Thủ tướng gỡ vướng cho loạt dự án giao thông ở TP.HCM

Google News

Thủ tướng định hướng các địa phương có trách nhiệm tự cân đối toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng, phần thực hiện có thể theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Văn phòng Chính phủ vừa có kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM. Qua đó, Thủ tướng thống nhất với loạt kiến nghị, đề xuất của TP.HCM và có những yêu cầu cụ thể.
Ông đặc biệt đưa ra những định hướng nhằm gỡ vướng cho loạt dự án giao thông liên tỉnh qua TP.HCM, gồm: Dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh); Vành đai 3 (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An); Vành đai 4 (TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An).
Thu tuong go vuong cho loat du an giao thong o TP.HCM
Vành đai 3 TP.HCM dang dở sau 10 năm phê duyệt. Ảnh: Quỳnh Danh. 
Với Dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM cần chủ động cân đối vốn từ nguồn ngân sách thành phố cho toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng, và thực hiện theo phương thức hợp tác công tư (PPP). Chính phủ lưu ý thành phố nghiên cứu khai thác quỹ đất phát triển đô thị, khu dịch vụ, công nghiệp phù hợp, hiệu quả.
Về dự án Vành đai 3 và Vành đai 4, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm phối hợp với các tỉnh, thành có dự án đi qua để điều chỉnh phạm vi dự án thành phần, giao địa phương triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP). Nguyên tắc là địa phương có trách nhiệm cân đối chi phí giải phóng mặt bằng, ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần chi phí vốn cho công tác xây lắp.
Riêng dự án Vành đai 3, với chi phí giải phóng mặt bằng của dự án thành phần 1A tăng lên khoảng 1.599 tỷ đồng, TP.HCM phải tự cân đối kết hợp đầu tư xây dựng đường cao tốc, trục giao thông, khai thác quỹ đất phát triển đô thị... Còn với Dự án thành phần 1B, Bộ Giao thông Vận tại điều chỉnh theo hướng giao cho địa phương thực hiện theo cơ chế chung toàn tuyến.
Với đề án Điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025, Chính phủ giao Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách theo hướng khoa học, hợp lý, hài hòa, và công bằng, gắn với việc thành phố cần tăng cường tự chủ. Đề án cần báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội quyết định cùng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022.
Thu tuong go vuong cho loat du an giao thong o TP.HCM-Hinh-2
Thủ tướng Phạm Minh Chính (trái) và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trong buổi làm việc hôm 13/5. Ảnh: Thuận Thắng.
Cùng với đó, Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp với UBND TP.HCM và bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 93 năm 2001 về phân cấp một số lĩnh vực cho TP.HCM theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Chính phủ trong quý II năm 2021.
Về danh mục doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa giai đoạn 2021-2025, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại theo hướng bổ sung việc chưa cổ phần hóa, thoái vốn tại những doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, có lãi, quản trị tốt, ngành nghề đặc thù, thương hiệu mạnh của Việt Nam; có vai trò với quốc phòng, an ninh, điều hành kinh tế vĩ mô, có giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc.
Bộ Tài chính được giao khẩn trương hoàn thiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2021-2025 và trình Thủ tướng chậm nhất trong tháng 6/2021.
Về đề xuất chuyển mục tiêu dự án, quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội, thương mại, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 theo hướng phân cấp, phân quyền cho địa phương. Việc này phải hoàn thành trong tháng 6/2021.
Trong thời gian chờ, Bộ Xây dựng làm việc với UBND TP.HCM để giải quyết từng trường hợp trên nguyên tắc đảm bảo đủ nhà tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Dự án/quỹ nhà phục vụ tái định cư được điều chỉnh mục tiêu sang nhà ở thương mại phải đấu giá theo quy định.
Chính phủ đặc biệt giao UBND TP.HCM lập Đề án xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM. Ban đầu, đề án này không có trong đề xuất của TP.HCM với Chính phủ tại buổi làm việc hôm 13/5.
Chưa cổ phần hóa Saigontourist
Chính phủ đồng ý chủ trương chưa cổ phần hóa Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) theo đề nghị của UBND TP.HCM về việc quản lý tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước, các công ty liên doanh có giá trị lịch sử, kiến trúc, vị trí đảm bảo quốc phòng - an ninh. Thủ tướng giao thành phố quyết định theo thẩm quyền và quy định pháp luật, nếu vượt thẩm quyền mới báo cáo Chính phủ.
Theo quyết định của Thủ tướng về phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, Saigontourist thuộc nhóm cổ phần hóa - Nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Tuy nhiên, TP.HCM đề xuất chưa cổ phần hóa đơn vị này do doanh nghiệp đang quản lý 4 khách sạn có giá trị lịch sử, cần được bảo tồn, gồm: Khách sạn Bến Thành (Rex Hotel), khách sạn Cửu Long (Majestic Hotel), khách sạn Hoàn Cầu (Continental Hotel) và khách sạn Kim Đô.
Theo Thu Hằng/ Zing