Ngày hôm nay (6/2), TAND TP.HCM sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun đối với bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam.
Trước đó, trong đơn Taxi Vinasun kiện GrabTaxi, Vinasun cho rằng suốt thời gian qua, Grab đã có những phương thức cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mãi tràn lan, phá giá… gây ảnh hưởng và thiệt hại cho taxi truyền thống như Vinasun.
Đại diện Vinasun cho rằng, trong khi việc khuyến mãi phải được đăng ký trước với Sở Công thương thì Grab lại khuyến mãi tràn lan quanh năm. Kèm theo đơn khởi kiện, Vinasun cung cấp cho tòa nhiều chứng cứ để chứng minh Grab kinh doanh vi phạm pháp luật tại Việt Nam gồm văn bản, hình ảnh và hàng chục video...Với việc đưa đơn ra tòa này, Vinasun yêu cầu tòa án buộc bị đơn phải kinh doanh dựa trên pháp luật về cạnh tranh công bằng.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: báo Đầu tư. |
Vụ kiện hi hữu, hiếm hoi trên đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận, báo giới với nhiều ý kiến trái chiều về cuộc “đại chiến taxi” này. Trong khi Vinasun kiện Grab ra tòa vì cho rằng, Grab cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mãi tràn lan, phá giá…thì Grab có lý lẽ riêng để bảo vệ mình. Nhiều ý kiến cho rằng, tòa án cũng khó có cơ sở phân định được thắng thua trong vụ kiện này.
Trao đổi với PV Kiến Thức về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, rất khó có đủ căn cứ để Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun có thể thắng trong vụ kiện này.
“Hãng taxi Vinasun nếu có căn cứ cho rằng Grab có hành vi cạnh tranh không lành mạnh thuộc một trong các điều Luật cạnh tranh thì có thể gửi đơn tới Hội đồng cạnh tranh, để được xem xét giải quyết. Họ gửi đơn ra tòa và vì lý do gì đó tòa xét xử. Tuy nhiên, khó có thể chứng minh thiệt hại trong trường hợp này là 1.000 đồng hay 1 tỷ đồng được”, Luật sư Nguyễn Thế Truyền nêu ý kiến.
Còn Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, trong trường hợp hành vi cạnh tranh không lành mạnh của loại hình taxi ứng dụng công nghệ mà gây ra thiệt hại cho các hãng taxi truyền thống có thể tính tổn thất giá trị bằng tiền thì các hãng taxi truyền thống có thể khởi kiện tới tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
“Lượng khách tụt giảm không phải là căn cứ duy nhất để đổ lỗi cho loại hình taxi ứng dụng công nghệ mới mà do nhiều nguyên nhân. Đặc biệt, nếu các loại hình taxi ứng dụng công nghệ mới này không có quy định cấm kinh doanh bằng văn bản luật thì các taxi này vẫn "vô can" với những giảm sút doanh số của của các hãng taxi truyền thống khác trên cơ sở quyền tự do kinh doanh mà Hiến pháp năm 2013 và pháp luật đã ghi nhận. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào kinh doanh là điều cần thiết và các hãng taxi truyền thống cũng nên có những thay đổi trong hoạt động kinh doanh của mình”, Luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Hải Ninh