 111.851 nhà bị ngập nước; 10.059ha lúa bị ngập, hư hại và nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung với các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hoà, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng cho biết: “Mưa lũ đã làm 31 người chết, mất tích, 348 ngôi nhà bị sập, giao thông bị chia cắt nhiều nơi”.
Chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng, đồng cảm với những khó khăn, mất mát của đồng bào và chính quyền các địa phương vùng bị ngập lũ.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Tuyệt đối không để người dân bị đói, rét trong mưa lũ”.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo ứng phó với mưa lũ phải chủ động, quyết liệt với tinh thần "tự lực tự cường" là chính, "tương thân tương ái", tránh tư tưởng chủ quan. Mục tiêu là bảo đảm an toàn tối đa cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Tập trung tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn đang bị mất tích.
“Bằng mọi biện pháp phải tiếp cận cho được các khu dân cư còn đang bị ngập sâu, chia cắt, cô lập để hỗ trợ lương thực, thực phẩm (lương khô, bánh mỳ, mỳ tôm, gạo...) cho người dân; chủ động sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm không bảo đảm an toàn, nhất là các hộ ở ven sông, suối, vùng thấp trũng, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần phát huy và nhân rộng các điển hình tiêu biểu trong việc giúp người dân phòng tránh và gặp nạn bởi mưa lũ như các giáo viên của Trường Mầm non An Hiệp, tỉnh Phú Yên dầm mình dưới mưa lũ suốt nhiều giờ, nỗ lực tìm mọi cách để đảm bảo tuyệt đối tính mạng cho học sinh trong những ngày vừa qua với suy nghĩ “thà cô chết chứ không để trò chết”.
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh chịu thiệt hại cũng cần chuẩn bị sẵn phương án, để ngay sau lũ rút đến đâu huy động lực lượng vũ trang, thanh niên và các lực lượng khác hỗ trợ: dựng lại nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường; chỉ đạo lực lượng y tế dự phòng triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Các Bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt việc phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó, phòng chống và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Thủ tướng chỉ đạo các Bộ ngành liên quan đánh giá toàn diện về thực trạng mưa lũ, ngập lụt ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý, khắc phục. Kiểm tra, xử lý công trình chưa phù hợp, cản lũ, ảnh hưởng đến an toàn dân cư, không để tình trạng ngập lụt ngày càng nghiêm trọng do ảnh hưởng cản lũ của các công trình giao thông. Rà soát phương tiện, trang thiết bị phục vụ tìm kiếm cứu nạn, tiếp tục đầu tư mua sắm theo kế hoạch, trong đó cần tập trung mua sắm các chủng loại phù hợp, cần thiết phục vụ tốt nhất cho công tác cứu hộ cứu nạn tại chỗ để trang bị tới cơ sở (như xuồng cao su), cũng như một số thiết bị chuyên dùng. Khẩn trương triển khai các Đề án, dự án nhằm tăng cường hệ thống quan trắc, giám sát khí tượng thủy văn, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; các trạm đo mưa tại cộng đồng.
Một số hình ảnh mưa lũ tại tỉnh Quảng Nam:
 Nước lũ ngập trắng tại xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
 
 
 Người dân đi lại chủ yếu bằng thuyền do nước lũ dâng cao.
 Hoặc phải lội lưng người nước.
Hải Ninh