Muốn gặp mẹ
Chiều ngày 6/11, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với luật sư Hoàng Kim Vinh – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước, người được chỉ định bào chữa cho 3 bị can trong vụ thảm sát Bình Phước khiến 6 người trong một gia đình thiệt mạng hồi tháng 7.
Ông Vinh chia sẻ, những lần làm việc với các bị can, ông dành nhiều thời gian cho Nguyễn Hải Dương bởi đây là nghi can được xác định trực tiếp ra tay sát hại 6 người trong nhà ông Mỹ.
Dương tỏ ra hối hận nhưng không một lần nói lời xin lỗi bởi: "Không biết phải xin lỗi ai, những nạn nhân trong vụ việc đều đã chết cả rồi”. Mỗi lần kể về tình tiết của vụ án, người Dương lại run lên bần bật.
“Nhiều thời điểm, Dương không giữ nổi bình tĩnh, co rúm người lại, mồ hôi vã ra như tắm. Mỗi lần như thế, Dương lại xin được hút thuốc (quy định không cho phép nghi phạm hút thuốc trong lúc hỏi cung nhưng xét thấy hoàn cảnh phù hợp nên cán bộ công an đã đáp ứng yêu cầu của Dương – PV). Dương hút thuốc rất nhiều để trấn tĩnh tinh thần”, ông Vinh kể.
Từng tình tiết trong vụ án được Dương khai một các tỉ mỉ, cẩn thận và thành thật. Nhiều lần, Dương bị ông Vinh “hỏi xoáy” để kiểm tra độ xác thực, Dương bình tĩnh lý giải.
“Không một lần nào Dương khóc hay tỏ ra ngậm ngùi trước cái chết của bạn gái và những người thân trong gia đình cô ấy. Dương cũng không gửi lời tới người thân của các nạn nhân.
Dương chỉ đề nghị tôi giúp đỡ cho gặp mẹ và gửi lời xin lỗi tới mẹ của anh ta. Mặc dù vậy, yêu cầu này của Dương không được cơ quan chức năng chấp nhận, chắc anh ta chỉ có thể gặp được mẹ mình sau khi phiên tòa kết thúc”.
Trái ngược với thái độ thành khẩn của Dương thì bị can Vũ Văn Tiến (huyện Phú Riềng, Bình Phước – người trực tiếp giúp Dương gây án) lại tỏ ra lì lợm, không nhận tội. Bởi Tiến cho rằng trong suốt quá trình diễn ra sự việc, Tiến có 3 lần khuyên Dương dừng tay nhưng không được chấp nhận nên đành “đâm lao thì phải theo lao”.
4 tháng sống trong “phiên tòa lương tâm”
Ngoài việc tiếp xúc với các bị can, luật sư Vinh còn tìm hiểu thêm về đời sống, tâm lý của Dương và Tiến ở trong trại để phục vụ cho quá trình tìm hiểu thông tin vụ án. Từ những thông tin mà ông Vinh có được từ các cán bộ trại giam, suốt 4 tháng bị bắt cho tới nay, Dương đều im lặng trong phòng, khuôn mặt buồn rầu đầy tâm trạng.
|
Chân dung Vũ Văn Tiến (bên trái) và Nguyễn Hải Dương (bên phải). |
“Trái ngược với hành động la hét, khóc lóc, cười vang, giận dữ… của các phạm nhân đã thành án, cả Dương và Tiến đều im lặng mỗi khi về buồng giam. Có khi cả ngày, hai bị can chẳng nói lời nào. Cán bộ đến bữa đưa cơm, Dương và Tiến cũng chẳng buồn quan tâm. Đây có lẽ là quãng thời gian cả hai đang tự đứng trong phiên tòa lương tâm trước tội ác mà mình gây ra”, ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, khi làm việc với luật sư, Dương không nhắc nhiều tới mối tình với nạn nhân Linh. Trong vụ án này, Dương được áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, không ra tay sát hại cháu bé 22 tháng tuổi.
“Dương thấy cháu bé khóc, anh ta không giết mà nhẹ nhàng ru cháu ngủ rồi đặt xuống. Chứng tỏ, Dương còn tình người, tiếng khóc của trẻ thơ đã đánh thức phần người còn lại trong Dương”, ông Vinh nhận định.
Đồng thời, ông Vinh cũng chia sẻ thêm: “Ngày đầu mới được chỉ định bào chữa cho các bị can, tôi cảm thấy vô cùng áp lực trước dư luận. Nhưng càng ngày, tôi càng thấy mình có thêm động lực để bào chữa cho các bị can trong vụ án này.
Chắc hẳn, họ đã biết được bản án đang đón chờ mình phía trước như thế nào nhưng vì sự công bằng của pháp luật, họ có gây ra tội lớn như thế nào đi chăng nữa thì họ vẫn có quyền được bào chữa, đảm bảo tính dân chủ”.
Theo Phụ nữ TP HCM