Nhiều nghiên cứu cho rằng, đây là hậu quả của những bất cập trong lối ứng xử với thiên nhiên, văn hóa sống, sự hiểu biết, với nhiều "hủ tục" ăn sâu bám rễ trong không ít người. Ví dụ, năm 2022 là năm Nhâm Dần (con hổ) trong vòng quay 12 con giáp, từ trước Tết vài tháng, cả chợ internet và chợ giao dịch ngoài đời đều nở rộ các trò mua bán, sử dụng nhiều sản phẩm từ thân xác hổ bị sát hại để ăn, uống, trưng bày "khoe diện", đeo làm "trang sức" kiểu "thể hiện đẳng cấp".
Các vạc lửa nấu cao hổ sôi sình sịch trước mắt người đời
Khi tiến hành điều tra về tình trạng trên, chúng tôi thật sự rất ngạc nhiên.
Cứ mỗi vòng tua 12 năm, khi năm con Hổ tới, người ta lại thêm một lần suy ngẫm, chiêm nghiệm, xúc cảm về Chúa Sơn Lâm / Ông Ba Mươi / Ông Cọp. Đó là một loài vật được biết đến như là biểu tượng của sức mạnh, sự oai phong, dũng mãnh, cũng là một linh vật được "thờ cúng" để cầu sự an lành, bảo bọc từ "các Ngài". Trước các nguy cơ giết hổ, nuôi hổ trái phép phục vụ các "thú chơi" ích kỷ và phi pháp, loài hổ đã đi vào "Sách đỏ", được bảo vệ đặc biệt trên quy mô toàn cầu.
Cách đây hơn 20 năm, cá thể hổ đầu tiên và có thể cũng là cuối cùng của Việt Nam được bẫy ảnh ở VQG Pù Mát (tỉnh Nghệ An) chụp được trong trạng thái hoàn toàn hoang dã (ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng / lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng!). Từ đó đến nay, thông tin về hổ ngoài tự nhiên ở Việt Nam rất "mịt mù". Nhiều nghiên cứu quốc tế uy tín cho rằng, hổ ở Việt Nam không còn hiện diện ngoài tự nhiên nữa.
Hình ảnh hổ, nấu cáo hổ và cao hổ được các đối tượng buôn bán chào hàng với phóng viên Dân Việt trong dịp tết Nhâm Dần. Ảnh chụp màn hình tháng 1/2022
Song, không vì thế mà thị trường các sản phẩm có được từ bắn, bẫy, giết chóc, nuôi nhốt trái phép hổ bớt ầm ĩ. Không có hổ ở Việt Nam, họ sang các nước láng giềng, các quốc gia rộng lớn và xa xôi của châu Á, châu Phi mang hổ về (đem cả các bộ phận của sư tử về giả làm hổ).
Chúng tôi đã theo sát các nhóm thợ săn, các trùm buôn, có cả những bức ảnh về tình trạng thợ săn Việt Nam đi giết hổ ở nước ngoài ra sao, ngay trong thời gian vừa rồi hoặc ở thời điểm chúng tôi viết bài này.
Thời đại 4.0, thay vì rỉ tai nhau, "chung chi" nấu cả nồi cao hổ, họ sử dụng internet, mạng xã hội, để rồi các vạc lửa nấu cao sôi cùng lúc, nóng rẫy, quay video, truyền trực tiếp cho nhau xem để tạo niềm tin và cứ thế bán hàng. "Chợ hổ" trên không gian ảo, song nỗi đau là rất thật, hàng bán siêu lợi nhuận cùng như sự tàn sát Chúa Sơn Lâm diễn ra thật sự.
Thay vì đón một năm mới tạo phúc đức cho muôn loài, cầu điều may mắn cho bản thân, gia đình và nhân loại, nhiều người đã chọn cách sát sinh hoặc thôi thúc người khác sát sinh (mà lại là giết loài quý hiếm đựơc bảo vệ trên toàn cầu như hổ) nhằm phục vụ nhu cầu ích kỷ và mù quáng của mình mà không biết rằng, khi sát sinh hay góp phần khuyến khích hành vi sát sinh động vật hoang dã, sát sinh loài quý hiếm, một trong những biểu tượng của 12 con Giáp, họ đang "phạm" vào quy luật tự nhiên của núi rừng, của thiên nhiên, đang rất có thể "tạo nghiệp".
Lừa dụ mua "cao lạ" về "báo hiếu ông bà bố mẹ" trong dịp Tết
Nếu coi loài hổ là biểu tượng của sự thông minh và sức mạnh, thì giết hổ không chỉ là phi pháp mà còn là "gây nghiệp ác" theo tâm linh và theo quan niệm nhà Phật - nhất là trong dịp đầu năm mới. Chúng tôi vào vai đại gia đi mua "hàng hổ" về làm quà ngoại giao và ăn chơi xả láng trong dịp tết. Lập tức các chiêu trò dùng mạng xã hội để giao dịch được tung ra.
Theo tiêu chuẩn cộng đồng nói chung, nếu cổ súy giết thú hoang, thú quý hiếm, buôn bán các sản phẩm vi phạm pháp luật là các nền tảng mạng xã hội (hay internet nói chung) sẽ hạn chế tương tác, nhắc nhở, phạt hoặc thậm chí xóa tài khoản.
Các đối tượng bèn nghĩ ra từ lóng để "qua mặt": ví dụ, họ dùng từ "bảo tồn" để chỉ việc mua về giết mổ, sử dụng các sản phẩm từ thú hoang, trong đó có hổ - Chúa Sơn Lâm.
Họ nói giảm nói tránh. Chỉ rao bán hàng "đặc sản", "đồ ngâm rượu", "đồ bảo tồn", "hàng rừng" trên mạng; bởi đây là những mặt hàng ít bị "điều tra", lên án, hay ít bị các nền tảng mạng xã hội (facebook, zalo…) "quét". Sau khi chỉ bán các mặt hàng ý tứ "gợi" đến giới muốn mua động vật hoang dã quý hiếm và để lại số điện thoại, tài khoản zalo; thì lập tức khách mua sẽ hiểu ý mà liên lạc trực tiếp (bí mật).
Hai bên, từ chỗ ý tứ công khai trên mạng, đã giao dịch ngầm.
Khi giao dịch xong, ví dụ mua bán, gửi ảnh, video, lập tức họ xóa dấu vết, thu hồi thông tin. Khi cần, họ làm video, chế tác ảnh, tạo không gian "ảo", dẫn hiện trường như thật (dùng xảo thuật) khiến khách hàng tin sái cổ. Họ làm rất chuyên nghiệp, họ mua lượt like, lượt share (tương tác) trên mạng xã hội để phủ thông tin khắp nơi.
Có khi, dùng ảnh giết hổ la liệt trên mặt sàn ở châu lục khác để tuyên truyền về nồi "cao hổ" ngon bổ rẻ của họ, nhưng thực ra đó chỉ là "ảnh chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến thực tế", còn cao họ bán chỉ là cao xương chó, xương mèo, xương trâu bò.
Tràn lan cá thể hổ bị giết để nấu cao phục vụ người tiêu dùng cần cao hổ để làm quà biếu dịp tết Nhâm Dần năm 2022. Ảnh do các đối tượng buôn bán các sản phẩm từ hổ gửi nhóm PV để "chào hàng" dịp Tết.
Một thế giới của thú chơi kì quái nhân năm con hổ 2022 hiện ra trước mắt chúng tôi sau hành trình đi dọc các tỉnh miền Trung và Bắc Trung bộ để điều tra. Tại Quảng Trị, Quảng Bình, đặc biệt ở giáp biên giới với Lào, thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi chứng kiến nhiều vi phạm trầm trọng ở lĩnh vực này. Họ đổ xô đi kiếm ăn cho một cái Tết sau hơn ba trăm ngày đảo điên vì Covid-19. Một đối tượng còn tin tưởng, để chúng tôi tận mắt thấy cảnh anh ta vận chuyển hàng thú rừng đi bán khắp nơi để phục vụ Tết.
Có mấy con mèo rừng, ít cầy hương, có đàn khỉ con vừa bị bắt ở rừng về, vẫn đóng cũi, nhốt trong lán giữa hoang vu, không dám mang về nhà sợ kiểm lâm bắt. Anh ta chụp ảnh gửi chúng tôi, rồi gặp gỡ, gọi cho các hãng xe khách xem "mèo rừng và khỉ sống nguyên con có nhận vận chuyển không"?
"Em có răng voi rừng, rùa hoang dã các loại, cầy chồn quý hiếm cả tươi lẫn đã sấy sau khi săn được, khỉ và voọc (chà vá đã sấy khô, tay chân dài thợt co quắp, mang từ Lào về). Muốn mua gì, có tất".
Miền đất này, giáp Lào, nên hổ đông lạnh và các sản phẩm từ hổ cũng rất nhiều. Một con hổ hơn 2 tạ được mua về để nấu cao ở Hà Tĩnh, năm ngoái vừa sổng gây náo loạn khu dân cư và công an điều tra tới thì đối tượng đã bị khởi tố. Ở Nghệ An, "làng" nuôi hổ vừa bị Công an bắt giữ với 2 hộ đang nhốt 17 cá thể hổ nặng 2-300kg/con. Tất cả là chuyện tai nghe mắt thấy. Vì vậy, dân chơi thường tìm vào vùng này để kiếm "hàng rừng" đón xuân.
Xuân, với những người u mê tin vào "thần dược" từ thú rừng - cố tình quên đi rằng nó là nguồn gây bệnh, gây nhiều thảm họa cho thế giới như AIDS, SARS, COVID-19… - chỉ là việc kiếm nhiều "hàng độc" thỏa mãn cái ích kỷ của bản thân họ. Có gã, trưng bày ra sàn nhà cả 60 cái đầu hoẵng, với sừng nhọn lỏng chỏng, đòi bán cùng lúc cả mấy chục triệu đồng.
Họ giết thú hoang, giết chú mồi của hổ, báo đến độ tận diệt như thế, thì thú lớn thú bé đều sắp tuyệt chủng hết tất. Có khi cả một nong lớn xếp kín nanh, răng, móng hổ. Toàn móng nhổ cả thịt cả túm lông lồm xồm để cho khách mua dễ bề tin tưởng.
Có khi, cả một bàn ăn trắng toát toàn nanh lợn rừng, lợn lòi, chúng dài và cong đến mức, hai cái nanh để cạnh nhau là thành một hình tròn xoe. Có đối tượng thì tinh ranh đưa ảnh ra cho khách xem (qua mạng) rồi lại thu hồi ngay, họ bán đủ loại đồi mồi, rùa biển với sự kín kẽ cảnh báo thẳng luôn: "bị bắt một con là đi tù 4-5 năm ngay, mua bán cái này phải cẩn thận, em chỉ ship qua… bưu điện thôi nhá, không bao giờ gặp để rồi bị dzich (tố cáo, bắt giữ)". Có khi, sàn nhà mênh mông gần chục xác hổ nuôi bị phanh thây nấu cao. Họ trưng rất cả ra các hội nhóm kín, trên cả mạng xã hội. Rồi bán, mua.
Hổ bị giết, lọc hết thịt để lấy xương chuẩn bị nấu cao buôn bán trong dịp Tết Nhâm Dần. Ảnh do cac đối tượng buôn bán các sản phẩm từ hổ gửi nhóm PV để "chào hàng" dịp Tết.
Có hai "thế giới" hàng phục vụ nhu cầu "đón Tết" liên quan đến hổ và hàng rừng: thứ nhất là các sản phẩm để trưng bày cho "oai": răng hổ, nanh, móng vuốt hổ để đeo vào cơ thể nhằm "trưng diện"; da hổ, hổ nhồi tiêu bản, "bàn tay, bàn chân hổ, đuôi hổ" được thuộc da, để nguyên lông lá, nhồi tiêu bản để đề-co làm "đẹp" tư gia đón xuân sang! Loại thứ hai là các món để "trị bệnh, cường dương, tẩm bổ": dương vật hổ ngâm rượu, cao hổ, thịt hổ, mật hổ. Cả hai loại trên đều có mục đích phục vụ cá nhân tiêu dùng và phục vụ quà biếu "ngoại giao" trong dịp tết.
Các cá thể hổ nuôi trang trại - chúng ăn lợn chết, gà chết rồi ướp tẩm hóa chất độc hại vận chuyển trái phép xuyên lục địa, xuyên quốc gia - nên các đối tượng rất khéo léo, bài bản để lừa người sử dụng.
Chúng trưng ra ảnh hổ hoang dã, các nồi cao hổ đang ùng ục đun nấu làm "mồi nhử" rồi bán hàng rởm. Chúng cũng đưa ra đủ thứ công dụng "thần kỳ" cho những kẻ dễ mê muội, rồi dùng cả chiêu bài: sản phẩm từ hổ tốt lắm, dùng vào thì khỏe đủ thứ, giúp người già "thì thứ thiệt luôn".
Vì thế, xuân về mua cái này báo hiếu với ông bà, cha mẹ là tuyệt vời nhất. Để khỏi dùng từ cao hổ trên mạng (tránh bị "quét"), chúng viết chữ "cao" rồi vẽ hình con hổ ở vị trí tiếp theo cho ai đọc cũng hiểu.
Cả sàn nhà toàn dương vật Ông Ba Mươi, cả sập gụ toàn xác hổ con ngâm rượu
Tại Quảng Bình, chúng tôi đi theo "giao dịch trên mạng" rồi tiếp cận với nhiều người cho xem hộ chiếu xuất cảnh, xem cả bộ da hổ, nanh hổ, vuốt hổ sau quá trình họ sang các nước Đông Nam Á săn trộm thú quý hiếm về bán. Anh Đ., người xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình mang ra một cái tay gấu đen kịt, một bộ da hổ với phần mặt hổ có thể khiến bất cứ ai phải… ám ảnh.
Anh bảo, anh trực tiếp cùng các thợ săn giết nhiều hổ, gấu, thông qua bẫy dây loại to. Hổ hoang, to và khỏe đến mức, cả nhóm 7 người (họ đi rừng bao giờ cũng theo từng toán khoảng ngần đó người) vác dao, gậy "oánh" cật lực mà từ sáng đến tối mới giết được một Ông Hổ đã dính bẫy bị trói một bên chân. Người đi rừng nào cũng cảm thấy "tự hào" vì giết được hổ và họ luôn giữ nanh, móng, xương, cao, da hổ làm kỉ niệm hoặc bán. Giá chợ đen, loại xương hổ này bán tới hơn 500 triệu đồng/bộ. Một thợ săn tiết lộ. Hàng thú rừng của họ thường được giấu trong các lô hàng trầm hương được "móc ngoặc" tốn kém khi mang về Việt Nam.
Họ bao giờ cũng quay lại cảnh nấu cao hổ, làm các hộp gỗ quý sơn son mà ở các nắp của hộp có khắc hình Chúa Sơn Lâm, ghi rõ tiếng Việt "Cao Hổ Cốt" để làm quà biếu, để trưng bày. Họ làm rất bài bản, và bán hàng cấm rất cao tay.
Nếu bạn có số điện thoại hoặc tài khoản mạng xã hội của họ, muốn giao dịch cần có mật khẩu. Hoặc họ sẽ truy: tôi có hàng, có bán, nhưng vì sao bạn có số điện thoại của tôi, có zalo, facebook của tôi? Cho tôi xin số hoặc xin gương mặt người đã giới thiệu bạn. Họ kiểm tra, nếu "mật khẩu" đúng thì mới giao dịch. Giao dịch xong là xóa dấu vết. Giao hàng cũng không gặp trực tiếp, qua dịch vụ hoặc qua trung gian, nếu bị bắt thì trung gian bảo, tôi chỉ là vận chuyển thuê, tôi vô tội.
Hầu như tất cả các bộ phận của "chúa sơn lâm" đều được tận dụng triệt để để bán cho khách có nhu cầu dịp tết Nhâm Dần, nhiều người với niềm tin mù quáng về việc sở hữu một sản phẩm từ hổ sẽ mang lại điều may mắn trong năm 2022. Ảnh do đối tượng buôn bán các sản phẩm từ hổ gửi nhóm PV để "chào hàng" dịp Tết.
Xâm nhập vào thế giới này, chúng tôi gặp nhiều điều tàn nhẫn, nhiều thú chơi kỳ quái, sát hại trực tiếp hoặc gián tiếp hổ - con vật cầm tinh năm mới 2022 để… cầu may mắn. Quả là một sự không hiểu nổi.
Họ bỏ một vài nghìn đô la (vài chục triệu đồng) để mua một lạng cao hổ cốt, mà không ai biết chất lượng của nó đã bị phù phép bởi con buôn thớ lợ đến mức nào. Dùng cao hổ để ăn, để biếu tặng và để "báo hiếu", trong khi vẫn tin hổ là linh vật có thể cầu chúc điều tốt cho mình và người thân; trong khi vẫn biết luôn: sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã là nguyên nhân hàng đầu lây truyền dịch bệnh nguy hiểm, rõ ràng cả thế giới đang cảnh báo điều này.
Và, choáng hơn là nhiều sản phẩm kì quái đã xuất hiện để đón năm… con hổ 2022. Một đối tượng tung ra sản phẩm "độc lạ": chuyên bán đuôi hổ, chân hổ nguyên chiếc các loại. Họ bỏ hết thịt xương ra, để nguyên các phần da lông vân vi, vằn vện của Chúa Sơn Lâm, "thuộc" (chế tác) cái đuôi hổ vả cả 4 khúc "chân tay" hổ với đủ móng, vuốt, ngón chân, bàn chân. Cứ thế đem bán.
Khách hí hửng bỏ tiền triệu mua về. Treo lên bờ tường, bỏ trong tủ kính mà… ngắm hoặc để thiên hạ ngắm cho oai. Bất biết đó là hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn.
Tại Nghệ An, một trùm buôn hàng từ châu Phi về còn bán hổ tạ nhồi tiêu bản dài hơn 2 mét, có sẵn cái thước xịn đặt dọc lưng "ngài" để khách xem và hình dung cho dễ. Bán luôn dương vật hổ "cắt cả cụm" to, dài, phủ kín cái đĩa tây.
Lông lá mịn mượt nguyên bản. La liệt trên nền nhà toàn dương vật hổ (gọi là "roi"). Có khi, "roi" chế biến sẵn, bỏ vào hũ ngâm rượu "kẹp chì" nguyên đai nguyên kiện, ship khắp cả nước. Họ nuôi hổ, hổ lớn thì bán cho người ta nấu cao, giá tiền tỷ, hổ con chẳng may chết, thì moi ruột, để nguyên lông lá, thả tất vào hũ rượu "tửu táng". Họ dùng dây thép, dây lạt buộc chân tay, tạo dáng cho Cậu Ba Mươi (hổ con) sao cho thật oách, thật đúng chất "hổ quyền". Rồi bán: vừa để uống nước cốt, vừa để trưng bày làm cảnh. Có khi hổ con vẫn sống khỏe, họ giết, thả hũ rượu và bán theo thú chơi tàn nhẫn của không ít đại gia.
Lúc đầu, chúng tôi tìm hiểu, cứ nghĩ trên mạng internet họ bán thịt hổ, sọ hổ, da hổ, cao hổ, dương vật hổ, "chân tay" và đuôi hổ là… chém gió. Ai ngờ, có xâm nhập tìm hiểu, mới biết đó là một thị trường thật, thật một cách mù quáng và tàn nhẫn.
Tàn nhẫn với thiên nhiên, mê lú trong cách nhìn và ứng xử với đời, đặc biệt là việc "hiến hưởng" (cả trưng bày bày, ăn diện lẫn ăn uống) các sản phẩm này tiềm tàng nguy cơ hại sức khỏe và lây truyền dịch bệnh nguy hiểm, như các nhà khoa học và thực tế loài người đảo điên vì COVID-19 nhưng ngày này đã chỉ ra.
Oái oăm hơn, năm hổ, ai lại đi giết hổ hoặc xúi người ta giết hổ để thỏa mãn cái thú vui ích kỉ và phản nhân văn của mình như vậy. Đạo Phật trân trọng sự quay đầu lại bờ, đã sai rồi thì sửa, sửa mình không bao giờ là muộn cả. Sửa mình, sống với các lý lẽ nhân ái ở đời, đó là cách tốt nhất để gieo quả phúc nhân năm mới, cũng là cách để thượng tôn luật pháp của mỗi chúng ta.
Quý độc giả đang đọc bài viết "Tết năm Hổ và lạc thú của những kẻ tàn sát Chúa Sơn Lâm" tại mục Bạn đọc Báo Điện tử Dân Việt. Liên hệ đường dây nóng Báo Điện tử Dân Việt 0857.835.666.
Theo Lam Anh – Văn Hoàng/Dân Việt