|
Một "thánh chửi" đang chửi con nợ để đòi tiền cho app cho vay nặng lãi. Ảnh cắt từ clip.
|
Lực lượng truy bức các con nợ được các app cho vay nặng lãi khoác cho cái tên nghe đầy chuyên môn là “bộ phận thu hồi nợ”. Tuy nhiên, những người làm ở bộ phận này lại không cần chuyên môn gì khác ngoài việc chửi giỏi, chửi bạo, chửi tục tằn càng dữ tợn, càng lên gân đe dọa càng tốt miễn sao khiến các con nợ, người thân và bạn bè của họ phải chịu áp lực tối đa, để cuối cùng phải trả nợ.
Từ vụ án app tín dụng đen cho vay nặng lãi bị cơ quan công an triệt phá tại quận Bình Tân (TPHCM) cho thấy, app cho vay nặng lãi “nuôi” bộ phận “thánh chửi” để đòi nợ lên đến 30 người, hầu hết là nam nữ thanh niên, chấp nhận làm nghề “chửi thuê” với mức lương 6 triệu đồng/tháng.
Không thể nói rằng những nam nữ thanh niên này không biết hoặc không hiểu là họ đang làm việc cho một tổ chức có những hoạt động vi phạm pháp luật. Bởi người vay khi trễ hạn trả nợ phải chịu mức phạt rất nặng, tính chung một tháng cả lãi và tiền phạt lên đến 90%.
Khi nhiều người vay không trả nổi khoản nợ với mức lãi suất “cắt cổ” như thế, các “thánh chửi” được đưa vào cuộc để chửi bới, đe dọa, truy bức con nợ. Không có pháp luật nào chấp nhận việc đòi nợ bằng cách xúc phạm, bôi xấu, đe dọa… người khác như thế cả, trong đó có rất nhiều người không phải là con nợ cũng bị vạ lây.
Các “thánh chửi” làm thuê cho những app cho vay nặng lãi, đánh đổi lương tâm với đồng lương còm, bất chấp một công việc không đàng hoàng, thậm chí vi phạm pháp luật.
Trên thực tế, những thanh niên này nếu chịu khó, hoàn toàn có thể tìm được những công việc lương thiện có mức lương cao hơn và được xã hội tôn trọng. Nhưng họ đã không chọn con đường lương thiện mà đại đa số giới trẻ hiện nay trong xã hội lựa chọn. Làm “thánh chửi” đòi nợ thuê, bán nước bọt, bán giọng, bán cả lương tâm, tự hài lòng với một công việc “nhẹ nhàng” mà không biết rằng công việc đó đang bị xã hội lên án.
Các app tín dụng đen cho vay nặng lãi gần đây còn gây nên tội ác khi một số người bị lãi suất “cắt cổ” không thể trả nổi, bị truy bức đến khủng hoảng tâm lí, cuối cùng tự tìm đến cái chết để giải thoát. Trong những sự truy bức, không thể nói rằng không có dính dáng đến các “thánh chửi” đòi nợ.
Theo Thế Lâm/ Lao Động