Tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn gồm 2 hợp phần: Hợp phần QL1 (tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500) với chiều dài 110 km; Hợp phần cao tốc (tuyến cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500) với chiều dài 64 km. Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 12.189 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Bắc Giang- Lạng Sơn và hợp phần tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500 tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn (Công ty thành viên của Tập đoàn Đèo Cả) làm chủ đầu tư, triển khai theo hình thức hợp đồng BOT.
|
Tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. |
Đến nay, hợp phần tăng cường mặt đường QL1 và cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn (đến đoạn Chi Lăng) đã đi vào hoạt động cũng như thu phí. Còn tuyến cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị đến nay chưa được triển khai.
Theo đó, trong giai đoạn thi công, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã phát hiện nhiều sai sót, khiếm khuyết trong thi công, dẫn tới chất lượng công trình tại một số nơi chưa bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn thiết kế khi kiểm tra hiện trường dự án.
Cụ thể như bề mặt mái ta-luy dương tại nhiều điểm trên tuyến chưa được tạo phẳng, nhưng nhà thầu thi công xây dựng đã thực hiện gia cố mái ta-luy là chưa tuân thủ quy định theo tiêu chuẩn áp dụng và biện pháp thi công được duyệt.
Thi công lớp móng cấp phối đá dăm tại Km101+750 chưa tuân thủ theo biện pháp thi công được phê duyệt, chưa đủ chủng loại lu trong dây chuyền, chưa thực hiện tạo ẩm vật liệu trước khi rải cho nên đã xảy ra hiện tượng phân tầng.
Đáng nói, hiện nay dù tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đã đi vào hoạt động nhưng nhiều người tham gia giao thông này vẫn chưa hiểu vì sao làn đường xe chạy được rải nhựa bằng phẳng, trong khi làn khẩn cấp chỉ được rải bằng bê tông thường.
Sự chênh lệch độ cao của 2 làn đường này khiến nhiều lái xe bị chêch tay lái, xe có độ rung lắc gây ảnh hưởng cho an toàn xe và người ngồi trên xe, đặc biệt xe chạy tốc độ cao.
Thu phí kịch trần, lo ảnh hưởng doanh thu chủ đầu tư
Theo phản ánh của người tham gia giao thông, hiện tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn (bao gồm dự án tăng cường QL1 và cao tốc Bắc Giang – Chi Lăng) thu phí cao dẫn đến ảnh hưởng người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, xe loại 1 là 52.000 đồng/lượt, cao nhất với xe loại 5 là 200.000 đồng/lượt, mức thu cao nhất trong các trạm BOT trên cả nước hiện nay và cũng là mức thu kịch trần được quy định tại Thông tư 35/2016/TT-BGTVT của Bộ GTVT. Mức thu này được điều chỉnh vào ngày 12/2 vừa qua, còn trước đó mức thu phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt xe tiêu chuẩn.
|
Bảng giá vé tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. |
Mặc dù cả UBND tỉnh Lạng Sơn và chủ đầu tư Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đều đưa ra những giải thích như do giảm lưu lượng xe so với dự toán (một phần do dịch COVID-19), miễn phí gần 6.000 phương tiện người dân địa phương xung quanh trạm thu phí QL1….
Nhưng người tham gia giao thông tuyến đường này vẫn cho rằng, các lý giải trên chưa phù hợp, đang vì lợi ích doanh nghiệp mà chưa tính đến những khó khăn của người tham gia giao thông và doanh nghiệp vận tải.
Chưa có tuyến đường gom, dân chạy tắt qua cao tốc
Một lùm xùm khác của tuyến đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn chính là việc thi công đường gom dân sinh phục vụ sản xuất, đi lại cả người dân. Các hạng mục đường gom qua tỉnh Bắc Giang hầu hết không nằm trong dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn được duyệt ban đầu. Đường chỉ được bổ sung trong quá trình thực hiện dự án dù trước đây các bên cam kết không bổ sung các công trình làm phát sinh chi phí đầu tư dự án.
Theo thông tin từ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Chi Lăng, Công ty BOT Bắc Giang – Lạng Sơn cam kết thi công xong đoạn này trước 30/4/2020 nhưng đến nay, mới đang thực hiện bước thiết kế dự toán công trình.
Tại nhiều đoạn thi công phải bổ sung các hạng mục vì không sát với thực tế sử dụng của người dân. Hay đoạn qua thôn Khun Thúng, thị trấn Chi Lăng do chưa có đường dân sinh và hầm chui nên dân phải trèo qua đường cao tốc để đi làm rừng.
5 năm vẫn chưa có vốn thực hiện
Hiện nay, tuyến cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị chưa được triển khai, dù đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2016. Theo đó, đoạn đường này dài 43 km với tổng số tiền 8.743 tỷ đồng.
Theo chủ đầu tư Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, vướng mắc là tổng vốn đầu tư của dự án quá lớn, ngân hàng khó thu xếp vốn cho vay. Tổng vốn đầu tư xây dựng toàn tuyến với 4 làn xe là 9.200 tỷ đồng (tăng so với tổng vốn 8.743 tỷ đồng năm 2016). Và một lần nữa, tỉnh Lạng Sơn và nhà đầu tư đã thống nhất phương án phân kỳ đầu tư để giảm số vốn thực hiện.
|
Đoạn cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị chưa có vốn thực hiện. |
Theo đó, đoạn Chi Lăng đến TP Lạng Sơn dài 27 km được đầu tư 4 làn xe (nền đường 17,5m), còn đoạn TP Lạng Sơn đến cửa khẩu Hữu Nghị dài 15 km được đầu tư quy mô 2 làn xe (nền đường 13,5m).
Với quy mô này, tổng mức đầu tư giảm xuống còn 5.947 tỷ đồng, với 1.600 tỷ đồng vốn của sở hữu doanh nghiệp, 2.347 tỷ đồng vốn ngân sách và nguồn vay ngân hàng thương mại là 2.000 tỷ đồng. Khi lưu lượng phương tiện sau này tăng cao thì sẽ tiếp tục mở rộng.
Cuối tháng 5/2020, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn tiếp tục kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ dự án khoảng 2.160 tỷ đồng từ vốn ngân sách để chi trả giải phóng mặt bằng, các công trình đường gom, hầm chui dân sinh, cầu vượt.
Đầu tháng 6, Chính phủ đã yêu cầu tỉnh Lạng Sơn làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về khả năng hỗ trợ vốn trung ương cho dự án cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị. Đồng thời, yêu cầu tỉnh tìm phương án đầu tư tối ưu, đảm bảo yêu cầu kinh tế, kỹ thuật, tránh lãng phí.
Hà Trang