Từ ngày 12/4, TAND TP Hà Nội đưa vụ thất thoát hơn 830 tỷ đồng xảy ra tại TISCO ra xét xử. HĐXX nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào chiều 20/4.
Theo cáo buộc, tính đến ngày 31/12/2018, TISCO đã chi cho dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2- Công ty gang thép Thái Nguyên 4.423 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn vốn của chủ đầu tư 1.335 tỷ đồng; vốn vay Ngân hàng VDB Chi nhánh Bắc Kạn-Thái Nguyên 1.404 tỷ đồng và Ngân hàng Vietinbank Hà Nội 1.684 tỷ đồng.
TISCO trả lãi cho các ngân hàng từ khi hợp đồng EPC số 01# chậm tiến độ (từ ngày 31/5/2011) đến khi khởi tố vụ án là hơn 830 tỷ đồng.
|
Các bị cáo tại tòa. |
Cáo buộc cho rằng, các cá nhân có liên quan thuộc TISCO và VNS biết Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) vi phạm trong việc thực hiện hợp đồng và có văn bản đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, tăng giá hợp đồng, tách phần C của Hợp đồng EPC số 01# không có căn cứ.
Nhưng các bị cáo đã không xem xét dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, báo cáo người có thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu và tổ chức đấu thầu lại theo quy định để đảm bảo hiệu quả và tiến độ của dự án.
Các bị cáo đã thực hiện các hành vi phạm pháp luật về đầu tư, đẩy TISCO vào thế bất lợi khi nhà thầu phụ không hoàn thành phần C cũng không ràng buộc được trách nhiệm của MCC, tạo điều kiện để MCC có lý do chối bỏ trách nhiệm thực hiện hợp đồng EPC số 01#.
Do việc điều chỉnh tăng giá phần C, thực hiện phần C của hợp đồng EPC số 01# theo hình thức hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh trái quy định và việc chấp thuận VINAINCON không đủ năng lực để thực hiện phần C, dẫn đến việc thực hiện hợp đồng chậm tiến độ, làm phát sinh tăng chi phí đầu tư, chi phí lãi vay.
Vì vậy, VNS, TISCO đã phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 3.834 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng.
Hậu quả thiệt hại của vụ án được xác định là số tiền lãi suất thực tế mà TISCO đã phải trả cho các ngân hàng kể từ khi dự án chậm tiến độ (từ ngày 31/5/2011) đến thời điểm khởi tố vụ án là hơn 830 tỷ đồng.
TISCO không cần bồi thường hơn 830 tỷ đồng?
Trong phần luận tội, ngoài mức án đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo, đại diện VKS đề nghị HĐXX buộc 19 bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền thiệt hại hơn 830 tỷ đồng.
Tại tòa, khi được hỏi, đại diện TISCO cho hay, không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, cũng không yêu cầu 19 bị cáo bồi thường 830 tỷ đồng.
Về thiệt hại, đại diện VNS cho biết, hoàn toàn tôn trọng ý kiến của TISCO trong vấn đề bồi thường dân sự.
Trước ý kiến của đại diện TISCO về phần bồi thường thiệt hại, thẩm phán Trương Việt Toàn lên tiếng: TISCO là công ty cổ phần, trong đó vốn chủ sở hữu Nhà nước chiếm 68%.
Do vậy, thiệt hại này là thiệt hại của Nhà nước, thiệt hại tiền thuế của dân. Việc TISCO đồng ý hay không đồng ý với phần bồi thường thiệt hại, trong trường hợp này không có ý nghĩa.
Theo vị thẩm phán, vấn đề đơn đề nghị bồi thường thiệt hại chỉ là thủ tục, còn nội dung thiệt hại đã hình thành trước khi TISCO có đơn.
Thẩm phán Trương Việt Tòa đặt câu hỏi đối với đại diện TISCO: “Trước khi đưa ra quan điểm về việc TISCO không có đơn yêu cầu bồi thường, chủ trương này đã được thông qua HĐQT chưa?"
Sau khi đại diện TISCO trả lời : “Chưa”, vị thẩm phán cho rằng: Theo luật doanh nghiệp, những quyết định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cổ phần đều phải được thông qua HĐQT.
Vị thẩm phán tiếp tục đặt câu hỏi: "Đây là một số tiền rất lớn, lý do gì chưa thông qua HĐQT mà người đại diện TISCO đã đưa ra quan điểm?"
Đại diện TISCO đáp: "Trong phạm vi uỷ quyền, tôi chỉ biết thưa như vậy. Còn lý do chúng tôi sẽ trình bày bằng văn bản".
Theo T.Nhung/Vietnamnet