Thí điểm khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip

Google News

Bộ Công an đã phối hợp với BHXH Việt Nam thực hiện tích hợp 36 triệu dữ liệu thẻ BHYT lên CCCD gắn chip.

Cử tri tỉnh Tiền Giang vừa có kiến nghị gửi tới Bộ Công an, đề nghị bộ này nghiên cứu phối hợp với các cơ quan liên quan sớm cho phép sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chip thay thế thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khi đi khám chữa bệnh BHYT.

Trả lời vấn đề trên, Bộ Công an cho biết trên cơ sở xây dựng thành công dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD, bộ đã phối hợp với BHXH Việt Nam thực hiện tích hợp 36 triệu dữ liệu thẻ BHYT lên CCCD gắn chip. Mục đích nhằm phục vụ người dân và cơ quan y tế xác thực thông tin công dân khi tham gia khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh, bảo đảm chính xác, thuận tiện.

Cùng với đó, tháng 2/2022 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 931/BYT-BH hướng dẫn triển khai thí điểm khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip.

Thi diem kham chua benh BHYT bang CCCD gan chip.
 

Theo đó, Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế cùng các cơ sở khám chữa bệnh thuộc các bộ, ngành chuẩn bị kế hoạch và nguồn lực để triển khai tiếp đón, tổ chức khám chữa bệnh cho người bệnh có CCCD gắn chip tích hợp mã thẻ BHYT hoặc qua ứng dụng VNEID.

Cụ thể, cơ sở khám chữa bệnh thông báo công khai cho người bệnh biết và triển khai tiếp đón người bệnh khi đi khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip hoặc qua ứng dụng VNEID (chỉ áp dụng đối với công dân đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp).

Đối với người bệnh đã được cấp CCCD gắn chip, trường hợp khi kiểm tra CCCD (quét mã QR) hoặc qua ứng dụng VNEID đã có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT thì cơ sở khám chữa bệnh thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về BHYT. Cơ sở sẽ tiếp đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh BHYT hiện hành; đồng thời thông tin cho người bệnh biết để đi khám chữa bệnh BHYT kể từ lần sau bằng CCCD gắn chip hoặc bằng ứng dụng VNEID.

Trường hợp khi kiểm tra thông tin nhưng không có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT, cơ sở khám chữa bệnh giải thích để người bệnh biết tình trạng của thẻ BHYT trên CCCD chưa thể thực hiện được. Sau đó thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh BHYT hiện hành - xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh.

Với người bệnh chưa được cấp CCCD gắn chip, cơ sở điều trị tiếp tục tiếp đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh BHYT hiện hành - xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh.

“Như vậy, kiến nghị của cử tri đã và đang được Bộ Công an, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam thực hiện, góp phần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế” - Bộ Công an nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ Công an, từ ngày 1/7/2021, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do bộ này xây dựng, chính thức được vận hành với 17 thông tin (họ tên, ngày/tháng/năm sinh, quốc tịch…) của 98,7 triệu công dân Việt Nam được số hóa.

Dữ liệu dân cư được xem là dữ liệu gốc, là một trong các tài nguyên quan trọng nhất, giá trị nhất của một quốc gia khi mà các hoạt động chuyển đổi số gắn với mọi hoạt động của người dân, lấy người dân là trung tâm.

Từ cơ sở dữ liệu quan trọng này, Bộ Công an đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân, đồng thời đã triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp CCCD gắn chip điện tử với nhiều ưu điểm nổi bật, tiện lợi cho công dân.

CCCD sẽ thay thế nhiều loại giấy tờ

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg, phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06).

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết theo lộ trình của Đề án 06, các thông tin công dân sẽ dần được tích hợp trên CCCD gắn chip điện tử, cùng với ứng dụng VNEID. Việc này sẽ giúp người dân chỉ sử dụng duy nhất thẻ CCCD thay thế nhiều giấy tờ khác để thực hiện các giao dịch với các cơ quan nhà nước, bảo đảm chính xác và thuận tiện.

Hiện nay, Bộ Công an đã kết nối với dữ liệu BHXH và công dân có thể sử dụng CCCD gắn chip điện tử để khám BHYT tại các cơ sở y tế. Theo lộ trình tới đây, các thông tin về y tế, giấy phép lái xe, thẻ tín dụng, an sinh xã hội... tiếp tục được nghiên cứu, tích hợp để thực hiện các yêu cầu đa dạng của người dân trên các lĩnh vực. 

PV