Liên quan vụ việc thầy giáo TPHCM cho học sinh diễn cảnh nóng kiện nhà trường do bị kỷ luật, ngày 13/7, Tòa án Nhân dân quận 12 (TP HCM) đã quyết định tạm ngừng phiên tòa xét xử vụ yêu cầu hủy các quyết định kỷ luật và bồi thường thiệt hại, thầy giáo Phạm Quốc Đạt (giáo viên dạy Văn) và bị đơn là Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12). Việc tạm ngưng phiên tòa để xác minh, thu thập chứng cứ và dự kiến phiên tòa sẽ tiếp tục vào ngày 11/8 tới.
Dư luận đặt câu hỏi, việc thầy giáo cho học sinh diễn cảnh nóng kiện nhà trường do bị kỷ luật liệu... có lố?
|
Hình ảnh học sinh diễn cảnh "nhạy cảm" qua hình thức chiếu bóng. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo quy định của pháp luật, viên chức nhà nước có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội qui quy chế của nhà trường, tùy theo tính chất mức độ mà có thể bị xử lý kỷ luật hoặc phải chịu trách nhiệm pháp lý. Bởi vậy khi Ban giám hiệu và hội đồng kỷ luật của nhà trường này cho rằng thầy giáo dạy bộ môn văn học của nhà trường có hành vi vi phạm kỷ luật viên chức thì có quyền tiến hành các thủ tục để xử lý kỷ luật theo quy định.
Theo đó, hội đồng kỷ luật được thành lập và thực hiện các nhiệm vụ, sẽ có quyết định kỷ luật theo quy định. Tuy nhiên, người bị kỷ luật có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện đối với quyết định kỷ luật này.
Từ đó luật sư Cường cho rằng, trong vụ việc trên thẩm quyền ban hành quyết định kỷ luật cũng như thẩm quyền khởi kiện của các bên là dựa trên các cơ sở pháp luật nên được tòa án xem xét thụ lý giải quyết.
|
Ông Đạt tại tòa. Ảnh: Lao động. |
Luật sư Cường phân tích, trong vụ việc trên, phía nhà trường cho rằng thầy giáo này có nhiều hành vi vi phạm chứ không đơn giản chỉ là hành vi cho học sinh diễn những cảnh nhạy cảm trái với thuần phong, mỹ tục. Để xác định thầy giáo này có hành vi vi phạm nào, nhà trường có trách nhiệm thu thập các tài liệu, chứng cứ, căn cứ để viện dẫn, chứng minh. Ngược lại, thầy giáo cũng có quyền thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Đối với việc sân khấu hóa các tác phẩm văn học, đây là một hoạt động sáng tạo trong việc giảng dạy, hoạt động sáng tạo này giúp cho các tác phẩm văn học trở nên sống động, dễ mang đến những cảm xúc, đánh giá một cách chân thực, đầy đủ nhất của học sinh đối với những tác phẩm này. Hoạt động sân khấu hóa cũng sẽ là cơ hội để phát hiện những tài năng, giúp các em có sự lựa chọn nghề nghiệp, có thể có nhưng em trở thành diễn viên, nghệ sĩ thông qua các hoạt động dạy và học.
Tuy nhiên, việc sân khấu hóa các tác phẩm văn học phải đổi mới phương thức giáo dục phải trên cơ sở các quy định chung của ngành cũng như có sự kiểm tra, giám sát của ban giám hiệu nhà trường, theo kế hoạch giảng dạy của nhà trường. Trường hợp giáo viên tự ý thay đổi phương thức giảng dạy mà không có sự quản lý của ban giám hiệu, của lãnh đạo sở ngành thì đây là hành động có thể được xác định là vi phạm.
Luật sư Cường cũng cho rằng, đối với việc cho học sinh biểu diễn những hành vi nhạy cảm, vấn đề này phải được đánh giá bằng cơ quan chuyên môn, của Cục Biểu diễn nghệ thuật, của Sở VHTT mới có thể có kết luận chính xác. Bởi vậy, việc tòa án dừng phiên tòa để thu thập thêm các tài liệu chứng cớ, lấy thêm các ý kiến của các chuyên gia là cần thiết để đảm bảo việc giải quyết vụ án một cách khách quan, công bằng, đúng pháp luật.
Trước đó, tại phiên tòa xét xử ngày 13/7, thầy giáo Phạm Quốc Đạt đã đề nghị hội đồng xét xử xin ý kiến tham khảo của các cơ quan có chuyên môn, mà cụ thể là Sở Văn hóa Thể thao TPHCM hoặc Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh về những cảnh sân khấu hóa trong tác phẩm văn học mà ông Đạt cho học sinh diễn. Bản thân thầy giáo Đạt cho rằng, hội đồng chuyên môn của trường không có đủ chức năng đánh giá sai phạm của ông.
Phía ông Phạm Quốc Đạt cho rằng việc sân khấu hóa các trích đoạn trong tác phẩm văn học đã được ông thực hiện nhiều năm qua và nhận được sự hưởng ứng của học sinh. Đồng thời đại diện theo ủy quyền của ông Đạt cho rằng, việc các tác phẩm khi sân khấu hoá có vi phạm thuần phong mỹ tục, có nhạy cảm hay không cần có cơ quan chuyên môn đánh giá.
Cũng tại phiên tòa, ông Lương Văn Định, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản cho rằng, việc kỷ luật giáo viên Phạm Quốc Đạt để đảm bảo sự tôn nghiêm của nhà trường và bản thân ông nhận thấy sai phạm của ông Đạt gây hậu quả nghiêm trọng.
Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản đưa ra 2 lý do dẫn đến quyết định kỷ luật thầy giáo Đạt. Cụ thể, ông Đạt có sai phạm về công tác chuyên môn gây hậu quả nghiêm trọng và có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Còn việc ông Đạt cho học sinh đóng "cảnh nhạy cảm" chỉ là một phần trong các lý do.
Ông Lương Văn Định cho rằng, việc ông Đạt tổ chức cho học sinh diễn tác phẩm văn học có "cảnh nóng" mà không có kế hoạch, không thông qua Ban giám hiệu, gây ảnh hưởng đến tinh thần học sinh và làm phụ huynh bức xúc. Do đó, sau khi xem clip rò rỉ trên mạng, 2 phụ huynh đã đến trường bày tỏ sự bức xúc, trong nội bộ học sinh có dư luận không tốt gây ảnh hưởng đến uy tín nhà trường. Học sinh đóng trong clip học lực sa sút do khủng hoảng tâm lý.
Một điều cần nói đến, những tác phẩm văn học đã được đưa vào chương trình học phổ thông là đã có sự đồng ý, cho phép về mặt nội dung của Bộ GD&ĐT. Mọi diễn biến, tình tiết có trong câu chuyện đều có thể được giảng dạy, phân tích để học sinh hiểu về cảm xúc, về giới tính, về văn hóa, về lịch sử và các giá trị của tác phẩm văn học. Hình thức giảng dạy bằng đọc hiểu, phân tích không thể sinh động, dễ nhớ, dễ hiểu bằng các hoạt động biểu diễn trực quan.
Tuy nhiên mức độ biểu diễn có đúng với nội dung tác phẩm hay không, có thể hiện ý nghĩa, tư tưởng của tác giả hay không cần phải có sự hướng dẫn, can thiệp của giáo viên.
Nếu việc lợi dụng các tác phẩm văn học để xuyên tạc, phóng đại các hoạt động, hình ảnh, tình huống có tính chất dâm ô, đồi trụy, trái với thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng đến việc nhận thức và hình thành nhân cách của học sinh sẽ được xác định là hành vi vi phạm.
Do đó, để đánh giá vụ việc đúng hay sai, bên nào đúng, bên nào sai thì phải căn cứ vào các chứng cứ cụ thể và giá trị chứng minh của các căn cứ đó. Với những vấn đề thuộc chuyên môn của các ngành khoa học phải lấy ý kiến của chuyên gia. Theo nguyên tắc tranh tụng là bình đẳng giữa các bên chủ thể, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và nghĩa vụ thu thập chứng cứ, việc tòa án thận trọng đánh giá, thu thập các chứng cứ để làm sáng tỏ bản chất nội dung vụ án là cần thiết.
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, quá trình đổi mới giáo dục liên tục, những phương pháp giảng dạy trực quan, sinh động, những cách thức khiến học sinh cảm nhận, tiếp thu đầy đủ, trọn vẹn giá trị tác phẩm là cần thiết và cần phải khuyến khích, tuy nhiên cũng cần phải có sự quản lý của các cấp có thẩm quyền để tránh việc lạm dụng, lợi dụng để làm lệch hướng giáo dục, thậm chí phản giáo dục. Dù có thực hiện hình thức, cách thức giáo dục như thế nào cũng phải đúng hướng, không xa rời mục tiêu đào tạo con người hiện nay.
Vào năm 2019, Trường THPT Võ Trường Toản đưa ra quyết định kỷ luật đối với ông Phạm Quốc Đạt với hình thức cảnh cáo. Đồng thời, ông Đạt bị tạm đình chỉ công tác giảng dạy, công tác chủ nhiệm chuyển sang làm công tác kiêm nhiệm khác cho nhà trường. Thời gian thi hành kỷ luật là 12 tháng.
Việc ông Đạt bị kỷ luật có một phần nguyên nhân do giáo viên này do học sinh diễn kịch tái hiện cảnh "nhạy cảm" trong một số tác phẩm như "Quan âm Thị Kính", "Bỉ vỏ", "Xuân tóc đỏ"... bằng hình thức chiếu bóng. Trong quá trình sân khấu hóa tác phẩm dài 15 phút, các em đứng sau tấm màn để diễn tả hành động và truyền tải đến người xem cảnh "nhạy cảm" giữa nhân vật Xuân tóc đỏ và cô Tuyết, Thị Mầu và gia nô, cảnh Tám Bính bị hãm hiếp nhờ vào hiệu ứng ánh sáng.
Không đồng tình với quyết định kỷ luật, ông Phạm Quốc Đạt khởi kiện Trường THPT Võ Trường Toản.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thầy giáo sàm sỡ học sinh chuyển sang làm hành chính
Tâm Đức