Chiều 5/9/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì buổi làm việc trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo với các tỉnh, thành phố và trực tiếp đến 705 quận, huyện, thị xã với 9.043 xã, phường, thị trấn trên cả nước về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
BCĐ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban đã hoàn thành tốt nhiệm vụ
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cuộc họp diễn ra sau hơn 1 tuần Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 được kiện toàn theo chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt. Ban Chỉ đạo được kiện toàn do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban và có sự tham gia của lãnh đạo Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành Trung ương.
Thay mặt Ban Chỉ đạo quốc gia mới được kiện toàn, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao Ban Chỉ đạo quốc gia trước đây do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong gần 2 năm qua.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo với các địa phương. Ảnh: VGP. |
Một điểm khác biệt nữa của cuộc họp so với trước đây là ngoài 63 tỉnh, thành phố, cuộc họp lần này được kết nối trực tuyến tới 705 quận, huyện, thị xã và toàn bộ 9.043 xã, phường, thị trấn trên cả nước. Những ngày qua, với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, các tập đoàn viễn thông, hệ thống chỉ huy, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn phòng chống dịch đã được kết nối từ nơi làm việc của Thủ tướng Chính phủ tới tận cấp xã, phường, thị trấn.
“Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thì mỗi cấp phải làm việc của mình, cấp trên kiểm tra, đôn đốc cấp dưới, cấp dưới báo cáo, đề xuất cấp trên, ai vào việc đấy, đúng vai thuộc bài, không ai làm thay ai, tất cả phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cuộc họp bàn về công tác phòng chống dịch nói chung nhưng tập trung vào trọng tâm là cấp xã, phường, thị trấn vì vừa qua chúng ta chuyển hướng phòng chống dịch theo phương châm mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ”. Điều này rất phù hợp với hệ thống chính trị Việt Nam, vì người dân sống ở xã, phường, thị trấn; xã, phường, thị trấn là nơi gần dân nhất, hiểu dân nhất, tiếp xúc nhiều nhất, trực tiếp nhất với dân. Xã phường cũng có tương đối đầy đủ các thành tố của hệ thống chính trị theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.
“Khi chúng ta đang thực hiện giãn cách thì nhiệm vụ chống dịch là ưu tiên đầu tiên, Thủ tướng nhắc lại quan điểm người dân là trung tâm, là chủ thể của công tác phòng chống dịch; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân. Cũng từ đây, chúng ta rút kinh nghiệm, mở rộng quan điểm này trong phát triển kinh tế - xã hội dưới sự quản lý, điều hành của Chính phủ”, Thủ tướng nói.
3 nhóm địa phương thực hiện tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19
Theo Báo cáo của Bộ Y tế, trong giai đoạn giãn cách xã hội và tăng cường thực hiện giãn cách xã hội từ 22/8 - 4/9/2021 tại 23 địa phương đã ghi nhận 160.592 ca mắc . Tại TP. Hồ Chí Minh, từ 27/4 đến ngày 4/9/2021 ghi nhận tích lũy 245.188 ca mắc (chiếm 48,4% tổng số ca mắc của cả nước). Số ca mắc mới theo ngày tiếp tục tăng do đang thực hiện đợt cao điểm xét nghiệm tầm soát trên diện rộng.
Trên cơ sở các tiêu chí kiểm soát dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong 23 địa phương, nhóm 1 gồm 8 địa phương: Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Nai, Phú Yên đang kiểm soát tốt dịch bệnh. So với cuộc họp lần trước của Ban Chỉ đạo ngày 29/8, Bình Phước, Phú Yên là 2 địa phương mới bổ sung vào nhóm đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Nhóm 2 gồm 11 địa phương: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch.
Nhóm 3 gồm 4 địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch.
Bộ Y tế nhận định, TP. Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn cao điểm của chiến dịch xét nghiệm diện rộng toàn Thành phố cho nên số mắc mới tiếp tục ghi nhận ở mức cao. Riêng Quận 7 và huyện Củ Chi đã kiểm soát được dịch, chuyển thành vùng xanh trên toàn địa bàn.
Tại Bình Dương, Long An, Tiền Giang có số ca mắc được phát hiện qua tầm soát cộng đồng, sàng lọc tại cơ sở y tế trong 7 ngày vừa qua vẫn đang ở mức cao (chiếm khoảng 30-50%). Các tỉnh còn lại tại khu vực miền Nam, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát; số ca mắc được phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng (khoảng 7-15%) có xu hướng giảm dần trong 2 tuần qua.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, kết quả vừa qua cho thấy, công tác phòng, chống dịch đang đi đúng hướng, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của nước ta. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, khó lường vì vậy vẫn phải tiếp tục cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội và phải tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
Hạn chế tử vong tại tầng điều trị 3
Nhìn nhận công tác phòng, chống dịch đang đi đúng hướng, song, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, khó lường, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, vẫn phải tiếp tục cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe vừa làm vừa rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội và phải tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
Về công tác y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, công tác xét nghiệm tiếp tục được đẩy mạnh, trong tuần cả nước đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho 7.228.897 lượt người. Tính đến ngày 04/9/2021, cả nước đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR được 42.517.091 lượt người, trong đó từ 27/4/2021 đến nay đã xét nghiệm RT-PCR cho 38.990.152 lượt người. Các địa phương đang thực hiện tăng cường giãn cách xã hội cũng đẩy mạnh việc xét nghiệm nhanh trên diện rộng, trong đó Bình Dương đã xét nghiệm cho 4,5 triệu người; TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm nhanh cho hơn 3,3 triệu người; tại Đồng Nai là khoảng 2,6 triệu lượt người, tại Long An là hơn 1 triệu người.
Về công tác điều trị, giảm tử vong, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đã huy động tổng lực ngành y tế cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam; điều động số lượng lớn nhân lực y tế với hơn 16.000 người (gồm gần 200 lãnh đạo, chuyên viên của Bộ Y tế; trên 5.000 cán bộ y tế từ các bệnh viện, viện; gần 7.600 giảng viên, sinh viên từ các trường y dược, trên 2.000 cán bộ y tế địa phương các lực lượng y tế công an quân đội…)
Bộ Y tế cũng đã điều động, phân bổ và cấp xuất hàng nghìn trang thiết bị, máy thở, vật tư, thuốc cho các địa phương đang chống dịch.
Từ ngày 27/4, Kho vật tư, thiết bị y tế tại TP. Hồ Chí Minh quản lý, cấp phát cho các địa phương 5.935 máy thở các loại, 10 máy ECMO, 50 máy lọc máu, 182 máy xét nghiệm RT-PCR, 86 máy tách chiết, trên 10 triệu test nhanh, gần 2 triệu khẩu trang N95, gần 500.000 bộ trang phục phòng, chống dịch các loại.
Bộ Y tế cũng phối hợp với các đơn vị tiếp nhận tài trợ các loại thuốc điều trị người bệnh COVID-19; 126 xe xét nghiệm lưu động và tiêm chủng lưu động…
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, với việc thiết lập và vận hành hiệu quả các trung tâm hồi sức (gồm 11 Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 tại phía Nam, riêng TP. Hồ Chí Minh là 6 Trung tâm) điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch (hiện nay đang điều trị tích cực cho 6.491 trường hợp nặng) kết hợp với mở rộng và nâng cao năng lực các tầng điều trị, tăng cường hiệu quả công tác điều phối chuyển tuyến và triển khai điều trị tại nhà, công tác điều trị đã có những kết quả tích cực trong việc hạn chế các trường hợp tử vong, nhất là các trường hợp điều trị tại tầng 3.
Về công tác tiêm vắc xin, cả nước đã tiêm được 21.523.792 liều, đạt gần 30% số người từ 18 tuổi trở lên; trong đó 15.112.140 người tiêm 1 liều và hơn 3.205.826 người tiêm đủ 2 liều.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin phòng COVID-19:
Hải Ninh