Chiều 15/4, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp với Ban Chỉ đạo quốc gia và các bộ, ngành, địa phương dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị 16 và thảo luận các biện pháp thực hiện cách ly xã hội trong giai đoạn tiếp theo.
Sau khi lắng nghe ý kiến Thường trực Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh tại các địa phương trên cơ sở các phân tích dịch tễ học, khả năng ứng phó với dịch bệnh…
Do đó, đồng ý chia làm 3 nhóm tỉnh có nguy cơ cao, có nguy cơ và có nguy cơ thấp.
Thủ tướng nói nhóm tỉnh, thành này không phải là bất biến, mà có thể thay đổi. Tuần sau Chính phủ sẽ họp, xem xét lại việc cách ly xã hội có thể kéo dài đến 22/4, hoặc 30/4 tuỳ tình hình thực tế.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. |
Thủ tướng quyết định nhóm các tỉnh, thành có nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tây Ninh, Hà Tĩnh, và đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc 30/4 tùy tình hình cụ thể của việc lây nhiễm.
Hai nhóm còn lại là nhóm có nguy cơ (15) và nguy cơ thấp (36). Nhóm nguy cơ bao gồm: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước và Đồng Tháp. Nhóm nguy cơ thấp là các địa phương còn lại.
“Đối với các tỉnh thuộc nhóm nguy cơ cần có lộ trình thực hiện Chỉ thị 16 và thực hiện nghiêm Chỉ thị 15 căn cứ tình hình thực tiễn đến ngày 22/4. Nhóm nguy cơ thấp gồm các địa phương còn lại tuy có nguy cơ thấp nhưng khả năng lây nhiễm còn rất cao do đó cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ”, Thủ tướng nói.
Trước đó, tại buổi họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện cách ly xã hội. Theo ông Mai Tiến Dũng nhận định dù đã có những kết quả khả quan bước đầu, một số ổ dịch cơ bản đã được kiểm soát, số ca nhiễm trong thời gian 2 tuần cách ly xã hội đã giảm sâu so với 10 ngày trước đó. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhận định việc đóng cửa các hoạt động kinh doanh dịch vụ không cần thiết trong thời gian cách ly xã hội đã khiến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động cao, 1 số doanh nghiệp phá sản. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét cho các cửa hàng hoạt động trở lại nhưng vẫn tuân thủ phòng dịch như giới hạn số khách, khoảng cách tiếp xúc 2 m…
“Các tỉnh nguy cơ cao có thể tiếp tục cách ly xã hội nhưng giảm dần mức độ. Các trường học có thể xem xét cho học sinh đi học lại sau 11/5 nếu số ca nhiễm được kiểm soát”, ông Mai Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kiến nghị áp dụng việc cách ly xã hội với các địa phương có nguy cơ cao nêu trên đến hết 22/4.
"Không cần thiết phải tiếp tục cách ly toàn quốc vì các lực lượng và nhân dân đã có trải nhiệm, kinh nghiệm về phòng, chống COVID-19. Dù không cách ly xã hội thì người dân vẫn có thể tiếp tục thực hiện các biện pháp như đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, hạn chế giao tiếp...", ông Dũng nêu ý kiến.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề xuất Chính phủ chia các tỉnh thành làm 3 nhóm để có biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp.
Nhóm nguy cơ cao gồm 12 tỉnh thành: TP HCM, Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh, Hà Tĩnh. Các địa phương này sđược kiến nghị tiếp tục thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 22/4. Sau đó, Ban Chỉ đạo sẽ đánh giá và báo cáo, đề xuất Thủ tướng quyết định.
Nhóm có nguy cơ gồm 15 tỉnh thành: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước và Đồng Tháp. Các tỉnh còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, đối với nhóm thứ 2 không cần tiếp tục cách ly xã hội, nhưng cần có quy định cụ thể về hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo yêu cầu chống dịch; thực hiện các biện pháp bắt buộc, gồm hạn chế ra khỏi nhà, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác tối thiểu 2 m; cấm tập trung đông người; cấm các dịch vụ vui chơi giải trí, tiếp tục đóng cửa các khu du lịch...
Trước đó, Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, toàn quốc thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Chỉ thị yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Sau 15 ngày toàn quốc nghiêm túc thực hiện các yêu cầu cách ly xã hội đã phát huy hiệu quả khi số ca nhiễm mới ít, Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Tính đến sáng 15/4, Việt Nam có 267 bệnh nhân mắc COVID-19. Bệnh nhân mới là nam, 46 tuổi, xóm Hội, Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Đây là bố của BN257, chồng của BN258, có tiếp xúc gần với BN243 tại nhà ngày 20/3.
Báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho thấy, trong số 267 bệnh nhân có 160 người từ nước ngoài chiếm 59,9%, 107 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,1%.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 67.835. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 533, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 12.573, cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 54.729.
PV Kiến Thức tiếp tục cập nhật…