Những người vốn hiền lành như đất bỗng một ngày hóa sát thủ tàn sát ngay cả những người thân ruột thịt chỉ vì lợi ích vật chất như tranh giành đất đai, mâu thuẫn tiền bạc cho thấy đạo đức đang xuống cấp, giá trị tình thân đang mất dần đi bởi những suy nghĩ tiêu cực từ sự tham lam, lòng ích kỷ, hẹp hòi...
Vụ án anh chém cả nhà em gái ở Thái Nguyên đang khiến dư luận cả nước đặc biệt quan tâm. Chỉ vì mâu thuẫn trong việc vay trả số tiền 3 tỷ đồng, đối tượng Bùi Xuân Hồng, từng làm đến chức vụ Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng La Hiên đã dùng dao đâm chém gia đình em gái ruột khiến 3 người thương vong.
Không còn ngạc nhiên với những vụ “huynh đệ tương tàn”, anh em tàn sát nhau bởi đã xảy ra qua nhiều, nhưng dư luận sốc thật sự bởi vụ án nào cũng dã man, đâm chém đến cùng, tước đi mạng sống của nhiều người vốn từng thân tích.
|
Đối tượng Bùi Xuân Hồng. |
Đáng chú ý, các đối tượng đều có nhân thân tốt, thậm chí như đối tượng Bùi Xuân Hồng từng là Phó giám đốc một công ty xi măng, đồng nghĩa với việc có trình độ hiểu biết pháp luật, có địa vị xã hội và trước khi xảy ra vụ án mạng, họ đều là những người được đánh giá là hiền lành, không phải những đối tượng có bản tính côn đồ, hơn nữa họ đều ở độ tuổi “đã toan về già” lẽ ra phải là tấm gương mẫu mực cho con cháu.
Vậy vì đâu họ gây ra những vụ án mạng thảm khốc với chính những người thân thích, ruột thịt, “anh em như thể tay chân”, “huynh đệ tình như thủ túc? Vì đâu từ tình thân lại coi nhau như kẻ thù, ra tay vô cùng tàn độc, sẵn sàng sát hại cả nhà anh em ruột và chấp nhận “đổi mạng” bằng cách tự sát? Cái ác sản sinh ra từ đâu?
Để trả lời những câu hỏi trên không hề dễ dàng, bởi đó là kết quả của quá trình tích tụ những mâu thuẫn, hiềm khích trong thời gian dài dẫn đến mâu thuẫn đỉnh điểm kiểu “giọt nước tràn ly”. Đáng chú ý, đa số những vụ án mạng anh em trong gia đình đều xuất phát từ những mâu thuẫn liên quan đến lợi ích vật chất như tranh giành đất đai, vay mượn tiền bạc...
Có thể như nhận định của Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội khi ông lý giải rằng, mâu thuẫn không phải là nhất thời mà đã diễn ra trong một thời gian dài, một quá trình, do đó hung thủ tích tụ những suy nghĩ tiêu cực kéo dài, những bực tức, uất dồn nén mà không có lối thoát, không có hướng giải quyết tích cực.
Những mâu thuẫn cứ diễn ra (có thể vì tiền bạc, có thể vì đất đai, tài sản, cũng có thể là quan điểm về đạo đức, ứng xử với anh, em, cha mẹ trong gia đình...) xuất phát từ mối quan hệ tình cảm hoặc vật chất trong gia đình. Những suy nghĩ tiêu cực kéo dài đó làm đối tượng nảy sinh ý định trả thù "mạng đổi mạng" và khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, thời cơ chín muồi, những suy nghĩ tiêu cực tích tụ suốt một thời gian dài gặp tương tác của xã hội, tình huống có vấn đề khiến cảm xúc bùng nổ và từ một "người hiền như đất" bỗng chốc biến thành một "con quỷ dữ", sẵn sàng ra tay sát hại bất cứ ai cản bước mình, kể cả đó là anh em ruột... mối thù sẽ dẫn dắt con người đến hành động trả thù man rợ.
Khi đó, đối tượng phạm tội không nghĩ ngợi gì nữa, không phân biệt tình lý, không nể nang tình cảm, chỉ có thù hận và quyết tâm trả thù, chỉ làm sao nhanh chóng kết thúc sự việc bằng những nhát dao và sau đó có thể là tự vẫn.
Nhưng cũng có thể hiểu rằng, có nhiều nguyên nhân sâu xa dẫn đến con người ngày càng ác độc với chính người thân ruột thịt như đạo đức của con người ngày càng xuống cấp, những giá trị vật chất đã khiến con người trở lên nhỏ nhen, ích kỷ với chính người thân ruột thịt, từ đó phát sinh những mâu thuẫn mà mâu thuẫn với người thân về quyền lợi vật chất thì khó có thể giải quyết một cách “dĩ hòa vi quý” dẫn đến những bức xúc kéo dài, sản sinh ra những suy nghĩ tiêu cực. Cái ác không hẳn là bản tính, cũng không phải vì thiếu giáo dục mà là do tích tụ từ những suy nghĩ tiêu cực, từ những suy nghĩ về lòng tham và tính ích kỷ.
Đáng chú ý, đa số những vụ án mạng “nồi da xáo thịt” đều vô cùng tàn độc, phân tích tâm lý tội phạm cho thấy, những đối tượng gây ra án mạng trong những vụ án này không giống như những vụ án, cướp, giết thông thường bởi nhiều khi không chỉ đơn giản là lòng tham, thói lưu manh, côn đồ bất chấp pháp luật... mà bởi những mâu thuẫn kéo dài khiến rạn nứt, tan vỡ tình anh em. Đối tượng suy nghĩ rằng anh em không bằng “người dưng, nước lã” nên càng thêm thù hận...
Chính những suy nghĩ tiêu cực kéo dài, tích tụ trở thành thù hận, khi hoàn cảnh tác động, xô đẩy, cảm xúc lên cao không kiềm chế được thì đối tượng sẽ thực hiện hành vi thú tính, điên cuồng sát hại người khác.
Điều đó cho thấy một thực tế đáng báo động, bất cứ ai, kể cả là người có tuổi, có học, có địa vị xã hội nếu như trong đầu còn tồn tại những suy nghĩ tiêu cực, hận thù, khi họ quan tâm tiền bạc, vật chất hơn giá trị tình thân...thì có thể một ngày nào đó sẽ hóa “sát thủ” như vụ Thái Nguyên hay Đan Phượng, Hà Nội.
Thực tế, khi xảy ra vụ án mạng, các đối tượng gây ra vụ án sẽ phải đối mặt và trả giá bằng những bản án của pháp luật như việc sắp tới chính đối tượng Hồng sẽ phải đối diện nhưng mức án bao nhiêu, mức bồi thường bao nhiêu đi nữa thì tai tiếng ở đời sẽ không bao giờ hết được, những người còn lại trong gia đình ông Hồng cũng sẽ rất đau lòng bởi vụ án "huynh đệ tương tàn" như vậy.
Nỗi đau sẽ nhân đôi khi cả bị hại và bị can đều là người thân thích, ruột thịt trong gia đình. Bởi vậy, vụ án này cũng sẽ là một bài học cho chuyện sứt mẻ tình cảm anh em mà không được hòa giải, không kiểm soát được cảm xúc, hành vi khi mẫu thuẫn về tình cảm, về vật chất kéo dài, không lỗi thoát. Nếu những mẫu thuẫn, tranh chấp không thể tự giải quyết được, không thể hòa giải được thì cần phải chuyển đến tòa án để giải quyết và tòa án có trách nhiệm phải thụ lý, giải quyết kịp thời, hóa giải mâu thuẫn bằng những phán quyết có tình, có lý thì mới bớt được những vụ án đau lòng như vậy.
Ngoài ra việc tuyên truyền pháp luật, nâng cao giá trị đạo đức, gắn kết truyền thống gia đình, giá trị tình thân cũng được coi là giải pháp để hạn chế những vụ án mạng xuất phát từ người thân nhưng không phải việc dễ dàng khi một thực trạng đáng báo động trong xã hội về việc con người sống quá nhiều vì vật chất mà sao nhãng đi giá trị gia đình.
Hải Ninh