Mới đây, Công an thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) đã triệu tập khẩn cấp mẹ con bà Nguyễn Thị Vĩnh (số 50 đường Trần Phú, phường Liên Bảo) để điều tra làm rõ hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan, khám chữa bệnh trái phép.
Bà Nguyễn Thị Vĩnh tự xưng là thầy y, tự ý đã in danh thiếp, đăng tải các thông tin chuyên bắt tà ma, gọi vong, chữa bệnh ung thư, vô sinh, COVID... lên mạng xã hội để dụ dỗ người dân đến gọi hồn, khám chữa bệnh nhằm thu lợi bất chính.
|
Mẹ con bà Vĩnh chữa bệnh trái phép bằng phương pháp quái dị như ợ khí, nhổ nước bọt. Ảnh: VTV |
Theo tìm hiểu của một số cơ quan báo chí, bà Vĩnh đã chữa bệnh bằng phương pháp quái đản như ợ khí, nhổ nước bọt, bóp cổ bệnh nhân. Người bệnh muốn chữa phải đặt một khoản tiền không hề nhỏ lên bàn thờ làm lễ. Đáng chú ý, dù là mê tín dị đoan, chữa bệnh trái phép, trục lợi bất chính nhưng số lượng người đến khám tại cơ sở trái phép này ngày 1 đông.
Tại cơ quan công an, bà Vĩnh khai nhận, bà đã in danh thiếp, đăng tải các thông tin chuyên bắt tà ma, gọi vong, chữa bệnh... lên mạng xã hội. Những người đến gọi hồn sẽ phải trả 200.000 - 300.000 đồng/lần, chữa bệnh dạng ợ khí (ợ hơi) 200.000 đồng/lần, dạng phải nhổ nước bọt 500.000 đồng/lần, dạng tắc cổ, ho hoặc nôn 1 triệu đồng/lần. Đặc biệt bà Vĩnh còn quảng cáo chữa được cả bệnh COVID-19 với giá 3 - 4 triệu đồng trong vòng 10 ngày.
|
Danh thiếp bà Vĩnh tự in để đi quảng cáo, lừa bịp người dân đến khám, chữa bệnh. |
Ông Trần Hồng Trường - Trưởng Công an TP Vĩnh Yên ( Vĩnh Phúc) khi trao đổi với báo chí cho biết, cơ quan công an chưa phát hiện người dân nào bị lừa và hiện đã xác định được 2 hành vi sai phạm của bà Vĩnh gồm hành nghề mê di tín dị đoan và đăng tải các thông tin sai trái trên mạng xã hội để quảng cáo, hành nghề. Đồng thời, cơ quan chức năng đã yêu cầu đóng cửa cơ sở này và tiếp tục điều tra xác minh những hành vi sai phạm để xử lý theo quy định.
|
Mẹ con bà Vĩnh bị cơ quan công an triệu tập. Ảnh: VTV |
Dư luận đặt câu hỏi, nếu tuyên truyền mê tín dị đoan, chữa bệnh trái phép nhằm lừa đảo, trục lợi bất chính, bà Vĩnh sẽ bị xử lý như thế nào?
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi của bà Vĩnh có dấu hiệu vi phạm quy định về khám chữa bệnh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa dối khách hàng. Do đó, cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý là cần thiết, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Nói về hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan, khám chữa bệnh trái phép của bà Nguyễn Thị Vĩnh, luật sư Cường cho rằng, các hoạt động khám chữa bệnh bằng cách bóp cổ, ợ khí, nhổ nước bọt, gọi hồn, giải vong nghiệp đều là phản khoa học. Thực tế không có chuyện chữa bệnh như vậy mà có thể khỏi bệnh nan y, ung thư, COVID-19 như “thầy đồng” này tự quảng cáo.
Theo quy định của pháp luật, đối với những đối tượng thực hiện hoạt động khám chữa bệnh không đúng quy định pháp luật hoặc không có giấy phép mà gây hậu quả thương tích nghiêm trọng hoặc chết người sẽ xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh. Đối tượng vi phạm còn có thể bị phạt tiền, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trường hợp, đưa ra những thông tin gian dối về công dụng của thuốc hoặc gian dối về khả năng chữa bệnh, gian dối trong việc cân, đo, đong, đếm mà chiếm đoạt của người bệnh từ 5.000.000 đồng trở lên sẽ xử lý hình sự về tội lừa dối khách hàng.
Đối với các đối tượng tung những thông tin nhảm nhí, mê tín dị đoan để thực hiện hoạt động khám chữa bệnh nhằm chiếm đoạt tiền của người khác cũng có thể xử lý hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan theo điều 320 Bộ luật hình sự 2015. Hành vi đưa những thông tin trái phép, gian dối, giả mạo trên không gian mạng còn có thể bị xử lý hình sự theo điều 288 bộ luật hình sự năm 2015.
Trường hợp có các hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác, thông thường với số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Bởi vậy, trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ điều kiện khám chữa bệnh, khả năng khám chữa bệnh, làm rõ hành vi, thủ đoạn, làm rõ số tiền chiếm đoạt của các đối tượng này để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội danh nào sẽ xử lý về tội danh đó.
Theo luật sư Cường, hoạt động khám chữa bệnh là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, chưa bao giờ hoạt động khám chữa bệnh lại nở rộ trên không gian mạng như hiện nay. Trên các kênh Youtube, Facebook liên tục có những quảng cáo về chữa các bệnh xương khớp, đau dạ dày, thậm chí các bệnh nan y, ung thư cũng có những thầy lang, thậm chí xưng danh là “thần y” có thể chữa khỏi, cam kết chữa khỏi 100% khiến cho người dân hoang mang, không biết đâu là hư, đâu là thực.
Hoạt động khám chữa bệnh ảnh hưởng đến an ninh sức khỏe, đến tính mạng của nhiều người dân. Hoạt động khám chữa bệnh đòi hỏi y đức rất cao, người thực hiện hoạt động khám chữa bệnh phải có chuyên môn trình độ phù hợp và phải được rèn luyện về đạo đức nghề nghiệp.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Trong khi đó, những đối tượng hám lợi, lừa đảo không những không có chuyên môn mà cũng không có y đức, vốn là thứ quan trọng nhất của nghề y. Các đối tượng thường giả danh đồng bào dân tộc, bài thuốc gia truyền, thậm chí tuyên truyền mê tín dị đoan để thực hiện hoạt động chữa bệnh trái phép. Do đó, dưới góc độ pháp lý, hoàn toàn có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bởi vậy, cơ quan chức năng cần phải tổ chức ra soát, kiểm tra tất cả các cơ sở, các đối tượng tuyên truyền về khả năng chữa bệnh trên không gian mạng để xử lý theo quy định pháp luật. Với những đối tượng không có chứng chỉ hành nghề y dược, không được phép khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật nhưng vẫn đưa những thông tin gian dối để bán thuốc, chữa bệnh trái phép mà chiếm đoạt số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên thì có thể xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt cao nhất của tội danh này có thể là tù chung thân.
"Hiện nay, hoạt động khám chữa bệnh theo phương pháp đông y đang phát triển nhanh chóng trên mạng xã hội và một số địa phương, khu vực. Nhiều đối tượng đã tự xưng là lương y, danh y, thậm chí “thần y” để thực hiện hoạt động khám chữa bệnh trái phép gây ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của nhiều người, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Do đó, đã đến lúc cơ quan chức năng ở các địa phương cần “dẹp loạn lang băm” để làm trong sạch môi trường mạng, đảm bảo an toàn cho đời sống của nhân dân" - luật sư Cường nói.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thâm nhập cơ sở chữa Covid lừa đảo bằng phương pháp mê tín
Hải Ninh