Trong khuôn khổ dự án phát triển báo chí Việt Nam 2020 - 2024, từ ngày 11-12/12, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông (Bộ TT&TT) phối hợp với Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cùng sự đồng hành của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức Khóa tập huấn "Thông tin thị giác và sức mạnh của ảnh báo chí thời 4.0" tại tỉnh Thanh Hóa.
|
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang - Trưởng Ban đối ngoại Vinamilk phát biểu.
|
Khóa tập huấn được tổ chức cho gần 30 phóng viên và biên tập viên ảnh đến từ cơ quan báo chí khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Đây là 1 hoạt động nằm trong Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam 2020-2024”.
Khóa tập huấn có sự tham gia của diễn giả, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Chính – Phó Tổng biên tập Báo Ảnh Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
Khóa tập huấn được tổ chức nhằm trang bị kiến thức cơ bản của nhiếp ảnh; Cập nhật xu thế ảnh báo chí hiện nay qua việc lựa chọn nội dung, phương tiện và hình thức trong tác nghiệp ảnh đang phổ biến ở các hãng thông tấn trên thế giới; Các hình thức thể hiện, sử dụng tin ảnh hay phóng sự ảnh.
|
Thạc sĩ Nguyễn Trọng Chính – Phó Tổng biên tập Báo Ảnh Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam trình bày. |
Ngoài ra, khóa tập huấn còn giúp học viên bổ sung khả năng phát hiện vấn đề, thông tin trên báo bằng ảnh và thực hiện các phóng sự ảnh - thể loại vinh danh những câu chuyện ảnh; Khả năng thuyết trình, phân tích các tác phẩm ảnh báo chí (Biên tập ảnh); Khả năng nhìn nhận và đánh giá được cách thông tin hiệu quả bằng ảnh trên báo chí; Hiểu được công việc phóng viên ảnh, biên tập ảnh tại các Hãng thông tấn và cơ quan báo chí hiện nay; Nghiên cứu các dự án ảnh, biên tập, chú thích ảnh và tổ chức lại kho lưu trữ hình ảnh của mình.
|
Lớp tập huấn thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K phòng chống dịch. |
Cũng trong khuôn khổ khóa tập huấn, Ban Tổ chức tổ chức chuyến đi thực tế tại địa danh nổi tiếng của Thanh Hóa là Khu di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân) cho các học viên.
Tại đây, các diễn giả đã hướng dẫn cho học viên cách làm chủ các phương tiện và công nghệ nhiếp ảnh số cũng như kỹ thuật thể hiện tác phẩm ảnh báo chí; những kỹ thuật thể hiện tác phẩm ảnh báo chí với góc nhìn mới, hạn chế dàn dựng, áp đặt vào chủ thể ở hiện trường, thể hiện ý tưởng bằng hình ảnh và quan trọng là kỹ năng Tác nghiệp ảnh báo chí bằng smartphone trong xu hướng báo chí di động (Mobile Journalism), thiết bị “tất cả trong một” (all in one) không thể thiếu của người làm báo hiện nay.
Có thể thấy rằng, báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống. Trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, những sự thay đổi trong cách thức đưa tin và tiếp nhận thông tin đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi những người làm báo phải liên tục cập nhật những xu hướng mới để tồn tại và phát triển.
Tính đến nay, Dự án đã tổ chức thành công 1 Hội nghị, 3 diễn đàn lớn cùng 6 lớp tập huấn về nhiều chuyên đề, cập nhật các kỹ năng làm báo tiên tiến, thiết thực cho hàng trăm nhà quản lý, người làm báo và phóng viên báo chí cả nước.
Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024” là chương trình hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng theo hình thức xã hội hóa với sự đồng hành của Vinamilk trong suốt 5 năm triển khai. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ sự phát triển của báo chí cách mạng Việt nam, hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa.
Hiểu Lam