"Đi cao tốc từ Dầu Giây về Bình Thuận, thấy bụi cây nào rậm rạp là tấp lại liền", một tài xế xe khách chia sẻ về tình trạng phóng uế "bất đắc dĩ" của hành khách trên tuyến cao tốc qua Bình Thuận.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo có tổng chiều dài 200km, là tuyến đường mới giúp việc đi lại của người dân từ TPHCM về Bình Thuận trong dịp Tết Nguyên đán 2024 được thuận lợi.
Tuy nhiên, hành khách phải trải qua quãng đường 3 tiếng ngồi xe không gặp trạm dừng nghỉ nào.
Nạn nhân của việc cao tốc thiêu trạm dừng nghỉ
Những người trải nghiệm 200km cao tốc này cho biết họ đã phải dừng ở lề đường, chui vào bụi cây để "giải quyết nỗi buồn". Các dải dừng xe khẩn cấp cũng xuất hiện cảnh phóng uế, mất vệ sinh.
215km là khoảng cách từ trạm dừng nghỉ cuối tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tới Vĩnh Hảo, Bình Thuận (Ảnh: Google Maps).
Nạn nhân của việc cao tốc thiếu trạm dừng nghỉ chủ yếu là hành khách từ TPHCM về các tỉnh phía bắc Bình Thuận (Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong...). Từ trạm dừng nghỉ cuối cùng tại Dầu Giây, họ phải vượt qua 99km của tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và 100km của tuyến Phan Thiết - Vĩnh Hảo mà không gặp trạm dừng nghỉ.
Biết phía trước là một hành trình dài, nhiều tài xế khi cho khách dừng nghỉ tại trạm dừng nghỉ Dầu Giây đã động viên mọi người "xả hết nước" trước khi lên xe về Bình Thuận. Tuy nhiên, quãng đường 200km phía trước vẫn quá sức chịu đựng của nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ nhỏ.
Trong hoàn cảnh bi hài trên, một chiếc thang sắt bắc qua hàng rào cao tốc, dẫn tới một quán cóc ven đường có nhà vệ sinh đã trở thành "cứu tinh" của nhiều người.
Cây cầu sắt bắc qua hàng rào cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo được xây dựng trái phép, nhưng giúp cho người tiếp cận được chỗ đi vệ sinh (Ảnh: NVCC).
Các tài xế sẽ tấp xe vào bãi đất trống, nơi có chiếc thang sắt chờ sẵn. Chiếc thang được thiết kế hình tam giác giúp hành khách vượt qua hàng rào thép gai của đường cao tốc. Họ ghé vào một quán cóc, đi vệ sinh và nghỉ ngơi, giải khát.
Người làm ra cây cầu đã tạo một thiết kế ròng rọc kéo để nâng cất phần bậc thang nối vào đường cao tốc. Khi bậc thang được kéo lên, chiếc cầu lại trở thành một khối sắt nằm bên ngoài hàng rào, không xâm phạm đường cao tốc.
Anh Lê Thượng Tiến, người chia sẻ bức ảnh cây cầu thang, cho biết ảnh được chụp vào ngày 28 Tết, khi dòng người từ TPHCM đổ về quê ăn Tết. Công trình "éo le" này nằm tại địa bàn xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, phía chiều đường từ TPHCM đi Cam Lâm.
Băng qua cây cầu, người dân ghé vào một cửa hàng có nhà vệ sinh (Ảnh cắt từ clip).
Chiếc thang tấp nập người dùng dù về mặt pháp lý nó là một công trình trái phép và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Khi chia sẻ bức ảnh, chính anh Tiến cũng lo ngại cơ quan chức năng sẽ dẹp cây cầu, khiến hành khách mất nơi đi vệ sinh và chủ quán mất kế sinh nhai.
Hệ lụy từ sự chậm trễ
Việc chậm xây trạm dừng nghỉ trên cao tốc là vấn đề nóng được các đại biểu Quốc hội chất vấn trong năm 2023. Không chỉ riêng đoạn cao tốc từ Đồng Nai đi Bình Thuận, tình trạng thiếu trạm dừng nghỉ còn xuất hiện ở đoạn cao tốc dài 170km từ Ninh Bình đi Nghệ An.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng thừa nhận tồn tại này, mong người dân thông cảm và khẳng định đang "chạy đua" để đầu tư hoàn thiện.
Trạm dừng nghỉ cao tốc là nơi hành khách đi vệ sinh, nghỉ ngơi, giải khát, nạp nhiên liệu cho phương tiện... (Ảnh: Phước Tuần).
Tuy nhiên, đầu tư trạm dừng nghỉ theo quy hoạch là việc mất cả năm để hoàn thành, trong khi nhu cầu "đi vệ sinh" của hành khách không thể chờ. Việc không có một giải pháp tình thế trong lúc chờ xây trạm dừng nghỉ đã kéo theo nhiều hệ lụy.
Nói về cây cầu sắt do người dân tự chế để leo qua hàng rào cao tốc, ông Nguyễn Thái Hà, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 7, khẳng định đó là công trình sai phép và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm gỡ bỏ.
Khi phóng viên hỏi về phương án xây dựng một nhà vệ sinh tạm trên tuyến, vị đại diện chủ đầu tư cao tốc này lắc đầu, khẳng định họ không có cơ chế nào để làm như vậy.
Trước đó, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận từng trao đổi với PMU 7 về việc dựng tạm một nhà vệ sinh dọc đường cho người dân. Tuy nhiên, khi nói chuyện ai sẽ quản lý vận hành, kinh phí từ đâu để thực hiện, đảm bảo an toàn thế nào..., các bên không thể thống nhất.
Lãnh đạo PMU 7 cho biết họ chỉ có thể chờ Cục Đường cao tốc Việt Nam hoàn thành đầu tư 2 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo. Thời gian hoàn thành có thể cuối năm nay hoặc qua năm sau.
(Đồ họa: Ngà Trịnh).
Theo quy hoạch, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có một trạm dừng nghỉ đặt tại điểm giáp ranh giữa Đồng Nai và Bình Thuận, tổng mức đầu tư 291,8 tỷ đồng. Cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo sẽ có 2 trạm dừng nghỉ tại xã Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) và xã Phong Phú (Tuy Phong, Bình Thuận). Bộ GTVT chủ trương kêu gọi nhà đầu tư xây dựng và vận hành các trạm này theo phương thức PPP.
Lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết sau khi công bố danh mục kêu gọi đầu tư 8 trạm dừng nghỉ thuộc 7 tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông (gồm cả đoạn qua Bình Thuận), nhiều doanh nghiệp đã quan tâm, gửi hồ sơ.
Tuy nhiên, quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và khởi công xây dựng vẫn còn ở phía trước. Cục Đường cao tốc chưa xác định được thời điểm đưa các trạm này vào hoạt động.
Trong thời gian chờ đợi, chiếc thang tự chế trên cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo vẫn là "cứu tinh" của lữ khách qua đường.
Theo Ngọc Tân/ Dân Trí