Hơn 10 năm nay, Táo quân là chương trình được mong đợi trong đêm giao thừa, đề cập các vấn đề nổi cộm. Năm nay, Táo quân 2017 gây chú ý với những màn đối đáp liên quan vấn đề của ngành giáo dục.
Đặc biệt, khi Ngọc hoàng ra lệnh đổi mới phương pháp chầu theo kiểu “hái hoa dân chủ”, nhiều rắc rối nảy sinh.
|
Phần thi hái hoa dân chủ với hình thức trắc nghiệm khiến các Táo mâu thuẫn. Ảnh cắt từ clip. |
Cụ thể, trong cuộc hội ý giữa 4 Táo, Táo công chức (Chí Trung đóng) được giao nhiệm vụ ra đề minh họa để mọi người luyện tập.
Ông đưa ra đề bài: “Đề án dạy và học 3 vạn 9 nghìn tỷ để nâng cao năng lực ngoại ngữ cho thanh niên có khả thi không?”.
Táo giáo dục (Vân Dung) ngay lập tức khẳng định Táo công chức đang động chạm đến “chỗ nhạy cảm” của mình.
Tính khả thi của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 được đưa ra bàn luận nhiều lần, đặc biệt sau khi Bộ GD&ĐT quyết định đưa tiếng Nhật, Trung vào giảng dạy ở trường tiểu học và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định “đề án 9.000 tỷ không đạt mục tiêu” trước Quốc hội tại phiên chất vấn sáng 16/11/2016.
Thực tế cho thấy dù được chú trọng đầu tư, Đề án ngoại ngữ quốc gia trị giá khoảng 9.400 tỷ đồng đang hoạt động kém hiệu quả. Phổ điểm môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 chỉ ở mức 2 - 3,5 điểm, gần 90% điểm dưới trung bình.
Bên cạnh đó, năm học 2015-2016, cả nước chỉ có 8 nghìn trên tổng số 21 nghìn giáo viên tiếng Anh tiểu học đạt chuẩn. Tỷ lệ giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn ở cấp THCS và THPT chỉ ở mức 33% và 26%.
Các chuyên gia lý giải đề án khó thành công do đặt mục tiêu quá cao.
Trước đó, trao đổi với Zing.vn về vấn đề này, GS Nguyễn Lân Dũng khẳng định đề án không dựa vào thực tế khi đặt ra những mục tiêu quá lý tưởng, trong khi thiếu thốn cả về nhân lực lẫn cơ sở vật chất.
Một số người khác nhận định nguyên nhân nằm ở phương pháp giảng dạy, bao gồm việc “dạy tiếng Anh bằng tiếng Việt” như lời Phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ - PGS Đỗ Văn Xê - hay do đề án chỉ chỉ tập trung thứ Tiếng Anh "chết" theo nhận xét của ông Nguyễn Tuấn Hải - nhà sáng lập Eton Grammar School.
Ông Hải cũng cho rằng trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT nên có hướng đi đúng đắn để tránh lãng phí tiền bạc và thời gian của học sinh.
Ngoài Đề án ngoại ngữ quốc gia, chương trình Táo quân năm nay còn đề cập các vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục trong năm 2016 như việc thi các môn THPT quốc gia bằng hình thức trắc nghiệm, trừ Ngữ văn.
Người xem cũng dễ dàng nhận ra sự kiện giáo dục đằng sau việc các Táo dự định "phím" đáp án thi bằng số lần ho.
Thông tin "lò" đào tạo tiến sĩ được nhắc đến qua câu hỏi so sánh số trứng một con gà đẻ và số luận văn của một cơ sở đào tạo trong một tháng.
Theo Zing.vn