Nghỉ hưu sớm…tìm cơ hội ở tuổi ngoài 50
Ông Trần Minh Thái (SN 1969), Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bình Giang (tỉnh Hải Dương) là một trong những cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178 để sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Ông Thái là tiến sĩ quản lý giáo dục, từng có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và hơn một năm công tác trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Ông có nguyện vọng xin nghỉ hưu sớm dù còn 5 năm công tác để hưởng ứng chủ trương tinh giản bộ máy của Đảng, Nhà nước, nhường chỗ cho những người trẻ.
 |
Ảnh minh họa. |
Rời khu vực nhà nước, ông Thái ấp ủ nhiều dự định về việc làm ở tuổi 56 khi chia sẻ với PV Tri thức và Cuộc sống. “Một là tôi sẽ viết phần mềm dạy học, hai là có thể sẽ thành lập một công ty để chuyển giao công nghệ hoặc bồi dưỡng đào tạo về trí tuệ nhân tạo. Một dự kiến khác là bồi dưỡng về kỹ năng, văn hóa cho học sinh”, ông Thái nêu dự kiến.
Theo ông Thái, rời khu vực nhà nước ra tư nhân dù ông chưa bước sang lĩnh vực này, nhưng tin rằng sẽ không gặp nhiều khó khăn. Bởi ông trước kia đã từng làm những công việc này và có kinh nghiệm.
Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Đại Sơn cho rằng, đợt sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này sẽ có khoảng 100.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư như Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại hội nghị triển khai công tác năm 2025 của Chính phủ ngày 8/1.
“Từ con số này, nhiều người lo ngại lực lượng này không có công ăn việc làm, nhưng tôi cho rằng, không hẳn là thế”, ông Bắc nói.
“Nghề dạy nghề, khi các cán bộ đã là thực học, thực tài, thực là tinh hoa, việc học thêm, chuyển đổi trạng thái và tìm kiếm công việc khác dễ hơn những người khác. Do đó, bản thân cán bộ công chức, viên chức không phải quá tâm tư đến cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi rời khu vực nhà nước. Nhà nước và Chính phủ cũng không phải quá lo lắng về việc này”, ông Bắc nói.
 |
Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Đại Sơn
|
Ông Nguyễn Quang Mâu – Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổ hợp Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt cho rằng, việc chuyển dịch từ lao động nhà nước sang tư nhân đối với cán bộ công chức, viên chức sẽ gặp nhiều khó khăn. Lực lượng tinh giản này khi chuyển dịch công việc ra ngoài sẽ có hai dạng là tự làm kinh doanh hoặc làm công ăn lương. Tuy nhiên, họ phải tìm kiếm công việc phù hợp với khả năng.
Dẫn chứng ngành nghề làm gạch ngói mà công ty đang sản xuất, ông Mâu nói rằng, nếu ở công ty ông, ngành nghề sẽ không phù hợp với các cán bộ công chức, viên chức. “Họ từng là cán bộ công chức, viên chức, nên rất khó có thể lao động chân tay”.
 |
Doanh nhân Nguyễn Quang Mâu
|
Thị trường lao động ít chịu tác động
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khi nói về tác động của lượng cán bộ dôi dư lên đến 100.000 người khi đổ vào thị trường lao động đã dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 53,2 triệu người, tăng hơn 625.000 người so với năm 2023. Thị trường lao động ổn định với 51,9 triệu lao động có việc làm, tăng 585.000 nghìn người (tương đương tỷ lệ tăng 1,14%) so với năm trước. Con số trên cho thấy, mỗi năm có thêm cả triệu vị trí việc làm. Hơn 100.000 cán bộ tinh giản, thị trường lao động vẫn đủ khả năng hấp thụ khi họ rời khu vực nhà nước.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc 100.000 cán bộ tinh giản rời khỏi khu vực nhà nước chắc chắn họ sẽ tìm việc ở khu vực tư nhân.
“Những cán bộ này còn sức khỏe, có kinh nghiệm, tôi hy vọng họ sẽ thành lập những doanh nghiệp tư nhân hoặc tham gia vào các công ty tư vấn, công ty về giáo dục đào tạo…tiếp tục đóng góp cho xã hội. Tôi nghĩ đây là nguồn nhân lực rất đáng trân trọng và cần được huy động để góp phần vào tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Doanh nói.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho biết, những cán bộ tinh giản khi đã quyết ra khỏi khu vực nhà nước sẽ có đủ ý chí, đủ quyết tâm để bắt đầu một “khởi nghiệp” mới một cách độc lập. Điều này ông rất hoan nghênh, ủng hộ.
 |
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
|
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, việc chuyển dịch hơn 100.000 cán bộ diện tinh giản từ khu vực công dôi dư sau quá trình tinh gọn sang khu vực tư là cần thiết, giúp tăng cường nguồn lực lao động cho khu vực kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, dù khu vực kinh tế tư nhân có nhu cầu tuyển dụng lớn, nhưng vẫn có những thách thức cho những người lao động nhiều năm gắn bó với khu vực công.
 |
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế
|
Theo Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, những người thực hiện các công việc giản đơn, không đúng ngành nghề, việc tuyển dụng vẫn gặp khó khăn nên việc mỗi cá nhân tự mình vươn lên, thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh, thích ứng với điều kiện sản xuất của nền kinh tế là yếu tố quyết định đến việc họ được tiếp nhận ở những vị trí phù hợp, đúng ngành nghề đào tạo và đúng chuyên môn mà họ đã làm trong thời gian trước đây.
Tại hội nghị triển khai công tác năm 2025 của Chính phủ ngày 8/1, Tổng Bí thư đề cập thông tin giai đoạn tới sẽ có khoảng 100.000 lao động rời khỏi khu vực nhà nước do tác động của tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Tổng Bí thư gợi mở: “Chính phủ có chính sách gì để khu vực ngoài nhà nước có thể tiếp nhận một phần trong số đó? Chính sách gì để phát triển thị trường lao động, thị trường việc làm?".
Để hỗ trợ các cán bộ công chức, viên chức, người lao động tinh giản phục vụ sắp xếp tinh gọn bộ máy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm; cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng và Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Hải Ninh