Thanh Hóa: Dân khốn khổ vì tỉnh lộ 515 xuống cấp trầm trọng

Google News

Sự xuống cấp của đường tỉnh lộ 515 không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống sinh hoạt của người dân Thanh Hóa mà còn tiềm ẩn mất an toàn giao thông.

Đường bị “cày nát” bởi xe quá tải
Phải khó khăn lắm chúng tôi mới có thể di chuyển hết được tuyến đường dài chưa đầy 12km từ Ba Chè đi các xã Thiệu Đô, Thiệu Vận, Thiệu Chính, Thiệu Tâm, Thiệu Toán (hay còn gọi tỉnh lộ 515) bởi sự xuống cấp nghiêm trọng của tuyến đường này khiến cuộc sống người dân Thanh Hóa gặp khó khăn trong đi lại.
Nhiều ổ trâu, ổ voi, mặt đường không còn lớp nhựa, lớp đá mạt mới đổ cũng bị bong tróc, hai bên lề đường nham nhở những vết đào rãnh thoát nước, có nhiều cống thoát nước lắp đặt sơ sài. Các phương tiện di chuyển qua đây đều phải luồn lách trên những sống trâu, bên dưới là vũng nước; đặc biệt tại thôn Dân Vượng, xã Thiệu Chính nhiều điểm tuyến vốn là bờ kè của kênh Nam cũng bị sụt lún, đổ vỡ…
Tỉnh lộ 515 xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Văn Thanh
Ông Thiều Đình Thành (thôn 2 xã Thiệu Vận, huyện Thiệu Hoá) cho biết, năm 2013, con đường này được nâng cấp 1 lần, người dân rất kỳ vọng về lần nâng cấp trên, song con đường đưa vào sử dụng chưa được 1 năm thì đã bị xuống cấp. Ngày nắng nóng thì bụi mù mịt người dân kinh doanh hai bên đường không dám mở cửa, kinh doanh thất thu. Trái lại, mỗi khi mưa xuống con đường lại trở nên sình lầy và nguy hiểm hơn. Những ổ trâu, ổ voi liên tiếp như mạng nhện giăng bẫy trên đường. Nhiều chỗ không có rãnh, cống thoát nước thì ngập ngụa, bùn trên đường bị ứ đọng, tạo thành những cái “ao nhỏ” có đường kính khoảng 1 - 2 m, có chỗ 3 - 5 m, độ sâu 10 - 30 cm, khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn, các cháu học sinh đi học vô cùng vất vả.
Ông Thành kể: Năm 2015, đơn vị thi công có về đào cống rãnh thoát nước 2 bên đường (độ sâu 60 - 70 cm; rộng 70 - 80 cm) với mục đích tiêu thoát nước trên tuyến tỉnh lộ, tiến tới nâng cấp toàn bộ tuyến đường nhưng đơn vị này làm được nửa chừng lại bỏ đấy, nhiều chỗ cống thoát nước được lắp đặt một cách sơ sài.
Ông Thành cũng như người dân trong xã bức xúc hỏi thì đơn vị thi công hứa hẹn với bà con là chờ đến tháng 3/2016 sẽ tiếp tục làm cống và rãnh thoát nước, rồi lại đến tháng 7, nay gần hết tháng 8 vẫn không thấy ai làm. Nhiều hộ gia đình thấy bất tiện trong việc đi lại, buôn bán hàng hoá nên đã mua đất về lấp các rãnh nước.
Theo người dân, nguyên nhân dẫn đến tuyến đường này bị xuống cấp do tình trạng xe quá khổ, quá tải chạy thường xuyên, chủ yếu là xe chở vật liệu xây dựng như cát, đá,…
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi theo lốt những chiếc xe vận tải chở vật liệu xây dựng đến địa phận xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hoá.
Được biết, kể từ khi UBND tỉnh Thanh Hoá cấp phép hoạt động mỏ cát số 15 và các bến bãi tập kết cát “khổng lồ” tại đây thì tình trạng xe quá khổ quá tải hoạt động thường xuyên.
Ghi nhận của PV, chỉ trong vài chục phút, hàng chục lượt xe 2 cầu, trọng tải cả chục tấn lũ lượt chạy về xuôi. Xe chạy gần thì không che chắn bạt, cát nước đổ vương vãi khắp mặt đường, xe lớn thì đắp vượt thùng xe từ 50 - 70 cm.
Một người dân thôn Toán Phúc, xã Thiệu Toán bức xúc: “Dân chúng tôi kêu nhiều nhưng không thấy đơn vị nào xử lý. Quá bức xúc, nhiều lần chúng tôi đã lao ra đường ngăn xe quá tải. Sau đó, chính quyền xã cho lực lượng công an xuống giải quyết, làm việc với các doanh nghiệp, yêu cầu họ chở đúng tải trọng, đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ lấp đổ đất đá những ổ voi, ổ trâu vài xe đất một cách qua loa rồi thôi”.
Theo phản ánh của người dân, tại xã này cũng tồn tại những bến bãi tập kết cát trái phép (hộ gia đình Hoà Thanh) là nguyên nhân chính lý giải vì sao tình trạng xe quá khổ, quá tải lại thường xuyên, liên tục và chạy nhiều như vậy trên tuyến tỉnh lộ này!. “Xe chạy liên tục như vậy “đường giời” cũng hỏng chứ nói gì tới đường nhựa! Cấp phép hoạt động thì dân không phản đối, song hoạt động mà làm nát đường dân sinh, đường tỉnh lộ; làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khoẻ người dân thì chúng tôi không đồng tình” - một người dân cho biết.
Ông Trịnh Tiến Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Toán thừa nhận, bãi tập kết kinh doanh cát của hộ gia đình Hoà Thanh là chưa phép. Đồng thời cho rằng, nguyên nhân tuyến đường tỉnh lộ 515 xuống cấp chính là do tình trạng xe quá khổ, quá tải hoành hành. Cũng bởi tình trạng đường xuống cấp, tuyến xe buýt 09 vì thế ngừng hoạt động, học sinh đến trường cùng lưu thông với xe trọng tải lớn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn. Trước những bất cập về tình trạng xe quá tải, huyện Thiệu Hoá đã cho các cấp ngành chức năng xuống đóng, chôn cột hạ tải tại các điểm tuyến trên tỉnh lộ 515, và các điểm vào ra bãi cát, mỏ cát… Mặc dù đã giảm được lượng lớn xe 3, 4 cầu nhưng đối với xe 2 cầu, xe trọng tải 12 tấn vẫn được phép lưu thông nên… đường vẫn xuống cấp!
Ngày 27/5/2016, UBND tỉnh Thanh Hoá đã có Quyết định số 1809 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa đường tỉnh lộ lộ 515 đoạn Ba Chè - Thiệu Toán, huyện Thiệu Hoá với chiều dài 11,6km, chủ đầu tư là UBND huyện Thiệu Hoá, quy mô đường cấp IV đồng bằng, tổng mức đầu tư 20.127.898.000 đồng từ nguồn vốn quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cấp bổ sung về Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh Thanh Hoá.
Nếu địa phương và các cấp ngành chức năng không giải quyết được tình trạng xe quá khổ, quá tải, với số tiền ít ỏi trên liệu có giải quyết được những bất cập lâu nay trên tuyến tỉnh lộ này hay chỉ như “muối bỏ bể”?
Theo Văn Thanh/Thanh Tra