Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đang tạm giữ hình sự Vũ Tuấn Dũng (38 tuổi, trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) và Đặng Trần Đức (46 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) để làm rõ, xử lý hành vi tàng trữ vũ khí và cố ý gây thương tích.
Trước đó, ngày 5/5, anh P.V.T. (quê tại Hà Tĩnh) đi ngang qua đường Nguyễn Thị Định (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), bất ngờ bị trúng đạn vào vùng cổ, được người dân đưa đi cấp cứu, đồng thời trình báo sự việc tới cơ quan chức năng. Kết quả giám định thương tích của anh T. là 14%.
Quá trình điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự đã làm rõ và bắt giữ Dũng và Đức - 2 đối tượng thực hiện hành vi dùng súng hơi bắn đạn chì vào người đi đường từ tầng 14, Chung cư 17T10 đường Nguyễn Thị Định dẫn đến thương tích cho a T. và một số người đi đường.
|
Dũng và Đức tại cơ quan công an. |
Đáng chú ý, Dũng và Đức có cùng sở thích bắn chim, nhưng bắn chim mãi cũng chán, hai đối tượng đã chuyển sang bắn người đi đường từ trên chung cư cao tầng. Bất kể lúc nào hứng lên, các đối tượng đứng trên tầng cao của chung cư, chĩa súng hơi nhằm vào người đi đường phía dưới và nổ súng coi như là trò chơi tiêu khiển.
Từ tháng 2/2020 đến nay, Dũng đã bắn khoảng 80 viên đạn xuống dưới đường và không ít người đi đường đã bị trúng đạn vào quần áo sau đó họ đều bỏ đi. Đến 10h ngày 6/5, sau khi bắn súng trúng vào một nam thanh niên, Dũng phát hiện có lực lượng Công an xuống làm việc, truy tìm người bắn súng nên đã bỏ trốn và nhờ Đức đến nhà lấy khẩu súng hơi để tháo rời, mang đi cất giấu.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết, theo khoản 3 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nêu rõ: “Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này”.
Khoản 2 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định về những hành vi bị nghiêm cấm cũng nêu rõ “Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ.”
Do đó, hành vi tàng trữ, sử dụng súng hơi của hai đối tượng Vũ Tuấn Dũng và Đặng Trần Đức là hành vi trái quy định của pháp luật.
|
Luật sư Hoàng Tùng. |
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, hành vi của Vũ Tuấn Dũng có dấu hiệu của 2 tội danh gồm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo điều 304, Bộ luật Hình sự 2015 và tội Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo điều 134.
Theo đối, với tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự mức án phạt từ từ 1 năm đến 7 năm và tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và cao nhất là 6 năm tù.
Đối với hành vi của Đặng Trần Đức, luật sư Hoàng Tùng cho rằng, cần điều tra làm rõ thêm để xác định Đức có cùng Dũng thực hiện hành vi cố ý gây thương tích cho các nạn nhân hay không? Đức có đầy đủ dấu hiệu là đồng phạm với Dũng trong hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ ký quân dụng.
“Vũ khí quân dụng như súng (bao gồm cả súng tự chế, súng hơi) được quản lý rất nghiêm nghặt. Mọi cá nhân, tổ chức nếu không được cấp phép theo quy định thì sẽ không được tàng trữ, sử dụng súng. Bởi súng là loại vũ khí có tính sát thương lớn, mạnh và nhanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và dễ tước đi tính mạng của người khác. Do đó, các cơ quan chức năng cần thắt chặt hơn các công tác kiểm tra, quản lý vũ khí quân dụng. Hơn nữa cần phải tiến hành tuyên truyền, giáo dục về vấn đề này” – luật sư Hoàng Tùng nêu ý kiến thêm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Dùng súng hơi hỏng, cha liều mình "dọa trộm" cứu con
Tâm Đức