Quyết định quá thẩm quyền?
Cụ thể, Quyết định 616/QĐ-UBND ngày 02/3/2011, “về việc thu hồi đất, cho phép chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp và đất rừng sang đất phi nông nghiệp tại xã Quảng Lợi huyện Quảng Xương” do Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - Nguyễn Đức Quyền ký đã giao cho công ty TNHH SoTo thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Dự án đô thị du lịch biển Tiên Trang.
Quyết định nêu rõ: “Cho phép SoTo chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích chuyển đổi 425.604m2 do SoTo chuyển nhượng từ cá nhân, và 23.027m2 thu hồi từ UBND xã quản lý”.
Như vậy, quyết định trên đã đồng ý cho công ty SoTo chuyển đổi hơn 40 ha rừng phòng hộ ven biển để làm du lịch.
|
Rừng phòng hộ ven biển Quảng Xương được PV chụp tháng 11/2018, nhưng tỉnh Thanh Hóa lại cho rằng trên địa bàn không còn rừng phòng hộ bằng văn bản 3230. |
Dư luận Thanh Hóa cho rằng, đây là một quyết định vượt quá thẩm quyền của tỉnh. Bởi lẽ, theo Luật đất đai 2013, về điều kiện thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất (quy định tại Điều 58) về chuyển mục đích rừng phòng hộ dưới 20 ha do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định. Còn diện tích trên 20 ha trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Ở đây, diện tích mà tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho công ty chuyển đổi là hơn 40 ha, như vậy là gấp đôi so với quy định pháp luật. Vậy, việc chuyển đổi này đã có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ chưa?
Trở lại với vụ việc, sau khi dư luận tỉnh nhà đặt ra nghi vấn về việc tỉnh ban hành quyết định không đúng thẩm quyền. Liên tiếp sau đó là những văn bản "bất thường" khác được Thanh Hóa ban hành. Mà những nội dung văn bản được cho nhằm hợp thức hóa việc "xóa rừng phòng hộ để làm du lịch" và chữa cháy cho Quyết định 616 nghi ngờ ban hành trái thẩm quyền.
Cụ thể, sau QĐ 616, ngày 29/8/2017, cũng chính Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa - Nguyễn Đức Quyền ký tiếp Quyết định số 3230/ QĐ-UBND (phê duyệt Quy hoạch 3 loại rừng ở tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 -2025) xóa sổ gần 300 ha rừng phòng hộ ven biển đang tồn tại của huyện Quảng Xương.
Gần 1 năm sau khi ký văn bản 3230, ngày 14/5/2018, ông Nguyễn Đức Quyền tiếp tục ký ban hành Quyết định số 1756/QĐ-UBND về việc Phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế và chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích xây dựng Đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang, huyện Quảng Xương.
Ngày 2/8/2018, ông Nguyễn Đức Quyền lại ký tiếp Quyết định số 2926, “về việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án”(đợt 1) cho công ty TNHH SoTo".
|
Quyết định 2926 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền ký ngày 2/8/2018 |
Liên tiếp những văn bản được Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa ban hành 1 cách có trình tự, lộ trình khiến dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi: Liệu Thanh Hóa có đang "lách luật" để hợp thức hóa cho 1 quyết định sai?
Cụ thể, Thanh Hóa ban hành quyết định 616 về việc giao đất rừng phòng hộ cho doanh nghiệp được cho là trái thẩm quyền. Để chữa cháy cho quyết định này, quyết định 3230 ra đời, xóa toàn bộ diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn Quảng Xương. Như vậy, có nghĩa là Quảng Xương không còn rừng phòng hộ. Tiếp đến, văn bản 1756 ban hành để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây khu đô thị sinh thái ven biển. Chốt hạ là việc ban hành quyết định 2926 về việc giao đất cho công ty SoTo làm dự án.
Như vậy, bằng việc xóa rừng phòng hộ, đồng nghĩa với việc quyết định 616 "không còn giá trị", và Thanh Hóa giao rừng cho doanh nghiệp làm dự án không phải là rừng phòng hộ. Có thể thấy đây là 1 vòng tròn khép kín, rất đúng lộ trình.
Tuy nhiên, nó vấp phải sự phản ứng của dư luận địa phương. Bởi lẽ, thực tế hiện nay rừng phòng hộ ven biển Quảng Xương còn rất nhiều. Việc xóa rừng phòng hộ bằng văn bản của Thanh Hóa khiến người dân vô cùng bức xúc.
Câu trả lời cụ thể, Kiến Thức đang chờ tỉnh Thanh Hóa cung cấp bằng văn bản và có câu trả lời chính thức về các nghi vấn mà người dân đặt dấu hỏi (?!)
Dân kêu trời vì rừng bị phá và doanh nghiệp “hành”.
Sau Quyết định số 616/QĐ-UBND “về việc thu hồi đất, cho phép chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp và đất rừng sang đất phi nông nghiệp tại xã Quảng Lợi huyện Quảng Xương”, quyết định này chỉ về việc chuyển đổi, giao đất để Cty SoTo xây dựng hạ tầng thực hiện dự án đô thị du lịch biển Tiên Trang.
Ngay sau đó, trong quá trình giải phóng mặt bằng, Cty SoTo đã tự ý bố trí tái định cư cho các hộ dân trên đất chưa có quy hoạch đất ở, có những hộ đã giao đất nhưng đến nay chưa nhận được đất tái định cư.
Và sau 10 năm kể từ khi dự án được duyệt, tất cả chỉ là viễn cảnh nằm trên giấy. Nơi đây mới chỉ có một khu quảng trường với vài ba hạng mục xây dựng còn dang dở, cỏ mọc um tùm và một số điểm kinh doanh dịch vụ tự phát, các bãi tắm chưa được quản lý, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo…
Ông Lê Văn Viện, thôn Tiên Thắng, xã Quảng Lợi bức xúc: "Từ ngày dự án về chưa giúp dân được gì, trái lại chỉ toàn làm khổ người dân. Đường xá hư hỏng, bụi mù, rừng phòng hộ chắn cát, chắn sóng bao đời này bị chặt bỏ, tài nguyên cát thì bị họ cho máy múc khai thác vận chuyển ngày đêm... người dân chúng tôi sinh sống ở đây đã không còn thấy an toàn khi mỗi mùa mưa bão về."
“Nếu trước đây người dân 3 thôn như Tiên Phong, Hồng Phong, Tiên Thắng có 8 con đường dân sinh phục vụ việc đi lại ra biển để đánh bắt cá thì đến nay chỉ còn duy nhất một con đường do chính người dân đấu tranh mãi mới giữ lại được. Phía Công ty họ đào hố, làm đường, chặn hết lối đi không cho người dân qua lại làm ăn. Nếu con đường duy nhất còn lại cũng bị lấy đi thì không biết người dân chúng tôi làm thế nào để đi ra biển làm ăn đây”, Ông Lê Xuân Từ, xã Quảng lợi cho hay.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin phản ánh "Thanh Hóa xóa sổ rừng phòng hộ làm dự án du lịch".
Minh Hải