“Phí này để sử dụng, thực hiện một số dự án nhằm phát triển ngành công nghiệp không khói của Nhật Bản, cũng như chính phủ Nhật Bản dự kiến hàng năm sẽ thu khoảng 400 triệu USD để hoàn thiện việc xuất nhập cảnh của công dân được tốt hơn” - ông Hưng lấy ví dụ.
|
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đề xuất "phí chia tay" từ 3 - 5 USD. |
Đề xuất của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đã nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc, mà phần lớn là các ý kiến phản đối.
Bạn đọc Duy Tuấn cho biết: "Tôi ủng hộ việc học tập Nhật Bản, học ở nhiều lĩnh vực, ví dụ như trợ giá với mặt hàng sữa sao cho sữa có giá rẻ nhất thế giới, tiến tới trợ giá thuốc chữa bệnh, ô tô, các mặt hàng thiết yếu cho dân. Khi nào đời sống nhân dân khá hơn thì ta học họ cách thu phí".
Còn bạn Nguyễn Đình Duy phân tích: "Tỷ lệ xuất cảnh để đi du lịch của Nhật rất cao nếu so với Việt Nam. Còn Việt Nam tỷ lệ cao lại nằm ở việc đi lao động, đi học, trong khi đó còn chưa nói đến chênh lệch thu nhập.
Một điều bất cập nữa là khi ra sân bay Hải quan của chúng ta có thái độ không hề chuyên nghiệp. Cái đơn giản vậy chưa cải thiện được thì thu thêm phí, chỉ làm cho dân không hài lòng hơn".
Bạn Phạm Khánh chia sẻ: "Đừng so sánh Việt Nam và các nước khác 1 cách chung chung mà hãy so sánh cách làm việc, cách phục vụ của nước khác và Việt Nam trước rồi mới tính đến việc thu phí. Làm tốt, phục vụ tốt dân có đóng gấp vài lần cũng chẳng ai ý kiến".
Độc giả Nguyễn Ngọc phản bác: "Một sự rập khuôn, máy móc. Hãy tập trung vào đấu tranh chống lạm dụng quyền lực, tham nhũng. Tịch thu tài sản có được từ tham nhũng để góp phần xây dựng đất nước, khôi phục lòng dân. Nếu làm được như thế, tôi tin mọi người dân Việt đều ủng hộ".
Gay gắt hơn, bạn đọc Lưu Thắng tỏ ra bức xúc: "Thật nực cười, người dân đã phải đóng bao nhiêu loại thuế, phí để nuôi bộ máy công quyền nay phải đóng thêm khoản phí ngớ ngẩn này để không bị mặt nặng, mày nhẹ, gây khó dễ khi xuất cảnh à?
Còn trách nhiệm bảo vệ công dân là việc làm đương nhiên của Nhà nước. Ngoài ra, nếu các quỹ, các khoản thu được từ phí nếu sử dụng minh bạch thì còn chấp nhận được, nhiều quỹ như quỹ bình ổn xăng dầu, quỹ bảo trì đường bộ... có ai biết được sử dụng như thế nào không? Lấy lý do thật thiếu suy nghĩ".
Cùng quan điểm cho rằng có nhiều loại thuế, hạng mục thu chi người dân vẫn chưa thấy được sự minh bạch, độc giả Huy Thanh nói: "Hãy làm minh bạch các loại thuế, phí, nhất là các loại phí BOT và tiền thuế bảo vệ môi trường trong ngành nhiên liệu trước rồi hãy tính đến thu những loại phí khác."
Anh Nguyễn Hoàng Lê đặt câu hỏi: "Xin hỏi đại biểu Hưng: ông có biết rõ khi một người ra nước ngoài du lịch hoặc lao động họ đã nộp bao nhiêu loại phí rồi không mà ông còn đề xuất thu thêm phí chia tay?"
Anh Nguyễn Hồng Kiên, một người làm nghề thủy thủ tàu biển bày tỏ: "Tôi là thủy thủ, mỗi tháng "chia tay" gia đình, Việt Nam khoảng 10 lần để làm công việc của mình, vậy mỗi tháng tôi phải đóng phí cả 10 lần sao? như thế ai còn dám đi làm nữa."
Chị Phạm Bella (Việt kiều) thì cho rằng: "3 hay 5 USD đối với 1 người, nhất là người có điều kiện đi du lịch hoặc công tác nước ngoài thì nó không nhiều, nhưng nên cân nhắc đối tượng nào thì áp dụng, không nên cứng nhắc. Và điều cốt lõi mà người dân quan tâm là số tiền thu được sử dụng thế nào? phải thật minh bạch và phục vụ, nâng cao phúc lợi xã hội thì người dân sẽ ủng hộ."