22 người thiệt mạng, 24 người hiện còn đang mất tích
Quảng Nam là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 với mưa lớn gây lũ ống dẫn đến liên tiếp 5 vụ sạt lở đất vùi lấp khiến hàng chục người dân thiệt mạng, bị thương, mất tích tại xã Trà Vân, xã Trà Leng, Trà Mai, huyện Nam Trà My và xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn.
Báo cáo mới nhất của tỉnh Quảng Nam cho thấy, tính đến tối ngày 30/10, địa phương này đã có 22 người thiệt mạng, 46 người bị thương, 24 người mất tích tại các huyện Nam Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức.
Cụ thể, tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) đã xảy ra vụ sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng khiến 8 người được xác định thiệt mạng, 14 người hiện vẫn đang mất tích và 33 người bị thương đang được chữa trị tại bệnh viện. Tại điểm sạt lở Trà Vân, ngoài 8 thi thể đã được tìm thấy, hiện còn 12 người bị thương.
|
5 vụ sạt lở đất vùi lấp khiến hàng chục người dân thiệt mạng, bị thương, mất tích tại xã Trà Vân, xã Trà Leng, Trà Mai, huyện Nam Trà My và xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam. |
Tại điểm sạt lở tại thôn 3, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) có 5 người chết, 8 người hiện đang mất tích. Tang thương chưa dừng lại khi chiều ngày 29/10, thêm một vụ sạt lở đất vừa xảy ra tại xã Trà Mai (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) khiến 1 nạn nhân mất tích, 1 người bị thương nặng. Ngoài ra, còn có 2 cán bộ huyện Phước Sơn cũng bị sạt lở vùi lấp ngày 27/10.
Đáng chú ý, hiện công tác tìm kiếm người mất tích tại các điểm sạt lở đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngày 30/10, 500 người gồm bộ đội, công an, thanh niên địa phương khẩn trương tìm kiếm người mất tích. Lực lượng quân đội cũng đưa thêm thiết bị bay không người lái flycam tìm kiếm trên sông và hồ thủy điện sông Trang, chó nghiệp vụ cũng được đưa vào hiện trường. Tuy nhiên, 18h, công tác tìm kiếm phải tạm dừng có mưa lớn, thời tiết gây khó khăn cản trở.
Tại điểm sạt lở ở xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn), dù đã rất nỗ lực nhưng do đường vào có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận được vị trí sạt lở để tìm kiếm các nạn nhân còn đang bị mất tích. Công tác cứu hộ, tìm kiếm các nạn nhân mất tích hiện nay vẫn đang được người dân và lực lượng tại chỗ triển khai. Tuy nhiên, việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn do không có máy móc cơ giới, trong khi khu vực sạt lở có mưa lớn, nguy cơ tiếp tục sạt lở cao.
Thắt lòng…nỗi đau Trà Leng
Sạt lở đất vùi lấp nhiều ngôi làng ở tỉnh Quảng Nam, vùi lấp hàng chục gia đình, hàng chục người thiệt mạng, mất tích trong đống đất đá khiến tang thương chồng lên tang thương, nỗi đau chồng chất nỗi đau khi người may mắn thoát chết lâm cảnh mất người thân, mất nhà, thậm chí có người có mất cả một gia đình.
Một ngôi làng ở xã Trà Leng bị lũ quét kéo theo lượng đất đá lớn vùi lấp hơn chục hộ gia đình và gần như “xóa sổ” cả một ngôi làng. Nỗi đau không thể nào diễn tả được bằng ký tự khi nhiều gia đình mất đi người thân, có gia đình mất đi cả 8 người.
Tiếng gào khóc là âm thanh duy nhất thường trực tại hiện trường vụ sạt lở mấy ngày qua và càng trở lên da diết, xé lòng hơn khi mỗi thi thể một nạn nhân được tìm thấy. Những ngôi mộ được chôn cất vội vã ngay sát hiện trường vụ sạt lở khiến không chỉ những người thân các nạn nhân đau đớn tột cùng mà những người chứng kiến cũng phải thắt lòng trước những cảnh tượng tang thương.
|
Em Hồ Thị Điệp gục khóc bên hai ngôi mộ của cha mẹ vừa mới đắp - họ là những nạn nhân vụ sạt lở đất Trà Leng. |
Không ai có thể kìm lòng khi chứng kiến cảnh em Lê Thanh Tú, học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội Trú tỉnh Quảng Nam – con trai của Bí thư xã Trà Leng Lê Hoàng Việt khóc nức nở bên hiện trường vụ sạt lở khi lực lượng cứu hộ đang bới từng lớp bùn đất ngổn ngang để tìm ông Lê Hoàng Việt hiện vẫn đang mất tích và 7 người thân khác của Tú gồm cậu, mợ, dì, dượng, cháu và hai em của Tú. Người duy nhất trong gia đình Tú được cứu sống trong đống đổ nát là mẹ của Tú hiện cũng đang bị thương phải điều trị trong bệnh viện.
Giống như hoàn cảnh của Tú, nữ sinh Hồ Thị Điệp - học sinh lớp 11, trường THPT Nam Trà My (Quảng Nam) may mắn thoát nạn do ở lại trường nhưng vụ sạt lở đã vùi lấp ngôi nhà và khiến 2 bố mẹ của nữ sinh này tử vong. Khi được thầy cô đưa về hiện trường vụ sạt lở, người dân đã dẫn em đến hai đống đất được phủ bạt và cho biết đó là hai ngôi mộ của bố mẹ Điệp, nỗi đau, mất mát quá lớn ập đến khiến nữ sinh này dường như chết lặng.
Trong nỗi đau tột cùng khi cả cha, mẹ, con và em ruột bị chôn vùi do sạt lở đất, chị Hồ Thị Hòa đôi mắt đỏ hoe dõi theo cuộc tìm kiếm và nói rằng: “Những người thân nhất của em đang nằm dưới đó, chắc họ lạnh lắm”.
“Chết hết rồi, con của bố đã chết hết rồi con ơi. 8 người hết thảy nhưng chỉ mới tìm được 1 người nằm đây... Bố già rồi nhưng các con lại chết sớm, cuộc đời thật tàn nhẫn. Bố buồn quá con ơi'” – tiếng khóc ai oán của ông Hồ Văn Đề khiến nhiều người khóc theo. Bởi đây là tột cùng nỗi đau Trà Leng khi vợ chồng ông Đề có đến 8 người thân thiệt mạng, mất tích do vụ sạt lở. Hai vợ chồng ông thoát nạn do thời điểm sạt lở đang lên nương thu lúa. Mất nhà cửa, tài sản, con cháu người mất, người chưa tìm thấy trong khi niềm hi vọng ngày càng vụt tắt.
Nước mắt dù đã cạn nhưng đau thương vẫn chất chồng khi lực lượng cứu hộ tìm thấy thi thể một bé trai 10 tháng tuổi trong lượng lớn bùn đất lấp lên. Người dân cho biết, cháu bé có thể là con trai một cặp vợ chồng đã được cứu sống sau vụ sạt lở nhưng đang bị thương.
Nỗi đau Trà Leng sẽ tiếp tục nhân lên bởi vẫn còn 14 người hiện đang mất tích và nỗi đau tương tự cũng đến với những người thân các nạn nhân thiệt mạng trong các vụ sạt lở ở Trà Vân, Phước Lộc khi lâm cảnh mất người thân, mất nhà cửa. Tang thương chồng chất tang thương và không biết đến khi nào mới có thể nguôi ngoai.
>>> Mời độc giả xem thêm video Diễn biến vụ sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3
Tâm Đức