Sai phạm nghìn tỷ từ hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc
Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) được thành lập từ năm 1962. Năm 2009, doanh nghiệp này chuyển sang mô hình cổ phần, nhà nước nắm 65% vốn điều lệ và được quản lý thông qua Tổng công ty thép Việt Nam (VNS). Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO có tổng mức đầu tư 3.843 tỷ đồng (tương đương 242,5 triệu USD, tỷ giá 1 USD = 15.850 đồng). Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện dự án với mục tiêu đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất luyện kim (bao gồm khai thác, chế biến quặng sắt), nhằm tạo ra năng lực sản xuất 500.000 tấn phôi thép/năm, sử dụng nguồn nguyên liệu quặng sắt trong nước.
Dự án gồm 2 gói thầu chính. Gói thứ nhất là mỏ sắt Tiến Bộ, xây dựng nhà máy tuyển rửa quặng sắt, công suất thiết kế 300.000 tấn quặng sắt tinh/năm, do nhà thầu trong nước trúng thầu, đã xây dựng hoàn thành đưa vào sản xuất tháng 5/2014. Gói thứ 2 xây dựng dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá, công suất 500.000 tấn phôi thép/năm, do nhà thầu Công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) đảm nhận, thông qua đấu thầu quốc tế.
Để thực hiện dự án, tháng 7/2007, TISCO và MCC ký hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng và lắp đặt) có giá trị xấp xỉ 161 triệu USD. Hai bên cam kết mức giá nêu trên là “trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, đã bao gồm các khoản thuế và chi phí cần thiết”. Thời gian thực hiện dự kiến 30 tháng. Tuy nhiên sau đó, TISCO và MCC lại ký với nhau nhiều phụ lục điều chỉnh nội dung quan trọng trong hợp đồng, thống nhất tách phần xây dựng và lắp đặt giao lại cho nhà thầu Việt Nam là Tổng công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon), điều chỉnh thời gian thực hiện gói thầu kéo dài đến quý I/2011.
|
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) |
Không chỉ chậm tiến độ so với kế hoạch, năm 2012, VNS và TISCO có văn bản gửi Bộ Công thương và Chính phủ xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên 8.104 tỷ đồng, tăng 4.261 tỷ đồng so với mức ban đầu. Các bên thực hiện dự án tiếp tục hứa sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014.
Kết cục, tại thời điểm thanh tra, vào năm 2017, TISCO đã thanh toán cho dự án gần 4.500 tỷ đồng, trong đó chi phí thiết bị hơn 2.100 tỷ đồng, chi phí xây dựng gần 1.000 tỷ đồng... Tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả của dự án là 3.900 tỷ đồng... tức tương đương với tổng mức đầu tư của dự án ban đầu. Tiến độ dự án chậm đến hơn 10 năm và phải tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, trở thành 1 trong 12 đại dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng của Bộ Công thương.
Đặc biệt, quá trình thanh tra, TTCP phát hiện chủ đầu tư TISCO đã “tạo điều kiện” cho nhà thầu Trung Quốc là Công ty MCC thanh toán trên 92% giá trị hợp đồng khi các hạng mục chính của gói thầu EPC đều chưa hoàn thành.
Cụ thể, từ năm 2013, MCC và các nhà thầu đã ngừng thi công nhưng TISCO đã thanh toán thay MCC tiền thuế là 11,6 triệu USD, thanh toán các khoản bốc xếp bảo quản thiết bị gần 5 tỷ đồng, vượt với giá trị hợp đồng. Trong khi đó, MCC chưa chuyển đủ thiết bị theo danh mục, đồng thời cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật không phù hợp với quy chuẩn của Việt Nam.
Ngoài ra, MCC cung cấp 42 ô tô trị giá thanh toán hơn 1 triệu USD chưa có thuế nhập khẩu, nhưng tất cả các xe này đều sai về tải trọng giữa hồ sơ mà TISCO xin đăng ký đăng kiểm, với kết quả kiểm tra của Cục Đăng kiểm. Ví dụ, có 29 chiếc xe tải tự đổ có khả năng chuyên chở 16 tấn/xe, tuy nhiên, kết quả kiểm tra mỗi xe này chỉ chở được khoảng 9,4 tấn. Ngoài ra, MCC cũng cung cấp 5 đầu máy toa xe trị giá 5,4 triệu USD không đúng các thông số kỹ thuật, nhà cung cấp theo hợp đồng đã ký…
Tính tổng cộng, MCC cung cấp các loại máy móc thiết bị có sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam có giá trị lên tới 38,8 triệu USD. Điều đáng nói là đến thời điểm thanh tra, một số thiết bị được cung cấp đã bị gỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, tiến độ của dự án.
Chuyển 4 vụ việc sang Bộ Công an điều tra
Theo TTCP, việc triển khai dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO có nhiều sai phạm, xảy ra ở tất cả các khâu, có liên quan đến trách nhiệm của TISCO, VNS, Bộ Công thương... Đặc biệt là trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan đến việc điều chỉnh tăng vốn đầu tư.
TTCP cho biết, thời điểm tháng 9/2012, sau khi TISCO, VNS và Bộ Công thương xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án lên 8.104 tỷ đồng, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Đa số các bộ, ngành lấy ý kiến đều phản đối, cho rằng việc tăng mức đầu tư cho dự án hơn 4.200 tỷ đồng là thiếu cơ sở, không hợp lý và cần phải làm rõ trách nhiệm của các bên…
Ngày 21/4/2013, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 3136 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng gửi Bộ Công thương và VNS nêu rõ: “HĐQT VNS quyết định chịu trách nhiệm thực hiện việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án theo quy định hiện hành, đảm bảo hiệu quả… Đồng ý về nguyên tắc các ngân hàng phát triển Việt Nam, ngân hàng TMCP công thương xem xét cho vay tiếp…”, đã dẫn đến TISCO cho rằng việc điều chỉnh tổng mức đầu tư đã được Thủ tướng chấp thuận. Đến ngày 25/3/2015, HĐQT TISCO ra nghị quyết tăng vốn.
Từ các sai phạm tại dự án, TTCP kiến nghị Thủ tướng xử lý về kinh tế với số tiền sai phạm lên tới hàng ngàn tỷ đồng, gồm thu hồi khoản tiền thanh toán cho MCC số tiền hơn 13 triệu USD; xử lý số tiền thanh toán sai cho các nhà thầu phụ hơn 876 tỉ đồng, gần 10 tỉ đồng chi cho việc tiếp khách, đi công tác nước ngoài... đồng thời, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo TISCO, VNS, Bộ Công thương, các cơ quan của Chính phủ… kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân. TTCP cũng đã chuyển 4 vụ việc có dấu hiệu hình sự liên quan đến dự án sang Bộ Công an để điều tra.
Ngoài các kiến nghị trên, TTCP đã chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, sai phạm thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Theo HOÀNG ANH/nongnghiep