Tránh áp dụng giãn cách xã hội một cách cực đoan
Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chiều 7/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo cho rằng, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình. Việc dịch lan rộng ra nhiều tỉnh thành thời gian qua nguyên nhân cơ bản là do sự lơ là, chủ quan, mất cảnh giác của nhiều địa phương.
“Từ Tết đến giờ, chúng ta lo làm ăn, chống dịch nhưng có mấy ngày nghỉ, nhân dân cũng chủ quan, xả hơi, thăm viếng, giao lưu nhiều. Cộng với tình hình dịch diễn biến nhanh, không lường trước được nên xảy ra dịch ở một số địa phương. Nhưng phải khẳng định chúng ta cơ bản kiểm soát tình hình, so với các nước xung quanh thì tốt hơn"-Thủ tướng nhấn mạnh.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN
|
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần tránh lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hốt hoảng, sợ sệt, mất bình tĩnh. Đồng thời đề nghị, trong thời điểm càng khó khăn, các địa phương cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, thông minh, sáng suốt, nắm chắc tình hình và lựa chọn phương án phù hợp. Nhiệm vụ đặt ra là vừa đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa chống dịch, khắc phục hậu quả.
Thủ tướng nhận định, Việt Nam đang bước vào làn sóng dịch thứ 4 và đặt ra những nhiệm vụ cụ thể.
Cụ thể, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò lãnh đạo của đảng, tổ chức quản lý của các cấp chính quyền.
“Tinh thần phòng là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; chống là quan trọng, thường xuyên, quyết liệt. Tình hình càng khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, càng phải phát huy tính dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, tỉnh táo, khôn khéo, sáng tạo, bám sát tình hình. Ta chuyển từ trạng thái chủ yếu phòng ngự sang kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, nhưng tấn công là chính"- Thủ tướng nói.
|
Bệnh viện K Tân Triều hiện đang bị phong tỏa phòng dịch. |
Ông yêu cầu tăng cường biện pháp về công nghệ cũng như các giải pháp giám sát, kiểm tra. Đặc biệt là thực hiện nghiêm nguyên tắc "5K + vaccine".
Thủ tướng yêu cầu tinh thần chung là phân cấp. Tỉnh, huyện, xã, thôn và mỗi cá nhân phải tự lo cho bản thân và cộng đồng mình. Đặc biệt quán triệt tinh thần tăng phân cấp trong kiểm tra, giám sát.
"Phòng ngự nhưng tư tưởng tấn công thì phải tăng cường kiểm tra, giám sát từng cấp. Tỉnh không làm thay huyện, huyện không là thay xã, xã không làm thay thôn, thôn không làm thay tổ dân phố, và tổ dân phố không làm thay từng người. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về sức khỏe của mình và cộng đồng"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Nêu ý kiến về chính sách phòng, chống dịch, Thủ tướng nhận định các địa phương "khi quá tả, lúc quá hữu"- khi lơ là chủ quan, lúc hoảng hốt sợ sệt.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo phân cấp phải đảm bảo gọn nhất có thể, tránh tối đa tác động đến xã hội, đảm bảo thông quan hàng hóa, nguyên liệu qua địa bàn.
Trải qua 3 đợt dịch, Thủ tướng cho rằng đợt sau khó khăn hơn, thiệt hại lớn hơn thì kinh nghiệm cũng phải lớn lên.
Thủ tướng lưu ý Thái Bình nghiên cứu kỹ việc thực hiện giãn cách xã hội, cần xin thêm ý kiến Phó thủ tướng, Bộ trưởng nếu cần, tránh áp dụng cực đoan.
Thủ tướng nhấn mạnh, trách nhiệm đặc biệt của người đứng đầu trong việc gương mẫu chấp hành, tổ chức thực hiện, chỉ đạo sát sao dựa theo tình hình thực tiễn. Ông yêu cầu phải khen thưởng, động viên người làm tốt, còn người lơ là, mất cảnh giác cũng phải xử lý, không nể nang.
“Vừa qua, Chính phủ đã quyết liệt trong chỉ đạo xử lý, kỷ luật trường hợp thiếu trách nhiệm, để xảy ra hậu quả. Sau đó, một số nơi đã làm tốt như Yên Bái, Hà Nam. Nhưng Vĩnh Phúc còn lơ là, kiểm điểm không rõ” – Thủ tướng nói.
|
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. |
Đồng thời, yêu cầu Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 cần cụ thể hóa rất rõ khi thiết kế thể chế, công cụ, cơ chế chính sách, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm. Tuy nhiên, phải làm sao để đơn giản về từ ngữ, dễ nhớ, dễ nghe, dễ hiểu, dễ kiểm tra, đánh giá.
Hai vấn đề được Thủ tướng nhắc đến là tình trạng xuất nhập cảnh trái phép và quản lý cư trú trái phép. Thủ tướng đề nghị Bộ Công an rà soát, kiểm điểm, đánh giá, quản lý tình trạng này. Đặc biệt, hệ thống chính trị cần phát huy sức mạnh nhân dân trong giám sát.
Thủ tướng nhận định khâu tổ chức thực hiện còn yếu, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Ông nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo là tăng cường kiểm soát chặt chẽ cơ sở, quy trách nhiệm cho cơ sở nếu không làm tốt. Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc chống dịch, bao gồm cả Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, công an cơ sở, dân quân tự vệ.
"Xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm, kể cả với cán bộ, công chức. Được giao trách nhiệm, được giao quyền sử dụng công cụ Nhà nước mà không làm thì ai làm? Ai không làm thì đứng ra một bên. Cái gì đúng thì động viên, cái gì chưa làm được phải cố gắng khắc phục, truy cứu trách nhiệm" - Thủ tướng nói và cho rằng, tăng cường kỷ luật cũng là một biện pháp chống dịch để đạt được mục tiêu cao nhất là khắc phục hậu quả dịch, đảm bảo an ninh, an toàn, an dân, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; đồng thời, thực hiện mục tiêu kép.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, công tác tiếp cận vaccine đang gặp khó khăn, không hề dễ dàng vì cả thế giới đang đi mua vaccine trong khi nơi sản xuất, chứng nhận hiệu quả thì có hạn và đề nghị Bộ Y tế nhanh chóng tiếp cận vaccine bằng mọi cách, mọi nguồn, mọi quan hệ. Lượng vaccine đã có thì sử dụng hết và hiệu quả, ưu tiên tuyến đầu.
Thủ tướng nhắc nhở các cơ quan tổ chức bầu cử an toàn chống dịch, ổn định nhưng dân chủ, công khai, minh bạch. Việc học tập của học sinh, sinh viên cũng cần được đảm bảo. Cuối cùng là công tác truyền thông phải lưu ý đưa tin khách quan, tạo hiệu ứng lan tỏa để người dân chung sức chung lòng vào cuộc chống dịch.
Chúng ta đặt trong tình trạng báo động rất cao
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, đợt dịch lần này phức tạp hơn các đợt dịch trước, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng (với chủng của Anh và Ấn Độ) nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn so với các đợt dịch trước. Do vậy, diễn biến dịch trong nước đang diễn biến nhanh, phức tạp và khó kiểm soát hơn so với các đợt trước.
“Có thể xuất hiện thêm các ổ dịch có nguồn lây chưa kiểm soát được. Do vậy, chúng ta phải đặt trong trạng thái không chủ quan, không lơ là, mất cảnh giác. Chúng tôi đề nghị tất cả các địa phương, các đơn vị phải siết chặt vấn đề này. Như Thủ tướng nói “một người lơ là làm cả xã hội vất vả”. Chỉ một khâu lơ là trong cách ly, một người lơ là trong kiểm soát cách ly hay bàn giao cách ly sẽ gây nguy hại lớn”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh việc Bộ Y tế liên tục nhắc đi nhắc lại 3 điểm yếu: Xét nghiệm, cách ly và điều trị trong phòng chống dịch đối với các địa phương. Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn về thiết lập bệnh viện dã chiến theo Nghị định của Chính phủ. Cùng đó, chuẩn bị cơ sở cách ly trong tình huống bắt buộc cách ly nhiều người trong thời gian ngắn, thực tế nhiều nơi lúng túng.
|
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp. |
"Chúng ta đang đặt trong tình trạng báo động rất cao, do đó đề nghị các địa phương phải kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, coi như địa phương đang trong dịch, để khi xảy ra không bối rối, bỡ ngỡ" – ông Long nói.
Ông cho rằng, xét nghiệm là phương pháp duy nhất phát hiện ca bệnh. Trong tất cả các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế đều đề nghị các địa phương nâng cao năng lực và chủ động trong xét nghiệm. Đồng thời phải đảm bảo cho tình huống dịch lan rộng trong cộng đồng. Các tỉnh có thể sử dụng nhiều phương pháp xét nghiệm, ngoài xét nghiệm RT-PCR.
Bộ trưởng Bộ Y tế nói rằng, nguy cơ dịch xâm nhập vào các bệnh viện tuyến trung ương cao hơn rất nhiều so với các địa phương, bởi đây là nơi tổng hợp tất cả các nguồn từ các tỉnh thành đổ về.
“Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cơ sơ 2, Bệnh viện Bạch Mai… đều là tuyến cuối, do đó, nguy cơ xâm nhập dịch vào các bệnh viện này cao hơn rất nhiều. Bộ Y tế đã có công điện về hạn chế người đến khám và người dân cần được truyền thông để khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến dưới. Bộ đã áp dụng hệ thống Telehealth để hội chẩn liên tuyến, đảm bảo chất lượng khám bệnh”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu vấn đề để người nhà lưu lại các bệnh viện thăm nuôi bệnh nhân. Nhất là những người vào thăm bệnh nhân là yếu tố nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh. Các bệnh viện luôn phải chủ động bảo vệ các khu vực trọng yếu, như phòng khám, phòng cấp cứu…, bên cạnh đó còn là việc cách ly giữa các khoa với khoa trong bệnh viện.
|
Phun khử khuẩn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ. |
Bộ Y tế đã có hướng dẫn rõ ràng khi nào cách ly khoa, khi nào cách ly bệnh viện. Bộ Y tế đã cho phép các trường hợp bệnh nhân có bệnh mạn tính được cấp thuốc 3 tháng để hạn chế phải đến cơ sở y tế. Đây là biện pháp chuyên môn không mới và được đúc kết từ các đợt chống dịch trước.
“Các cơ sở y tế của Bộ sẽ do Bộ chịu trách nhiệm và các địa phương phải chịu trách nhiệm với các bệnh viện trong vấn đề này. Với các cơ sở y tế tư nhân dưới sự quản ý của Sở Y tế, nếu không thực hiện nghiêm theo quy định, yêu cầu ngay lập tức dừng hoạt động. Các Sở Y tế phải kiểm tra trên địa bàn có bao nhiêu cơ sở y tế tư nhân để rà soát cơ sở nào không thực hiện phòng, chống dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
>>> Mời độc giả xem thêm video Dịch COVID-19 bùng phát, nhiều người vẫn tìm đến các quán karaoke
Hải Ninh