'Thạc sĩ grab', 'Tiến sĩ thất nghiệp' liệu có phải nhân tài?

Google News

Thế nào là người tài? Người có bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng lại thất nghiệp, chạy xe ôm có phải người tài, có thực sự cần thiết không?...

Sáng 24/10, tại phiên thảo luận sửa đổi một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, nhiều đại biểu tiếp tục tranh luận về khái niệm nhân tài và thu hút, trọng dụng nhân tài.
'Thac si grab', 'Tien si that nghiep' lieu co phai nhan tai?
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn 
Nêu ý kiến, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) chưa hài lòng khi dự thảo luật chưa định nghĩa cụ thể về nhân tài. Ông cho rằng, cần phân loại người tài ở từng lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn trong chính trị là người khởi xướng chính sách; trong điều hành phải tinh thông luật pháp, vận hành bộ máy; trong văn hóa nghệ thuật phải sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật để đời…
Tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho rằng, có nhiều tỉnh thành đã trải thảm đỏ mời thạc sĩ, tiến sĩ về làm việc. Nhiều tỉnh thành còn cử nhân tài đi nước ngoài đạo tạo thạc sĩ, tiến sĩ.
Nhưng điều đại biểu băn khoăn là có bao nhiêu phần trăm thạc sĩ, tiến sĩ trong đó đóng góp được cho tỉnh, thành này. “Chúng ta biết có rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về đang thất nghiệp; có rất nhiều lái xe ôm, Grab là thạc sĩ. Xin hỏi những người đó, được đào tạo tốt như vậy có là nhân tài không? Xin thưa là không”, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn cho hay.
Theo Giám đốc Viện tim, nhân tài muốn phát triển cần có môi trường đào tạo tốt. Tuy nhiên, ông lại băn khoăn, với người có tài, nhưng tâm không tốt thì sao? Bởi theo ông, nhiều người có đủ yếu tố như vừa nói, vừa có môi trường cống hiến, vừa có nhiệt huyết, nhưng lại không muốn đóng góp cho đất nước, mà chỉ lo vun vén cá nhân, cho lợi ích nhóm.
“Những người như vậy có cần hay không? Xin thưa là không. Bởi người có tài mà không có tâm là người phá hoại, còn có tâm mà không có tài là người vô dụng. Do vậy, nhân tài phải tổng hòa giữa người có tài, có tâm và vừa chí công vô tư, đầy đủ nhiệt huyết đóng góp cho đất nước”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Nhiều trưởng, phó khoa bị bỏ lại vì không phải viên chức
Tranh luận với phần tranh luận này, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, không phải cứ có mác thạc sĩ mới là người có tài. “Còn với thạc sĩ grab, số liệu thì tôi không có trong tay. Nhưng thạc sĩ grab, chắc là thạc sĩ Đông Đô, chứ không phải là thạc sĩ đúng nghĩa”, ông Hồng nêu.
Trong khi nhiều đại biểu tranh luận về người tài và chính sách đãi ngộ nhân tài, thì đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y lại đưa ra thông tin rất đáng để quan tâm. Đại biểu Hiếu cho biết, bệnh viện của ông có tới 7 - 8 trưởng khoa, phó khoa đang làm việc hiệu quả, nhưng phải bỏ lại vì lý do không phải là viên chức.
Theo Luân Dũng/Tiền Phong