Vừa công bố Nhật sẽ tài trợ 2 tỉ USD vốn ODA để xây sân bay, chiều cùng ngày, lãnh đạo Bộ GTVT lại nói đó là... tập đoàn Pháp.
Sự nhầm lẫn
Trao đổi với báo chí chiều 17/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết thông tin về việc Nhật Bản cam kết tài trợ khoảng 2 tỉ USD cho sân bay Long Thành được đưa ra trước đó đã có sự nhầm lẫn.
|
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu trong cuộc tọa đàm ngày 17/10. |
Theo ông Tiêu, đến nay đã có Tập đoàn ADPi (nhà thiết kế sân bay hàng đầu của Pháp) cam kết tài trợ số vốn 2 tỉ USD cho dự án sân bay Long Thành. Còn Chính phủ Nhật Bản chỉ mới cam kết tài trợ nhưng chưa đưa ra con số cụ thể.
Trước đó, sáng cùng ngày, tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Dự án sân bay Long Thành: cơ hội và thách thức”, ông Tiêu cho biết phía Nhật Bản cam kết tài trợ khoảng 2 tỉ USD cho sân bay Long Thành.
Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin này được công bố, Đại sứ quán Nhật đã lên tiếng phủ nhận. Trả lời báo chí, bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Hiroyuki Hayashi khẳng định: “Chính phủ Nhật Bản chưa quyết định gì về việc đầu tư vào sân bay Long Thành”.
Tuy nhiên, ông Hayashi nói thêm trong Hội nghị cấp cao Nhật Bản - Việt Nam vào ngày 15/12/2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ thúc đẩy việc hợp tác với Việt Nam trong một số dự án như dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Thứ trưởng Bộ GTVT xin lỗi Đại sứ Nhật Bản
Sáng 18/10, thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu có thư gửi ông Fukada Hiroshi - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.
Trong thư, ông Tiêu cho biết: “Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề Dự án sân bay Long Thành: Cơ hội và thách thức do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức sáng 17/10, bản thân tôi có nhầm lẫn khi đưa ra thông tin Chính phủ Nhật Bản cam kết cho Việt Nam vay khoản tín dụng ODA trị giá 2 tỉ USD cho dự án sân bay quốc tế Long Thành. Tôi thành thực nhận lỗi về sự nhầm lẫn đáng tiếc này mà lý do tôi tự nhận thấy không có lời giải thích nào thực sự thỏa đáng”.
Trong thư gửi Đại sứ Nhật Bản, ông Tiêu cũng cho biết, ông mới điều trị bệnh và đi làm trở lại. Trong quá trình theo dõi chuẩn bị cho việc xin chủ trương xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, do có thông tin về một số nguồn có khả năng hỗ trợ tín dụng cho dự án này nên khi trả lời phỏng vấn, ông Tiêu có phát biểu nhầm lẫn nói trên.
Vốn ngân sách và vốn huy động
Vậy có sự khác nhau giữa vốn tài trợ ODA và các nguồn vốn khác? Trong báo cáo ngày 26/8/2014 của Bộ GTVT gửi Hội đồng thẩm định nhà nước dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong đó có nêu dự kiến nguồn vốn cho giai đoạn 1a là 5,662 tỉ USD được phân thành hai loại.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, vốn ODA với giá trị dự kiến 2,755 tỉ USD để đầu tư: khu bay (đường hạ - cất cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, đường trục vào sân bay); bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư; hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc; trụ sở hải quan, công an, cảng vụ.
Về nguồn vốn huy động ngoài ngân sách gồm vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công tư (PPP) với giá trị dự kiến 2,907 tỉ USD để đầu tư: nhà ga hành khách, sân đậu ôtô, nhà ga hàng hóa, khu sửa chữa bảo trì máy bay, hệ thống cấp nhiên liệu bay, chế biến suất ăn và các công trình thương mại khác.
Hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ quan tâm dự án, sẵn sàng hợp tác đầu tư vào các hạng mục của dự án dưới nhiều hình thức khác nhau như PPP, BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao)... như Tập đoàn ADPi của Pháp.
Báo cáo này cũng cho biết tập đoàn này đã đề nghị cụ thể đầu tư trực tiếp 500 triệu USD và huy động 1 tỉ USD từ ngân hàng)...
Theo T.Phùng, T.Phương/ Tuổi Trẻ