Thủ tướng dự khai mạc Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc lần thứ 16 - Vesak 2019

Google News

(Kiến Thức) -Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 chính thức khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng hơn 1.650 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, nhà nghiên cứu... đến từ hơn 112 quốc gia và vùng lãnh thổ và hàng chục nghìn phật tử trong nước đến tham dự.

Sáng 12/5, Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc lần thứ 16 - Vesak 2019 với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” chính thức khai mạc tại hội trường chính của Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đây là sự kiện lần thứ 3 được tổ chức ở Việt Nam với số lượng quốc gia tham dự nhiều nhất, nhiều tham luận nhất.
Thu tuong du khai mac Dai le Phat dan Lien Hop Quoc lan thu 16 - Vesak 2019
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại lễ Vesak 2019. Ảnh VGP.
Đại lễ Phật đản Vesak 2019 cũng ghi nhận số lượng lãnh đạo cấp cao, khách quốc tế tham dự kỷ lục, với hơn 1.650 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, nhà nghiên cứu... đến từ hơn 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao các nước đến tham dự như: Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc... Hơn 20.000 đại biểu là phật tử, nhân dân trong nước cùng dự.
Theo chương trình Đại lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai mạc Vesak 2019, tiếp sau đó là các phát biểu của Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc...
Ghi nhận của PV, ngay từ sáng sớm 12/5, hàng vạn du khách thập phương đã đồ về chùa Tam Chúc, Kim Bảng (Hà Nam), mọi ngả đường dẫn vào ngôi chùa này đều quá tải. Hệ thống xe điện cũng tê liệt do lượng người đổ về rất đông.
Trong thông điệp gửi đến Vesak 2019, Đức trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam) nhấn mạnh đây là sự kiện thiêng liêng gắn với cuộc đời Đức Phật và sự kiện hy hữu của toàn nhân loại.
"Đây là cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhau tăng trưởng niềm tin vào chân lý giải thoát, phát huy giá trị những di sản mà Đức Thế Tôn đã để lại cho nhân loại chúng ta trong hệ thống tư tưởng giáo lý vô giá về trí tuệ, lòng từ bi, triết lý vô ngã, tinh thần bất bạo động, những giá trị hòa bình và phát triển bền vững" Đức trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ nhấn mạnh.
Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo nhắc lại lịch sử 2000 năm Phật giáo Việt Nam, trải qua các triều Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần đã trở thành nền tảng tư tưởng trong đời sống. Từ đó đến nay, Phật giáo vẫn đang phát huy tinh hoa, đồng hành cùng dân tộc.
"Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 trao đổi các vấn đề, trong đó có cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững, sự lãnh đạo có chính niệm vì hòa bình bền vững. Đặc biệt, các vấn đề Phật giáo trong đời sống như cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững, cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu, cách mạng công nghiệp 4.0 và Phật giáo, và cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững. Qua đó, cộng đồng Phật giáo thế giới đưa ra những giải pháp căn bản nhất xuất phát từ chính tâm con người để thực hiện thành công mục tiêu chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu mà Liên Hiệp Quốc hướng tới", Đức trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ phát biểu.
Đọc diễn văn Phật đảnHòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban tổ chức Vesak 2019 cho rằng, thế giới đang phải đối mặt với nhiều xung đột, khủng bố, chiến tranh, bất bình đẳng, khủng hoảng môi trường. Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội và các cấu trúc truyền thống thì càng cần phát huy giá trị cốt lõi của đạo Phật. Đó là tinh thần khoan dung, vô ngã, vị tha, hòa hợp, hòa bình.
"Chính vì vậy, để giải quyết các vấn đề đặt ra cần thiết phải có một sự lãnh đạo toàn cầu. Sự lãnh đạo này phải đảm bảo được sự bình đẳng, dung hòa được lợi ích và hóa giải được xung đột giữa các niềm tin, các nền kinh tế, các nền văn hóa, các tầng lớp xã hội, hay các quốc gia lãnh thổ, cân bằng được môi trường, hệ sinh thái", Hòa thượng Thích Thiện Nhơn phát biểu.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cũng cho biết, chủ đề của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 là “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” cho thấy tầm vóc và ý thức trách nhiệm cao cả của Phật giáo trước tình hình biến động của thế giới trên nhiều phương diện đời sống, qua đó cho thấy thái độ tích cực cũng như niềm tin về khả năng góp phần hóa giải những vấn nạn thời đại của Phật giáo ngày càng được khẳng định.
"Thông điệp của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 tại Việt Nam kêu gọi lãnh đạo Phật giáo thế giới hãy đoàn kết và dấn thân hành động nhập thế, chia sẻ các giải pháp trị liệu đối với các thách thức xã hội trong thời đại của chúng ta. Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 sẽ mang lại tâm thiện lành, trí tuệ tập thể và tiếng nói thống nhất của Phật giáo thế giới, tạo nguồn cảm hứng và hướng tới sự nhập thế xã hội, phụng sự nhân sinh, giải phóng khổ đau, mang lại an vui, thịnh vượng và phát triển bền vững cho nhân loại trên hành tinh này", Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh.
Phát biểu tại lễ khai mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng các vị tôn đức, khách quý, Phật tử - gửi lời chào, lời chúc tốt đẹp trong tình thân ái.
Thủ tướng khẳng định, Đại lễ Vesak là dịp để nhắc lại những giá trị lời dạy của Đức Phật Thích Ca. Ông Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, lời Phật dạy cũng là chất liệu để xây dựng một xã hội tốt đẹp. Thủ tướng cũng nhắc lại lịch sử của Ngày Vesak, đồng thời nêu cao giá trị của ngày này trong quyết tâm của Liên Hiệp Quốc kể từ năm 1999 đến nay.
"Tại Đại lễ Vesak hôm nay, chúng ta cùng suy nghiệm lời Phật dạy để kiến tạo xã hội tốt đẹp hơn", Thủ tướng nói. Ông đánh giá cao chủ đề Đại lễ. Đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều tôn giáo, trong đó Phật giáo gắn bó và đồng hành từ lâu đời.
"Nối tiếp truyền thống, GHPGVN đã không ngừng lớn mạnh, góp phần xây dựng đất nước", Thủ tướng khẳng định và cho biết, với chủ trương hội nhập quốc tế, Việt Nam sẵn sàng hợp tác. Đồng thời, Việt Nam chủ trương phát huy, bảo tồn văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu các giá trị văn hóa các nước trên thế giới. Thủ tướng mong rằng, các đại biểu tham dự Đại lễ sẽ có thời gian cảm nhận đất nước, con người Việt Nam.
Đại lễ Phật đản Vesak 2019, Ban Tổ chức cho biết đã nhận được hơn 500 bài tham luận của học giả quốc tế và Việt Nam, cùng làm rõ chủ đề của Vesak 2019 - Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững. Nhiều diễn đàn về chủ đề này cũng sẽ được tổ chức như lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững; cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục, gia đình hòa hợp; Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0; cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm.
Thu tuong du khai mac Dai le Phat dan Lien Hop Quoc lan thu 16 - Vesak 2019-Hinh-2
Các đại biểu khai mạc Đại lễ Phật đản Vesak 2019. Ảnh: VGP
Đại lễ Vesak 2019 còn có các hoạt động văn hóa như nghi lễ tắm Phật truyền thống; cầu nguyện quốc thái dân an; hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới; triển lãm cổ vật phật giáo; diễu hành xe hoa…Sự kiện năm nay được tổ chức quy mô hơn những năm trước với nhiều quốc gia tham dự nhất, nhiều tham luận nhất.
Quan niệm Phật giáo, lễ Phật đản là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời tại vườn Lâm Tỳ Ni vào 15/4 âm lịch năm 624 trước Công Nguyên. Phật giáo Nam Tông và Tây Tạng còn gọi đó là ngày Tam Hiệp (kỷ niệm ngày ra đời, ngày thành đạo và ngày nhập Niết bàn của Đức Phật).
Ngày 15/12/1999, tại hội nghị lần thứ 54, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chính thức công nhận và thừa nhận Lễ kỷ niệm ngày Vesak vào 15/4 âm lịch. Nghị quyết hội nghị viết, ngày trăng tròn tháng tư (15/4) là ngày thiêng liêng nhất của phật tử bởi "Lời dạy của Đức Phật và thông điệp về từ bi, hòa bình và thiện tâm của ngài đã chuyển hóa hàng triệu người". Năm 2008, lần đầu Việt Nam đăng cai Vesak và ra tuyên ngôn Hà Nội, kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực đảm bảo hòa bình thế giới, cải thiện chất lượng sống cho tất cả mọi người.
Thu tuong du khai mac Dai le Phat dan Lien Hop Quoc lan thu 16 - Vesak 2019-Hinh-3
 Hàng nghìn du khách về dự lễ khai mạc.
Thu tuong du khai mac Dai le Phat dan Lien Hop Quoc lan thu 16 - Vesak 2019-Hinh-4
 Hơn 20.000 Phật tử trong nước dự khai mạc Đại lễ.
Thu tuong du khai mac Dai le Phat dan Lien Hop Quoc lan thu 16 - Vesak 2019-Hinh-5
Đường dẫn lên chùa Tam Chúc chật kín vì lượng khách đến rất đông. 
Trước đó, để đảm bảo an ninh trật tự, các phương án phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh an toàn, hướng dẫn, hỗ trợ người về dự đại lễ đã được chuẩn bị kỹ càng trước khi Đại lễ Vesak 2019 diễn ra. Đội ngũ 7.000 tình nguyện viên ở 7 bộ phận phục vụ đại lễ được tập huấn kỹ càng, sẵn sàng ở mọi vị trí để đón tiếp, phục vụ đại biểu quốc tế.
Các chương trình chính trong Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc lần thứ 16 - Vesak 2019: 
Ngày 12/5/2019, Đại lễ chính thức diễn ra tại Hội trường chính, với các chương trình: Tuyên đọc Thông điệp của Đức Pháp chủ GHPGVN, Phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Vesak Quốc tế 2019; Phát biểu của lãnh đạo, Đảng, Nhà nước Việt Nam; Tuyên đọc thông điệp của Tổng Thư ký LHQ; Phát biểu của Tổng thống Myanmar; Phát biểu của Thủ tướng Nepal; Thuyết trình chính của Phó Tổng thống Ấn Độ; Thuyết trình của các lãnh đạo Phật giáo các nước trên thế giới, các chính trị gia…
Tối 12/5 diễn ra các hoạt động: Thuyết pháp ý nghĩa Phật đản; Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật quốc tế, kết thúc là màn bắn pháo hoa trong 15 phút.
Ngày 13/5 tại các Hội trường ở chùa Tam Chúc sẽ diễn ra nhiều phiên hội thảo. Tối 13/5 có Lễ hội hoa đăng và tụng kinh tại Đại lễ cầu quốc thái dân an, hòa bình thế giới.
Ngày 14/5: Chương trình nghệ thuật Đại lễ bế mạc chào mừng thành công Vesak 2019; phát biểu của đại diễn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ; Báo cáo Tổng kết Đại lễ và Tuyên bố chung Vesak 2019, chuyển giao đăng cai Vesak 2020.
Từ chiều 14/5 đến hết ngày 15/5: các đại biểu quốc tế tham quan Yên Tử, Fansipan, Tràng An…
Hải Ninh