Cuối năm 2021, UBND quận Hoàn Kiếm báo cáo UBND thành phố Hà Nội cho phép 3 Cty được tiếp tục thí điểm sử dụng tạm thời hè phố (sát mặt tiền công trình các tòa nhà) để kinh doanh bán cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh phục vụ du khách.
Ghi nhận tại tòa nhà 30A Lý Thường Kiệt, đây là đoạn vỉa hè khá rộng, nằm ở ngã tư Lý Thường Kiệt - Hàng Bài. Đoạn vỉa hè cho thuê được bố trí đặt dãy bàn bán cà phê dọc theo mép tường của tòa nhà. Tương tự tại đoạn vỉa hè cuối phố Lý Thường Kiệt do Cty Cổ phần Prodigy Pacific Việt Nam thuê nằm sát tường. Do là vỉa hè rộng nên việc đi lại, để xe máy của người dân thuận tiện.
Tuy nhiên, cùng tuyến phố Lý Thường Kiệt, ngay đối diện điểm cho thuê, quán cà phê 37, 39 Lý Thường Kiệt, hay số 4 Lý Thường Kiệt cũng bày bàn ghế chiếm gần 2m chiều ngang của vỉa hè mặc dù không được cho thuê. Tuyến phố Bà Triệu, Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng); phố Trần Phú (quận Ba Đình)... vỉa hè cũng là nơi được các hàng quán mặt đường tận dụng để kê bàn ghế phục vụ thực khách.
|
Vỉa hè được cho thuê tại phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm
|
Mới đây, hội thảo “Giao thông cho người đi bộ - Sự tham gia của cộng đồng với ứng dụng công nghệ tại Hà Nội” đã công bố một nghiên cứu về quản lý hè phố. Trong đó ghi nhận 8 tuyến phố gồm: Trương Định, Đê La Thành, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Tam Trinh, Láng, Tây Sơn, Khâm Thiên tỷ lệ lấn chiếm vỉa hè trên 70%. Các tuyến phố Đại La, Minh Khai, Thái Hà, Tràng Thi, Tràng Tiền, Huế, Giải Phóng, Lạc Long Quân, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Lương Bằng tỷ lệ lấn chiếm vỉa hè từ 35 - 70%. Các tuyến phố lấn chiếm vỉa hè từ 1 đến dưới 35% gồm Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Nguyễn Khoái, Trần Hưng Đạo, Xã Đàn, Huỳnh Thúc Kháng, Kim Mã, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng.
Cần công khai đấu thầu vỉa hè
Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, các điểm nghiên cứu thí điểm vỉa hè đều có chiều rộng từ 5 - 7m, đảm bảo lối đi bộ. Mỗi mét vuông được cho thuê với giá 45.000 đồng/tháng. Các điểm cho thuê đều đảm bảo mỹ quan.
Nói về việc cho thuê vỉa hè, đại diện lãnh đạo các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa cho biết, quận đang tìm hiểu báo cáo tổng kết mô hình thuê vỉa hè của quận Hoàn Kiếm để thí điểm một số tuyến đường đủ điều kiện của quận.
KTS Nguyễn Anh Tuấn (Cty Viet Architech) cho rằng: “Kinh tế vỉa hè” là nền kinh tế phi chính thức nhưng tạo ra việc làm cho rất nhiều hộ kinh doanh của các đô thị Việt Nam. Vấn đề quản lý như thế nào đã được đặt ra nhiều nhưng việc thực thi vẫn còn nhiều bất cập. “Việc cho thuê vỉa hè mới chỉ cho thí điểm với các doanh nghiệp có sẵn mặt bằng, liệu các hộ dân mặt đường có được thuê vỉa hè hay không, và làm thế nào để đảm bảo công bằng trong thuê vỉa hè là vấn đề cần tính toán”, KTS Tuấn nói.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho biết thêm, theo Luật Giao thông không được phép biến vỉa hè thành nơi kinh doanh. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay khi cuộc sống người dân còn khó khăn, những nơi vỉa hè rộng có thể sử dụng một phần để kinh doanh. Quan trọng là phải dành tối thiểu 2m cho người đi bộ vì vỉa hè là dành cho người đi bộ chứ không phải là nơi để kinh doanh và nơi để phương tiện.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm: Giá thuê 45.000 đồng/m2/tháng tại quận Hoàn Kiếm là khá thấp. Ngoài ra, việc cho thuê phải công bằng, bình đẳng thông qua hình thức đấu thầu chứ không phải chỉ định thầu.
Theo vị chuyên gia này, việc tổ chức, quản lý lại không gian trên vỉa hè rất cần thiết, bởi muốn hay không, nền “kinh tế ngầm” trên vỉa hè vẫn diễn ra, người kinh doanh vẫn mất chi phí, nhưng nguồn thu nhà nước thất thoát.
Theo Trần Hoàng/Tiền phong