Thẩm phán nói gì trước phiên tòa xử ông Đinh La Thăng?

Google News

Phiên xét xử ông Đinh La Thăng là một trong những phiên tòa đầu tiên được áp dụng Bộ luật Tố tụng Hình sự mới (BLTTHS năm 2015, có hiệu lực từ 1/1/2018). 

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó Chánh tòa hình sự, TAND TP.Hà Nội cho biết, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm vào ngày mai (ngày 8/1) là một vụ án hết sức nhạy cảm và quan trọng, bởi có nhiều bị cáo đều nguyên là lãnh đạo cấp cao của ngành dầu khí, thậm chí có bị cáo là lãnh đạo cấp cao của Nhà nước.
Hồ sơ điều tra - Thẩm phán nói gì trước phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng vào ngày mai
Thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó Chánh tòa hình sự, TAND TP.Hà Nội 
Với khối lượng hồ sơ lên tới 10.000 bút lục, thời gian đưa vụ án ra xét xử lại ngắn nên HĐXX, chủ yếu là hai thẩm phán phải tập trung cao độ nghiên cứu hồ sơ để có thể điều hành phiên tòa một cách tốt nhất, xét xử vụ án khách quan, toàn diện và công tâm nhất để không bỏ lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội.
Thẩm phán Trương Việt Toàn đánh giá, phiên xét xử ông Đinh La Thăng là một trong những phiên tòa đầu tiên được áp dụng Bộ luật Tố tụng Hình sự mới (BLTTHS năm 2015, có hiệu lực từ 1/1/2018). Vì vậy, HĐXX sẽ áp dụng tất cả các quy định mới trong việc điều hành, điều khiển quá trình xét xử.
Hồ sơ điều tra - Thẩm phán nói gì trước phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng vào ngày mai (Hình 2).
Đinh La Thăng và đồng phạm sẽ hầu tòa vào ngày mai (08/01)
Về mặt nội dung, một điểm mới của BLTTHS năm 2015 là chú trọng, đảm bảo tối đa quyền tranh tụng của những người tham gia tố tụng. “Việc này phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp mà Đảng, Nhà nước đề ra, đồng thời đảm bảo quyền con người tốt hơn nữa cho các bị cáo cũng như đảm bảo tối đa nguyên tắc suy đoán vô tội với bị can, bị cáo” – thẩm phán Trương Việt Toàn nói.
Trong vụ án Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) có 22 bị cáo bị truy tố với hai tội danh là: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản.
Ngoài các bị cáo, TAND TP.Hà Nội còn triệu tập 7 người có quyền và nghĩa vụ liên quan (là những người nộp tiền khắc phục hậu quả cho các bị cáo) và 31 người làm chứng.
Có tất cả 44 luật sư tham gia phiên tòa, trong đó có 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng và 5 luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
Hội đồng xét xử phiên tòa gồm 5 người, chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân.
Có 3 kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa, gồm: Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội là ông Đào Thịnh Cường, 2 kiểm sát viên cao cấp là ông Nguyễn Mạnh Thường và ông Nguyễn Minh Đồng.
Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo Tổng CTCP Điện lực Dầu khí (PV Power) ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6.607.500 USD và trên 1.312 tỷ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích không đưa vào dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.
Theo dự kiến, phiên toà sẽ diễn ra từ ngày 08 đến 21/01/2018.
Theo Tư Viễn / Người Đưa Tin