Mới đây, Thanh tra tỉnh Hải Dương đã ban hành kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Bảo hiểm Y tế tỉnh Hải Dương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Y tế và một số cơ sở khám chữa bệnh giai đoạn 2014 – 2019.
Đáng chú ý, về việc mua sắm thiết bị y tế, kết luận Thanh tra chỉ rõ việc, một số thiết bị y tế các Trung tâm y tế đã tiếp nhận bàn giao nhưng chưa đưa vào sử dụng, giá trị lên đến hơn 37 tỷ đồng và đưa vào sử dụng ít, giá trị hơn 12 tỷ đồng. Đặc biệt, có thiết bị mua từ năm 2016, 2018 nhưng tại thời điểm kiểm tra chưa sử dụng, dẫn đến việc sử dụng vốn không hiệu quả.
Cụ thể, kết luận thanh tra nêu rõ, kiểm tra tại trung tâm y tế các huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng, Nam Sách, Thanh Hà, Kinh Môn và Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương, Thanh tra tỉnh Hải Dương ghi nhận phản ánh về hàng loạt thiết bị đắt tiền mua về nhưng chưa sử dụng.
|
Máy xét nghiệm miễn dịch tự động mới được Trung tâm Y tế huyện Kinh Môn đưa vào sử dụng sau gần 1 năm nằm chờ hóa chất.
|
Theo kết luận thanh tra, có 26 thiết bị với tổng trị giá trên 37,4 tỉ đồng đã tiếp nhận bàn giao nhưng chưa đưa vào sử dụng tại trung tâm y tế các huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc, Nam Sách, Thanh Hà và Kinh Môn. Đó là máy hô hấp nhiệt độ công nghệ Plasma 50L, máy xét nghiệm huyết học 28 thông số, máy phân tích sinh hóa tự động 200 test/giờ, máy xét nghiệm đông máu tự động 52 test/giờ, máy xét nghiệm miễn dịch tự động 50 test/giờ, máy đo điện giải 3 thông số...
Vậy hàng loạt thiết bị đắt tiền mua về nhưng chưa sử dụng, nguyên nhân là gì?
Thanh tra tỉnh Hải Dương cho rằng, nguyên nhân do không có kỹ thuật viên vận hành thiết bị và vật tư đi kèm theo máy đắt, do vậy giá dịch vụ cao hơn so với giá thanh toán của bảo hiểm y tế.
Cụ thể, Trung tâm y tế các huyện, thị xã như Cẩm Giàng, Gia Lộc, Nam Sách, Thanh Hà, Kinh Môn đăng ký mua trang thiết bị khi chưa đồng bộ về kỹ thuật viên vận hành, vật tư hóa chất đi kèm dẫn đến tiếp nhận trang thiết bị về đơn vị nhưng có loại đưa vào sử dụng ít và có loại chưa đưa vào sử dụng.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế Hải Dương, cho biết, một số thiết bị y tế ở các trung tâm y tế đã tiếp nhận nhưng chưa đưa vào sử dụng, sử dụng ít là do không có kỹ thuật viên vận hành thiết bị hoặc thiếu vật tư hóa chất đi kèm. Để khắc phục, Sở Y tế Hải Dương đã yêu cầu các đơn vị chỉ được đăng ký mua thiết bị y tế khi có đầy đủ nhân lực vận hành, sử dụng máy móc, đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế, tránh tình trạng máy được đầu tư nhưng không sử dụng.
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Nguyễn Văn Ngọc – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gia lộc khi nói về việc mua thiết bị y tế về “đắp chiếu” cho biết, nguyên nhân do không có kỹ thuật viên vận hành thiết bị. “Bác sĩ họ bỏ đi, giờ muốn vận hành thiết bị này phải đào tạo lại”.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Sách Trần Thị Thanh cho biết, việc một số thiết bị y tế chưa sử dụng, Trung tâm đã giải trình với thanh tra tỉnh Hải Dương và không có ý kiến gì thêm.
Từ nguyên nhân trên, dư luận cho rằng, hàng loạt thiết bị y tế Hải Dương "đắp chiếu", Giám đốc Sở Y tế cùng lãnh đạo các trung tâm y tế phải chịu trách nhiệm.
Trao đổi với PV Kiến Thức, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, lẽ ra trước khi mua các thiết bị y tế đó, cần phải tính toán xem thiếu những thiết bị y tế nào để phục vụ công tác khám, chữa bệnh thì mới tổ chức đấu giá, đấu thầu để mua. Nếu làm như vậy mới thực tế, phù hợp và hiệu quả.
“Nếu không nghĩ đến vấn đề đó, chỉ biết mua đem về, trong khi đó có khi đã có những thiết bị tương tự và đang sử dụng vẫn mua mang về. Trước khi mua những thiết bị đó phải biết được tại cơ sở có người sử dụng được hay không để mua về áp dụng trong vận hành để điều trị cho bệnh nhân một cách hiệu quả” – đại biểu Hòa nói.
|
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. |
Ông Hòa cho biết, thời gian qua, trong lĩnh vực y tế có nhiều cái bất cập, bất hợp lý. Ngay việc tổ chức đấu giá, đấu thầu cũng có những vấn đề tiêu cực rất lớn. Thậm chí có tình trạng sân sau.
“Do đó việc mua thiết bị y tế tiền tỷ về không sử dụng cho thấy, việc mua chỉ là mua thôi, gây tốn tiền, hao của ngân sách nhà nước nhưng thực chất mua về để không như việc xảy ra tại một số cơ sở y tế tại Hải Dương. Hơn 30 tỷ là con số rất lớn chứ không phải nhỏ mà giờ không sử dụng được, quá trình thanh tra, Thanh tra tỉnh Hải Dương đã phát hiện và chỉ rõ. Tôi nghĩ Thanh tra tỉnh Hải Dương phải kiến nghị xử lý trách nhiệm của người đứng đầu Sở Y tế, người đứng đầu các cơ sở y tế xảy ra tình trạng này” – Đại biểu Hòa cho hay.
Đại biểu Hòa nhấn mạnh, gây lãng phí ngân sách nhà nước thì phải xử lý nghiêm khắc.
“Dù 1, 2 tỷ đồng cũng phải xử lý chứ không phải hàng chục tỷ đồng như vậy. Thời gian qua, báo, đài đăng tải nhiều chuyện thiết bị y tế đắp chiếu, trùm mền nhiều, mua về không sử dụng được do mua thiết bị y tế lạc hậu hoặc không có con người biết để sử dụng những thiết bị y tế đó. Trong khi đó những thiết bị cần thiết thì không mua, những thiết bị chưa cần thiết thì lại mua. Do đó, tôi cho rằng có dấu hiệu lợi ích nhóm và tiêu cực trong ngành y tế cần phải xử lý nghiêm” – Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Trong kết luận thanh tra, Thanh tra tỉnh Hải Dương kiến nghị, Sở y tế tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể cá nhân để xảy ra thiếu sót, xây dựng những biện pháp khắc phục những thiếu sót được kết luận chỉ rõ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động dịch vụ, liên doanh, liên kết, khám chữa bệnh theo yêu cầu và mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất tại các đơn vị trực thuộc sở.
Trong đó, Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị thuộc sở được thanh tra chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao; tổ chức họp đơn vị nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các tập thể, cá nhân để xảy ra những hạn chế thiếu sót.
Kết luận thanh tra cho biết, đoàn công tác đã kiểm tra 5 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế cho các cơ sở công lập thuộc Sở Y tế Hải Dương (tổng trị giá hơn 277 tỷ đồng). Theo đó, năm 2018, có 2 gói thầu trị giá hơn 99,6 tỷ đồng mua thiết bị cấp cứu sản khoa, thiết bị nội soi và thiết bị cơ bản khác. Năm 2019 có 3 gói thầu trị giá 178 tỷ đồng mua sắm máy chụp X - quang, máy xét nghiệm và thiết bị y tế khác.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đề nghị truy tố Giám đốc CDC Hà Nội và các bị can
Quý Lâm