Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2020 trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, theo phương án thi trình Chính phủ trước đó là tổ chức thi thành 2 đợt.
Đồng thời, trước những lo lắng về sự công bằng của các thí sinh trong hai đợt thi, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định sẽ đảm bảo đề thi của đợt hai có độ khó tương đương đợt một.
|
Bộ GD&ĐT đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh của hai đợt thi. |
Cụ thể, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho hay, với đợt một đề thi đã sẵn sàng. Với đợt hai, đề thi được xây dựng theo ma trận đề thi hiện nay và từ ngân hàng đề thi với các câu hỏi còn lại. Bộ GDĐT sẽ xây dựng đề thi với mức độ tương đồng chấp nhận được để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Với quan điểm này, nhiều giáo viên và chuyên gia rất đồng tình, họ cho rằng việc xây dựng các đề thi không chênh lệch độ khó đã được tiến hành trong nhiều kỳ thi trước.
Với ngân hàng câu hỏi của Bộ, đề thi đã được chuẩn hóa, với lý thuyết xác suất thống kê và đánh giá, máy tính sẽ tự lựa chọn ngẫu nhiên những câu hỏi ở độ khó khác nhau vì thế mức độ khó của đề thi sẽ ngang nhau.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, thí sinh yên tâm về khâu bảo mật đề thi. Với ngân hàng câu hỏi của Bộ, đề thi đã được chuẩn hóa, với lý thuyết xác suất thống kê và đánh giá thì máy tính sẽ tự lựa chọn ngẫu nhiên những câu hỏi ở độ khó khác nhau vì thế mức độ khó của đề thi sẽ ngang nhau.
Hơn thế nữa, 8/9 môn thi theo hình thức trắc nghiệm nên đảm bảo tính công bằng cao, không lo chênh lệch độ khó của đề thi giữa 2 đợt.
Trước nhiều ý kiến băn khoăn về việc tham gia xét tuyển ĐH của các thí sinh thi đợt hai, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho hay, với các thí sinh tham gia xét tuyển bằng học bạ, các em vẫn làm hồ sơ đăng ký xét tuyển bình thường.
Thí sinh xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các trường ĐH để dành chỉ tiêu nhất định để tuyển các em thuộc đối tượng F1, F2 và các thí sinh ở địa phương phải thực hiện cách ly xã hội không thể tham gia thi đợt một.
Các trường ĐH sẽ căn cứ vào dữ liệu tuyển sinh của trường theo địa bàn, địa phương có thí sinh phải thi đợt hai ở những năm vừa qua và căn cứ vào tỷ lệ phần trăm nguyện vọng của thí sinh ở địa phương đó đăng ký xét tuyển vào trường để dành số lượng chỉ tiêu xét tuyển phù hợp.
Dù căn cứ dữ liệu nào thì các trường cũng phải công bố công khai và phải đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh.
Như vậy, thí sinh dự kỳ thi tổ chức sau ngày 10/8 nếu có nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh vào ĐH, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục ĐH xem xét bố trí tỷ lệ chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh phù hợp để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, trên tinh thần tự chủ ĐH.
>>> Mời bạn đọc xem thêm video:Bí thư Hà Giang khẳng định “không biết” con gái được nâng 5,4 điểm
Hà Trang (T/H)