Ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến cuộc sống nhiều công nhân, người dân xa xứ tìm đến thành phố để mưu sinh mãi bấp bênh. Giờ đây khi cái Tết cận kề, suy nghĩ đầu tiên mà họ nghĩ tới là tết về hay ở.
Chị Đỗ Thị Hằng (34 tuổi, ngụ tỉnh Hà Nam) có lẽ may mắn hơn nhiều người khi chị lấy chồng ở Sài Gòn và bố mẹ ruột của chị cũng đã chuyển vào TP.HCM sinh sống từ lâu, chị không phải chịu cảnh “xa ba mẹ, nhớ quê hương”.
|
Chị Hằng cùng chồng, con, và ba mẹ chồng chụp ảnh lưu niệm trong một lần đi du lịch. Ảnh: NVCC |
Vậy nhưng, ông bà nội, ông bà ngoại của chị cùng rất nhiều người thân của gia đình chị vẫn đang sinh sống ở Hà Nam. Do đó, mọi năm, cứ sắp xếp được thời gian là chị lại cùng chồng và các con về quê: “Ông bà nội, ông bà ngoại của vợ chồng tôi cũng đã cao tuổi. Mỗi năm trôi qua chúng ta lại xa ông bà thêm một chút. Do đó, lúc nào vợ chồng tôi cũng sắp xếp thời gian để có thể gần ông, bà nhiều nhất có thể”.
Nhớ lại Tết cổ truyền miền Bắc, chị cùng chồng, con đi chúc Tết ông bà, cảm xúc vui khó tả, thấy qua một năm ông, bà, các cô, chú, bác vẫn khỏe mạnh, bình an: “Đặc biệt là vào dịp Tết gia đình họ hàng nhà tôi luôn quây quần. Năm nay, dịch COVID-19 càn quét khiến tôi vô cùng lo lắng Tết Nhâm Dần đang đến gần nhưng dịch bệnh vẫn căng thẳng, chưa thể chủ quan được. Do đó, năm nay gia đình tôi sẽ không về Bắc được, không thể đi thăm họ họ hàng làng xóm được rồi. Chỉ mong mọi người an toàn để chờ tình hình sang năm tình hình dịch đỡ hơn vợ chồng tôi sẽ về."
Năm nay có lẽ là một năm đáng nhớ đối với Nguyễn Xuân Dũng (24 tuổi, Quảng Nam), bởi đây là năm đầu tiên anh ăn Tết xa nhà.
Sau khi tốt nghiệp THPT Dũng quyết định đến SG tiếp tục theo đuổi con đường học tập. May mắn hơn nhiều người khi dịch ập đến, Dũng được làm việc tại nhà, thu nhập không bị ảnh hưởng, nhưng đường về quê lại xa vời vợi.
“Mọi năm bằng giờ là mình đã lên kế hoạch để về Tết, thường là sẽ đi xe máy về cùng các bạn, nhưng năm nay mình quyết định không về để đảm bảo an toàn cho gia đình và mọi người. Nhà có người lớn tuổi, hơn nữa về thêm thời gian cách ly, công ty không cho nghỉ thời gian lâu nên mình quyết định ở lại. Cũng có chút buồn, chạnh lòng nhưng dịch bệnh nên đành chịu”, Dũng tâm sự.
|
Đường phố Sài Gòn ngày cận Tết nhộn nhịp bao nhiêu thì trong lòng người ở lại càng ngồn ngộn nhung nhớ khi nghĩ về quê hương. |
Khi nói về dự định trong những ngày Tết sắp tới Dũng cho biết mình sẽ đi loanh quanh tại Sài Gòn, hay một số địa điểm vùng ven. Sau Tết, mọi người quay trở lại cuộc sống bình thường Dũng sẽ về thăm nhà.
Còn bà Bùi Thị Hồng Thủy (45 tuổi, Bình Định) vẫn chưa được về quê thăm người thân lần nào. Cách đây 4 năm, cuộc sống gia đình khó khăn, phải nuôi 2 con ăn học, vợ chồng bà quyết định lên Sài Gòn kiếm nghề nuôi con ăn học. Hai vợ chồng xin làm công nhân cho các công trình ở Đồng Nai, Bình Dương, Sài Gòn… vốn bất bênh nay dịch lại càng khốn khó, công trình phải nghỉ vài tháng.
Trong căn phòng trọ chỉ vài mét vuông ở Dĩ An (Bình Dương) cả nhà đều đăm chiêu lo lắng khi nhắc đến Tết. “3 tháng dịch phải ở nhà, công việc bị mất, thu nhập không có, tiền nhà trọ phải xin khất mãi cũng may chủ nhà tốt bụng cho nợ. Mãi đến tháng 12, chúng tôi chỉ mới trả nợ xong tiền trọ”, bà Thủy tâm sự.
Với mức thu nhập hai vợ chồng từ 500-600.000 đồng/ngày, tiền nhà trọ, tiền đóng học cho 2 con, tiền ăn uống mỗi ngày bà Thủy phải chắt chiu, bóp chát từng đồng. “Đã đi cả năm không về nhưng giờ Tết cũng không biết có nên về hay không, năm ngoái 18 âm lịch là gia đình về rồi, giờ dịch bệnh hoành hành thế này về lại sợ ảnh hưởng mọi người, rồi cách ly.
Về cũng chỉ còn ít tiền ở quê phải tiền quà cáp, lì xì tốn kém qúa. Công nhân công trình thì thưởng đâu ra. Mà ăn Tết ở đây thì cũng buồn, quanh đi quẩn lại cũng chỉ biết nằm trong phòng, họ hàng không có”, bà Thủy đăm chiêu.
Phương Uyên