Tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ về BHXH chiều 27/4, ông Trần Hải Nam - Vụ phó Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện nay đề án cải cách bảo hiểm xã hội (BHXH) đang trong quá trình hoàn thiện để trình hội nghị Trung ương 7. Trong đó, có đề cập đến vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu.
Ông Nam cho hay, tuổi nghỉ hưu là một vấn đề được đặt ra trong lần sửa đổi, bổ sung bộ luật Lao động 2012 sắp tới. Trong đó có phương án tăng tuổi nghỉ hưu và giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của nam và nữ như hiện nay.
Ông Nam cho biết, sau khi Trung ương, Quốc hội xem xét tăng tuổi nghỉ hưu, vấn đề này sẽ tiếp tục được đưa vào Bộ luật Lao động để Quốc hội thông qua.
|
Phương án tăng tuổi hưu sẽ được Chính phủ trình tại hội nghị TƯ 7. |
Tại buổi trình bày sơ bộ đề án cải cách bảo BHXH chuẩn bị trình hội nghị Trung ương 7 trước đó, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết trong đề án sẽ bàn đến 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu.
Phương án 1, nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng; phương án 2 là nữ nghỉ hưu ở tuổi 60, nam 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng.
Trong một nghiên cứu công bố mới đây, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng đưa ra tính toán, nếu Việt Nam không sớm thực hiện cải cách, quỹ hưu trí sẽ bị thâm hụt vào năm 2034. Khi đó, tất cả người lao động nam dưới 40 tuổi và nữ dưới 35 tuổi sẽ không nhận được bất kỳ đồng lương nào sau khi nghỉ hưu, nếu Chính phủ không dùng khoản lớn ngân sách để bù đắp.
Tuy nhiên, nếu tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, quỹ lương của khu vực nhà nước có thể tăng lên, do người có thâm niên công tác sẽ phải trả lương cao hơn. Đổi lại, ngân sách sẽ tăng thu, bởi NLĐ lớn tuổi có thu nhập cao vẫn tiếp tục đóng thuế.
Theo Vũ Điệp/Vietnamnet.vn