Việc lộ đề thi học kỳ lớp 11 tại Đồng Tháp khi kỳ thi THPT quốc gia 2017 đang đến gần khiến dư luận không khỏi lo lắng, vì năm nay, kỳ thi THPT quốc gia được giao cho các sở GD&ĐT.
Trong buổi làm việc với ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Ninh Bình chiều 10/5, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga nêu ra lo lắng của bộ về vấn đề này. Theo ông Ga, qua báo cáo của sở, về số lượng nguyện vọng, thí sinh Ninh Bình nằm trong dải trung bình chung của cả nước.
Cụ thể, số lượng nguyện vọng trung bình là 5 và nhiều nhất 23 nguyện vọng. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng rút kinh nghiệm từ sự việc xảy ra tại Đồng Tháp vừa rồi, làm thế nào đảm bảo bảo mật an toàn đề thi là nhiệm vụ quan trọng đối với các sở GD&ĐT.
Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình Vũ Văn Kiểm cho biết trong quá trình cập nhật dữ liệu lên phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, phát hiện có một thí sinh nộp hồ sơ tại cả hai sở GD&ĐT là Ninh Bình và Hà Nội.
Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, thí sinh này đã rút hồ sơ đăng ký tại Ninh Bình. Một thí sinh Ninh Bình trùng số CMTND với một thí sinh của Hà Nội. Qua kiểm tra, thí sinh ở Hà Nội nhập sai số CMTND và đã được điều chỉnh lại.
“Qua việc phát hiện hai trường hợp trên, chúng tôi đánh giá phần mềm của Bộ GD&ĐT đã khắc phục được những hạn chế mà những kỳ thi trước chưa làm được. Đó là sự liên thông dữ liệu giữa các địa phương trong cả nước”, ông Kiểm cho hay.
|
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Anh Tuấn. |
Trách nhiệm nặng nề của các sở
Chia sẻ với ban chỉ đạo thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT, ông Vũ Văn Kiểm cho biết trong công tác tổ chức thi, sở nhận thấy có một số khó khăn. Đó là việc in sao đề thi của các bài thi trắc nghiệm với mỗi thí sinh một mã đề thi nên thời gian in sao nhiều hơn, dễ xảy ra sai sót hơn, số lượng cán bộ làm nhiệm vụ in sao cũng phải được tăng cường.
Công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho các điểm thi cũng vất vả hơn so với kỳ thi năm trước. Tại một vài điểm thi ở xa trung tâm huyện, nơi ăn, nghỉ cho cán bộ, giảng viên các trường ĐH không được thuận lợi như tại các điểm thi đặt tại trung tâm các thành phố.
Nói về vấn đề in sao đề thi, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT khẳng định tất cả địa phương và bộ đều lo.
“Năm nay, công tác in sao đề thi có một số khó khăn. Thứ nhất, số lượng đề sao in nhiều hơn. Thứ hai sao in đề trắc nghiệm khó hơn thi tự luận. Thứ ba là bài thi tổ hợp gồm ba môn riêng lẻ nên phải sắp xếp phức tạp hơn”, ông Nghĩa cho hay.
Mặt khác, theo ông Nghĩa, quy trình in sao đề cũng có điều chỉnh. Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn các sở GD&ĐT công tác in sao đề thi. Bên cạnh đó, quy định của Bộ GD&ĐT, mỗi sở GD&ĐT chỉ có 12 ngày in sao đề thi nên các sở cần chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để in sao kịp tiến độ.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng khẳng định Bộ GD&ĐT đã trao đổi với Bộ Công an về vấn đề bảo mật, đảm bảo an toàn, nghiêm túc, công bằng cho kỳ thi.
Nên bố trí thí sinh tự do thi tại điểm thi riêng
Khác với những năm trước, kỳ thi THPT quốc gia năm nay, thí sinh tự do được chọn môn thi trong bài thi tổ hợp để thi. Chính vì vậy, theo ông Trần Văn Nghĩa, thí sinh tự do thi để xét tuyển ĐH dự kiến có 7 loại phòng thi đối với hai bài thi tổ hợp (như Vật lý - Hóa là một loại phòng, Vật lý - Sinh là một loại phòng…).
Chính vì vậy, việc sắp xếp thí sinh tự do thi cùng điểm với thí sinh bình thường sẽ gây xáo trộn trong các điểm thi và sẽ gây lãng phí. Trước đề xuất của Bộ GD&ĐT, ông Vũ Văn Kiểm cho biết chưa có phương án đưa thí sinh tự do về một điểm thi. Sở sẽ xem xét đề xuất này của Bộ GD&ĐT.
Theo Nghiêm Huê / Tiền Phong