Xóm nổi ven sông Hồng có cả chục hộ dân đến từ nhiều địa phương lênh đênh đeo bám cuộc sống sông nước cách hồ Hoàn Kiếm chừng 2km, trên địa bàn phường Phúc Xá, quận Ba Đình. Bà Tuyết (71 tuổi) đang vừa nhóm bếp sưởi ấm vừa kể: Gia đình có 3 thế hệ đều sinh sống trên thuyền. Đứa cháu nội đang đi học, bà Tuyết, cứ mỗi sáng sớm ra chợ Long Biên để “mót” tôm tép. Đứa con trai thì đang làm bốc vác, cũng là thu nhập chính của cả gia đình. Cùng sống lênh đênh ở vùng nước nổi, bà Hà (quê Nam Định) cho biết: Tôi lên đây nhặt ve chai được 5 năm rồi. Ngày làm, tối thuê ngủ tạm ở các nhà trọ ven sông, nay đây mai đó. Vào mỗi dịp Tết, lại có nhiều đoàn từ thiện đến để trao quà cho người dân. Khi thì gói bánh, khi thì cân đường hộp sữa… những phần quà nhỏ nhưng giúp tôi có thêm niềm vui, sự ấm áp ngày Tết. Bà Hà cho biết thêm, đến hết 27 Tết bà sẽ về quê đón Tết cùng nhiều người nhặt ve chai khác.
|
Bà Hà chuẩn bị đồ đạc để bắt đầu 1 ngày nhặt ve chai. |
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Xá cho biết, trên địa bàn phường có 13 hộ, 42 nhân khẩu thuộc diện sống “tạm bợ” bên bờ sông. Các hộ làm nghề đánh cá, chài lưới rất ít, mà chủ yếu là làm nghề trồng trọt, nhặt tôm, nhặt cá ở ngoài chợ, xe kéo, nhặt phế liệu… Họ không có hộ khẩu tại địa phương, thực ra thì rất khó có chế độ chính sách nhưng bằng nguồn ngân sách của phường thì vẫn có quà trợ cấp Tết cho nhóm đối tượng này. Dịp Tết này, 13 hộ dân này được phường hỗ trợ như những hộ khó khăn trên địa bàn. “Với chính sách của UBND phường thì mỗi hộ được trợ cấp từ 200 – 300 nghìn. Không phải không có hộ khẩu thì mình không quan tâm. Chỉ có điều là điều kiện của phường eo hẹp nên ở mức độ nào đó chỉ động viên, chia sẻ thôi”, bà Hương nói.
Bên cạnh đó, mỗi dịp Tết đến, rất nhiều đơn vị, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đến tài trợ, hỗ trợ các hộ gia đình này đón Tết. “Chúng tôi cũng chỉ đạo các hội, đoàn thể bằng nguồn tiền của mình sẽ hỗ trợ các hộ gia đình đó ổn định, có một cái Tết đủ đầy”, bà Hương nói. Theo bà Hương, chính quyền phường rất mong muốn động viên những gia đình này chuyển lên trên bờ, cũng như về nơi quê hương sinh sống để làm ăn nhưng vì nhiều lý do nên họ vẫn “bám trụ” tại đây.
Trong chiều 19/1, Hội Chữ Thập đỏ phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) cũng đã tổ chức trao 110 hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo… Đại diện Hội Chữ Thập đỏ phường cho biết, có những người dựng túp lều ở ngay chân cột điện, không có hộ khẩu đều được tặng quà Tết. Giá trị quà tặng 350 nghìn đồng. Ngoài ra, Hội còn kết hợp với một số đoàn từ thiện gói hơn 100 chiếc bánh chưng tặng những hộ khó khăn trên địa bàn.
Một phường ven sông khác là phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm. Tuy địa phương không có dân “xóm nổi” nhưng cũng còn nhiều đối tượng cần hỗ trợ. Ông Phạm Chi Linh, Phó Chủ tịch UBND phường Chương Dương thông tin: Phường đã có đề xuất hỗ trợ hơn trăm suất quà cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đã có 105 suất quà, mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng. “Nguyên tắc là hỗ trợ những người có hộ khẩu. Mấy năm gần đây đến gần Tết thì cứ có mặt là đều có hỗ trợ cả”, ông Linh khẳng định.
Sở LĐTB&XH Hà Nội cho hay, thành phố sẽ trích kinh phí gần 286 tỷ đồng để tặng quà cho các đối tượng chính sách dịp Tết Đinh Dậu 2017. Đối với những người lang thang cơ nhỡ, người xin ăn, Sở LĐTB&XH có 2 đội trật tự xã hội thường xuyên cử người đến các địa điểm để rà soát, mời về các trung tâm. Nếu ai có địa chỉ rõ ràng sẽ hỗ trợ đưa họ về quê ăn Tết, còn những trường hợp không nhà cửa sẽ tổ chức ăn Tết tại các trung tâm.
Theo Trường Phong- Hiểu Minh/Tiền Phong