Sáng nay, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng làm việc trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng, kiểm tra các công tác phòng chống dịch trên địa bàn, đồng thời nghe các địa phương đề xuất các kiến nghị, giải pháp từ các địa phương. Trước việc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và quán bar Buddha (TP HCM) là ổ dịch phức tạp, Thủ tướng yêu cầu các địa phương và các bộ xử lý mạnh mẽ các biện pháp. Trong đó phải tìm được khoảng 40 nghìn người đã từng ra vào Bệnh viện Bạch Mai thuộc diện phải theo dõi hoặc cách ly.
Chống dịch như tinh thần "Điện Biên Phủ trên không"
Tại các đầu cầu trực tuyến các địa phương có lãnh đạo của 5 thành phố, các điểm cầu trực tuyến là các khu cách ly tại các địa phương này.
Sau khi nghe các địa phương báo cáo, Thủ tướng đánh giá cao Hà Nội đề xuất biện pháp sát tình hình, dừng cả hoạt động các sân gôn, phong tỏa không để người dân từ Hà Nội về quê nhằm tránh lây lan. Thủ tướng cũng đánh giá cao Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất thay đổi phương thức làm việc, in tờ rơi gửi đến từng hộ dân, đưa ra phương châm không làm việc với người không đeo khẩu trang.
Thủ tướng cũng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương xử phạt người dân nếu không đeo khẩu trang nơi công cộng. Nhất là khi Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Y tế cung cấp đầy đủ khẩu trang cho người dân và bán đúng giá.
|
Thủ tướng làm việc trực tuyến với 5 thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng. |
Dù đáng mừng là Việt Nam chưa có ca tử vong, các ca nặng cũng đang chuyển biến tích cực, một số ca được chữa khỏi đã ra viện, nhưng Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan, bởi trên thế giới đã có gần 30 nghìn người tử vong, con số này chưa dừng lại mà tiếp tục tăng. Cùng với yêu cầu xử lý nghiêm các đối tượng tung tin sai sự thật, không khai báo y tế theo quy định, Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Công an phối hợp xử lý bệnh nhân 178 để răn đe, giáo dục.
Đối với các địa phương, cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, bởi đây là các biện pháp như khẩn cấp để chống dịch hiệu quả. Cùng với đó là quán triệt thực hiện các biện pháp cách ly, giữ khoảng cách, không được tụ tập đông người, dừng các dịch vụ không cần thiết, khoanh lại các ổ dịch kịp thời. Thủ tướng cho biết, các hàng hóa thiết yếu luôn được đảm bảo từ 4-5 lần mức bình thường, đảm bảo nhu cầu của người dân trong mọi tình huống.
Nhấn mạnh "thời gian vàng” để chống dịch chỉ khoảng 2 tuần nữa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: "Một tinh thần là chống dich như chống giặc. Việt Nam đã có 12 ngày đêm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không năm 1972, giờ đây chúng ta có 15 ngày hoặc hơn thế nữa để chiến thắng dịch bệnh, không để bùng nổ ở Việt Nam nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Đó là trách nhiệm nặng nề nhưng vinh dự đối với cả hệ thống của chúng ta. Một tinh thần 7/4/1975 khi Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam gửi mặt trận Sài Gòn đó là: Thần tốc-Thần tốc hơn nữa, Táo báo-Táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, sốc tới chiến trường, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng. Một tinh thần ấy phải được vận dụng vào công cuộc chống dịch hiện nay".
Theo đó, Thủ tướng cho rằng cần có giải pháp, kế hoạch cho từng địa bàn, khu dân cư, ưu tiên tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra ở những nơi rủi ro cao như cao ốc văn phòng, khu dân cư tập trung, chợ dân sinh, trung tâm mua sắm, các bệnh viện, khu đô thị mới có mật độ dân cư cao, đầu mối giao thông vận tải.
Sẵn sàng để khi cần có thể giới nghiêm
Các địa phương, cơ quan chức năng phải tiếp tục đi từng ngõ, gõ từng nhà để rà soát mọi đối tượng có nguy cơ; yêu cầu phân lập vùng có lây nhiễm và chưa bị lây nhiễm để khoanh vùng, dập dịch với phương châm 4 tại chỗ. Đặc biệt, phải có biện pháp mạnh mẽ và toàn diện và ngay lập tức đối với các ổ dịch, nhất là ở Bệnh viện Bạch Mai (tại Hà Nội) và quán bar Buddha (tại Thành phố Hồ Chí Minh). Trong đó, các địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông cần hỗ trợ biện pháp công nghệ, góp phần tìm được khoảng 40 ngìn người đã vào ra bệnh viện Bạch Mai những ngày vừa qua, qua đó theo dõi, rà soát từng trường hợp.
Đề nghị các thành phố trong trường hợp cần thiết có lập hệ thống trung tâm của từng thành phố để theo dõi diễn biến và điều trị bệnh như một số thành phố lớn đã làm, Thủ tướng chỉ đạo: "Phải sẵn sàng tạo điều kiện bảo đảm ứng phó ngay lập tức với tình huống xấu nhất như lương thực, thực phẩm, bệnh viện dã chiến, lực lượng dự phòng và cả khả năng tình trạng khẩn cấp hay cao hơn là thực hiện giới nghiêm, thiết quân luật theo chế độ thời chiến. Nếu dịch bùng nổ chúng ta phải có biện pháp mạnh mẽ như vậy. Tuy nhiên quy trình ấy Thủ tướng Chính phủ sẽ báo Bộ Chính trị và Quốc hội. Tăng cường các bệnh viện để điều trị Covid-19 ở nhiều địa phương, nhất là các địa phương có nguy cơ cao. Chuẩn bị lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm khác, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, để nếu số ca tiếp tục tăng nhanh thì hai Thành phố quyết định cô lập hoặc cách ly. Một tinh thần sẵn sàng như thế".
Thủ tướng đồng ý dừng các chuyến bay chở khách đến Việt Nam và hạn chế tối đa các chuyến bay đến và đi từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đến các địa phương trong 2 tuần nữa. Kiểm soát chặt chẽ và hạn chế các chuyến tàu, ô tô và phải kiểm tra y tế. Ngành giao thông vận tải nhiệm vụ này, đây cũng là yêu cầu các thành phố chỉ đạo ngành giao thông vận tại tại địa phương.
Thủ tướng cũng yêu cầu quan tâm hơn đến sự an toàn của cán bộ đang trên tuyến đầu chống dịch, gồm cả lực lượng y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác, không được để lây nhiễm chéo và đề phòng lây nhiễm trong nội bộ. Kịp thời tuyên gương các tấm gương điển hình trong chống dịch, huy động các lực lượng y tế đã về hưu để phục vụ khi cần thiết.
Với việc các thành phố lớn là nơi tập trung các khu công nghiệp, nhiều lao động, Thủ tướng chỉ đạo cần có giải pháp đảm bảo an sinh xã hội. Thủ tướng cũng đồng ý dừng lại hoạt động xổ số kiến thiết 15 ngày, bắt đầu từ đầu tháng 4 tới.
Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố, nhất là thành phố lớn giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, coi đây là việc làm bắt buộc để tăng cường làm việc trực tuyến, thay vì phải làm việc tại cơ quan.
Các địa phương, thành phố phố lớn tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị 15, làm cho nhân dân hiểu được những tình huống xấu nhất và chuẩn bị những phương án tốt nhất, hạn chế thấp nhất hiệu quả, tránh hiểu sai, hiểu nhầm, lợi dụng xuyên tạc gây hoang mang cho nhân dân. Phải làm người dân hiểu rõ, đồng tâm ủng hộ tuyệt đối đối với chính quyền các cấp và Chính phủ trong dịp cao điểm này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại câu nói của cha ông ta với hàm ý hiểu địch, hiểu ta trăm trận trăm thắng và trận đầu chúng ta đã thắng nhờ nhận diện dịch như giặc và chủ động tấn công. Nhưng lần này, dịch Covid-19 đến từ nhiều nguồn, mức độ phức tạp hơn, nên phải triển khai cùng lúc nhiều mặt trận. Do đó, điều vô cùng hệ trọng là phải trên dưới đồng lòng, đoàn kết, tất cả cùng hiệp đồng tác chiến, phản ứng nhanh và hiệu quả hơn nữa với từng tình huống xảy ra. Có như vậy chúng ta có niềm tin rằng chiến thắng đại dịch Covid-19.
Tâm lý người được cách ly ổn định, tin tưởng
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng nghe báo cáo của các điểm cầu trực tuyến là các khu cách ly. Báo cáo tình hình tại khu cách ly Pháp Vân-Tứ Hiệp tại Quận Hoàng Mai, Hà Nội, Trung tá Thanh Hải, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự quận Hoàng Mai cho biết, đến nay khu cách ly này đã đón 1.876 công dân, trong đó có 83 công dân người nước ngoài. Qua 10 ngày ở khu cách ly, tư tưởng của công dân cách ly ổn định, tin tưởng vào chủ trương của Đảng, sự quan tâm của Chính phủ, Nhà nước, Thành phố và Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Còn Đại tá Lê Khắc Hùng, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố Đà Nẵng, Trưởng khu tiếp nhận công dân cách ly ở Trung tâm giáo dục quốc phòng Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố cho biết, đã làm tốt công tác tuyên truyền nên công dân nhận thức, yên tâm và tuân thủ rất tốt. Hai cách tuyên truyền quan trọng là trực tiếp qua hệ thống loa phát thanh, Đài Tiếng nói Việt Nam: "Trong quá trình thực hiện có nhiều trường hợp phải xử lý, đặc biệt là những trường hợp khó khăn về điều kiện hoàn cảnh. Có trường hợp ở Nghệ An, bố mất, nhưng do đang thực hiện cách ly nên người này có ý định bỏ trốn. Do đó, chúng tôi đã phải phân tích, động viên anh để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Và chúng tôi đã tạo mọi điều kiện để anh thắp hương tạ lỗi cho bố và đến nay đã chuẩn bị hoàn thành thời gian cách ly."/.
Theo Vũ Dũng/VOV