Thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho KH&CN

Google News

Dự thảo dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhắm mục đích thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho KH&CN thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ kinh phí.

Sáng 6/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).
Thu hut nguon dau tu ngoai ngan sach nha nuoc cho KH&CN
  Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật được thiết kế theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý và hoạt động KH,CN&ĐMST. Thay đổi tư duy quản lý theo hướng quản lý hiệu quả, không quản lý quá trình. 
Dự thảo cũng nhắm tới mục đích thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) cho KH&CN thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Bên cạnh kế thừa tối đa những nội dung của Luật KH&CN 2013 đã được triển khai có hiệu quả trong thời gian qua và phù hợp với yêu cầu phát triển KHCN&ĐMST hiện nay, dự thảo cũng sửa đổi nhiều nội dung và bổ sung một số nội dung mới.
Về nội dung sửa đổi, đáng lưu ý là dự thảo luật giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và đánh giá hiệu quả cuối cùng của nghiên cứu. Theo đó, cơ sở nghiên cứu được tự chủ, tự chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi. Nếu một dự án nghiên cứu không đạt được kết quả như kỳ vọng, tổ chức nghiên cứu sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường như trước và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại phát sinh cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nghiên cứu.
Những tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí để tiếp tục phát triển. Ngược lại, những tổ chức hoạt động kém hiệu quả sẽ bị cắt giảm nguồn lực, thậm chí giải thể.
Theo lý giải của Chính phủ, việc giao tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu không có nghĩa là buông lỏng trách nhiệm, mà để tạo cơ chế linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới. Sự dám chấp nhận rủi ro sẽ tạo động lực cho các nhà khoa học theo đuổi những vấn đề thách thức, đưa khoa học tiến xa hơn và mang lại những đột phá quan trọng. Những nghiên cứu không đạt mục tiêu ban đầu mang lại bài học quý giá, giúp tránh lặp lại sai lầm trong tương lai hoặc mở ra những hướng đi mới tiềm năng. Thêm vào đó, cơ chế đánh giá hiệu quả gắn với giao kinh phí đảm bảo tài chính nghiên cứu được phân bổ một cách hợp lý và tạo động lực nâng cao chất lượng khoa học, công nghệ.
Về sở hữu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, dự thảo Luật đã xây dựng chính sách cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình thành từ nghiên cứu. Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hoá, được phép tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp.
Theo quy định hiện hành, Nhà nước là chủ sở hữu của các kết quả nghiên cứu sử dụng NSNN. Việc giao các kết quả này cho tổ chức chủ trì để thương mại hóa kết quả nghiên cứu gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc định giá kết quả nghiên cứu để hoàn trả kinh phí vào NSNN, trong khi kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN là sản phẩm sáng tạo, chưa có trên thị trường và trong nhiều trường hợp chưa trở thành sản phẩm, hàng hóa mà cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Đây cũng đang là điểm nghẽn lớn kéo dài trong thời gian qua. Việc tổ chức chủ trì được sở hữu kết quả nghiên cứu sẽ tạo sự chủ động trong việc thương mại hoá, ngay sau khi kết thúc nghiên cứu. Nhà nước sẽ thu lại kinh phí đầu tư gián tiếp thông qua thuế, tạo ra công ăn việc làm cho xã hội. Đây là cách mà nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện.
Thu hut nguon dau tu ngoai ngan sach nha nuoc cho KH&CN-Hinh-2
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra. 
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban KH,CN&MT tán thành với quy định chấp nhận rủi ro trong hoạt động KH,CN&ĐMST song cho rằng, cần bổ sung quy định để phân biệt với lỗi chủ quan hoặc vi phạm đạo đức nghiên cứu; bổ sung nguyên tắc nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, tránh lạm dụng.
Cơ quan thẩm tra cũng tán thành với quy định phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ KH,CN&ĐMST sử dụng ngân sách nhà nước và đề nghị nghiên cứu chỉnh lý theo hướng cần xác định khung tỷ lệ phân chia cụ thể, khuyến khích cơ chế tự thoả thuận quy định trong hợp đồng và có thể dựa trên tỷ lệ vốn góp. 
Ngoài các nội dung sửa đổi, dự thảo Luật KH,CN&ĐMST cũng bổ sung loạt nội dung mới.
Theo đó, lần đầu tiên ĐMST được đưa vào và đứng ngang với KHCN. Dự thảo Luật bổ sung các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động ĐMST, đặc biệt là trong doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm.
Dự thảo luật cũng dành riêng một chương để bổ sung nhiều chính sách nhằm khuyến khích, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động KH,CN&ĐMST, doanh nghiệp được trích lập nhiều hơn cho Quỹ Phát triển KH,CN&ĐMST của mình, được chi cho các hoạt động đầu tư vào KH,CN&ĐMST, được tính chi phí khấu trừ thuế (kể cả các dự án khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo).
Theo tờ trình của Chính phủ, doanh nghiệp là nơi đưa kết quả nghiên cứu khoa học đến với thị trường, tạo ra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng. Các chính sách tập trung vào mục tiêu khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH,CN&ĐMST, kích thích các doanh nghiệp phát triển KH&CN. 
Thẩm tra về các nội dung trên, Ủy ban KH, CN&MT thấy rằng doanh nghiệp là động lực chính thúc đẩy ĐMST, cung cấp nguồn lực tài chính, nhân lực cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và đưa sản phẩm, công nghệ mới ra thị trường, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước. Do đó, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành các quy định này và đề nghị rà soát việc gắn kết đồng bộ, thống nhất với các quy định về đầu tư, tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng hệ sinh thái và phát triển thị trường KH,CN&ĐMST để bảo đảm tính khả thi...
Thiên Tuấn